1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Khúc tráng ca trên dòng sông huyền thoại

(Dân trí) - Thật khó có thể hình dung, một đoạn sông chỉ rộng gần 100m mà dân tộc ta phải đi hơn 20 năm mới tới bờ. "Chuyến đi" với biết bao đau thương mất mát, bao con người đã không tiếc máu xương để đưa đất nước đến ngày thống nhất, Bắc - Nam hòa một.

Kỳ đài tại Khu di tích Hiền Lương
Kỳ đài tại Khu di tích Hiền Lương

21 năm nặng một lời thề sắt son 

Ngược về quá khứ, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, địch buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, chúng vẫn cố tình kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, âm mưu chia cắt đất nước ta thành 2 miền Bắc - Nam. Miền Bắc được giải phóng và tiếp tục tiến lên xây dựng chế độ Xã hội chủ nghĩa, miền Nam đi theo chế độ Cộng hòa.

Kể từ đó, vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị trở thành ranh giới quân sự tạm thời, chia cắt đất nước. Chỉ cách nhau một dòng sông rộng chừng 100m, nhưng biết bao gia đình phải sống trong cảnh li biệt suốt bao năm trời.  

Kỳ đài tại Khu di tích Hiền Lương
Những ngày tháng Tư, cầu Hiền Lương lại đỏ rực cờ, hoa chào mừng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất 

Nỗi đau chia cắt càng thôi thúc khát vọng hòa bình, thống nhất, đưa non sông Việt Nam thu về một mối. Trong quá trình đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đứng lên, bằng tất cả sức lực, phương tiện sẵn có để biến khát vọng thống nhất trở thành hiện thực. Cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng gay go, quyết liệt, trung bình mỗi người dân phải hứng chịu hàng tấn bom, đạn do quân thù rải xuống khu vực này.

Một góc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Một góc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Hiền Lương đã chứng kiến những “đòn cân não” giữa ta và địch trên tất cả các lĩnh vực chính trị và quân sự, kinh tế, văn hóa… Những cuộc “đấu cờ”, “đấu loa”, “đấu màu sơn cầu” đã diễn ra trong tình thế hết sức căng thẳng. Trong đó, lá cờ tổ quốc là một biểu tượng cho sự quyết tâm đánh thắng kẻ thù, và cũng là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Cột cờ của địch cao bao nhiêu thì cờ của ta cũng cao bấy nhiêu, để đạt độ tương xứng. Khi cột cờ bờ Nam đạt mốc cuối cùng là 35m thì cột cờ bờ Bắc được nâng lên thành 38,6m.

Cuộc chiến bảo vệ ngọn cờ đầu giới tuyến kéo dài suốt 1.440 ngày đêm. Cũng có những lúc, không đấu được với cờ của ta, Mỹ - Ngụy đã cho rải bom nhằm đánh sập, làm rách cờ phía bờ Bắc. Tuy nhiên, những hành động đó của phía bờ Nam càng chứng tỏ sự vượt trội về sức mạnh và ý chí của quân và dân ta. Cứ mỗi lần cột cờ bị đánh gãy, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách thì sáng hôm sau, một cột cờ khác được dựng lên, không một ngày nào lá cờ Tổ quốc ngừng tung bay trên bầu trời giới tuyến.

Biểu tượng người mẹ vá cờ tại Khu trưng bày Vĩ tuyến 17 - Khát vọng thống nhất
Biểu tượng người mẹ vá cờ tại Khu trưng bày "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng thống nhất"

Câu chuyện về những người mẹ, người chị không quản ngại mưa bom, bão đạn thức trắng đêm để vá lại những lá cờ Tổ quốc đã trở thành huyền thoại trên vùng đất lửa. Chỉ tính riêng từ 5/1956 đến 10/1967, lần lượt 267 lá cờ Tổ quốc đã được treo trên kỳ đài Hiền Lương. Ngọn cờ ấy đã thôi thúc cả dân tộc anh hùng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trải qua 21 năm, ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất thì vĩ tuyến 17 mới được xóa bỏ vĩnh viễn.

Giờ đây, khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh cột cờ giới tuyến, chứng tích của một thời đất nước bị chia cắt, rất nhiều người vẫn rưng rưng nước mắt. Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều hiện vật quý giá của một thời kỳ oanh liệt của dân tộc. Trong đó, biểu tượng người mẹ vá cờ dưới hầm sâu được thể hiện trang trọng tại nhà trưng bày.

Bình yên bên dòng sông huyền thoại

Sau bao cuộc trường chinh, dòng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 chia cắt một thời nay đã được nối liền, trở nên hiền hòa, uốn lượn, bao quanh xóm làng và bồi đắp cho những cánh đồng trù phú. Trong những ngày tháng Tư, có dịp trở về Hiền Lương, được đi trên những con đường thẳng tắp, đỏ rực cờ hoa, lòng chúng ta lại trào dâng bao nỗi tự hào.

Điều đặc biệt, Lễ hội “Thống nhất non sông” được tổ chức hàng năm tại Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, là hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị hào hùng của quá khứ, mang thông điệp khát vọng hòa bình của dân tộc ta. 

Kỳ đài Hiền Lương được trang trí rực rỡ trước khi diễn ra lễ thượng cờ
Kỳ đài Hiền Lương được trang trí rực rỡ trước khi diễn ra lễ thượng cờ

Nhắc đến Lễ hội Thống nhất non sông, không thể không nhắc đến nghi lễ thượng cờ linh thiêng và trang trọng. Trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, cờ Tổ quốc rộng 96m² từ từ được kéo lên đỉnh kỳ đài, gợi nhớ những năm tháng chiến tranh khốc liệt bảo vệ Tổ quốc, dù khó khăn gian khổ, quân và dân ta vẫn giữ vững tấm lòng sắt son hướng về màu cờ cách mạng. Mặc bom rơi, đạn xéo, cờ Tổ quốc nơi giới tuyến Hiền Lương vẫn hiên ngang tung bay trong gió.

Rất nhiều phiến đá Trường Sa được dựng quanh kỳ đài, tượng trưng cho sự thống nhất non sông
Rất nhiều phiến đá Trường Sa được dựng quanh kỳ đài, tượng trưng cho sự thống nhất non sông

Năm 2011, tỉnh Quảng Trị tiếp nhận những viên đá chủ quyền quốc gia từ Trường Sa và cây bàng vuông do Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng. Trên đá có khắc tên các hòn đảo được dựng bao quanh kỳ đài Hiền Lương, như những lời hứa sắt son quyết gìn giữ non sông của những người con đêm ngày bám trụ nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Qua đó, còn chuyển tới bạn bè quốc tế một thông điệp “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, non sông đất nước đã thu về một mối cùng với biết bao sự đổi thay, hồi sinh mạnh mẽ từ những vùng đất từng hứng chịu nhiều bom đạn tàn khốc nhất. Và hôm nay, trong thời kỳ hòa bình, việc hàn gắn vết thương chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, càng tô đậm thêm cho ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Đăng Đức