1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

30/4/1975 ở Côn Đảo: Cai ngục tháo chạy, tù chính trị tự giải phóng

(Dân trí) - Cách đây 39 năm, vào những ngày này ở huyện Côn Đảo diễn ra những biến động lớn lao. Tù chính trị đã tự giải phóng cho chính mình. Ngay khi liên lạc được với đất liền, đại diện tù chính trị ở Côn Đảo nghẹn ngào đề nghị: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”.

Vốn là một quần đảo nhỏ và xinh đẹp, nhưng trước năm 1975 Côn Đảo được coi là “địa ngục trần gian”, bởi Pháp, Mỹ đã xây dựng ở đây một hệ thống nhà tù khổng lồ trong suốt quá trình xâm lược nước ta.
 
Nhiều du khách ghé thăm Côn Đảo trong những ngày cuối tháng Tư lịch sử này không khỏi xúc động khi được nghe lại câu chuyện về những biến động lớn lao ở đây trong ngày 30/4/1975, cách đây 39 năm.
 
Với kinh nghiệm hơn 10 năm công tác ở Tổ thuyết minh Ban quản lý di tích Côn Đảo, chị Danh Kim Hoàng - Tổ trưởng tổ thuyết minh - nhớ cặn kẽ từng chi tiết trong quãng thời gian lịch sử này. Theo lời kể của chị, Côn Đảo trong những ngày này đã có những biến động đầy lớn lao, mãi mãi đi vào lịch sử.

Cai ngục tháo chạy

Chiều 29/4/1975, được tin Sài Gòn thất thủ, ở Côn Đảo diễn ra một cuộc tháo chạy cực lớn. Bầu trời Côn Đảo náo loạn, máy bay quân sự lên xuống sân bay Cỏ Ống như mắc cửi chở quân, tướng Mỹ, cai ngục đóng tại Côn Đảo di tản ra tàu sân bay đang đón đợi ngoài khơi.

Riêng "chúa đảo" Lân Hữu Phương đã tự lái xe trong đêm, chở vợ con qua chi khu Bến Đầm bí mật xuống tàu di tản.

Sáng 30/4/1975, lúc đầu địch mưu tính canh giữ các nhà tù nghiêm ngặt, sau đó thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót, nhưng cuối cùng chúng đã không thể thực hiện được âm mưu khủng khiếp này.
 
Khi nghe tin chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng, toàn bộ quân tướng, cai ngục trên đảo chỉ còn 1 suy nghĩ duy nhất: Chạy trốn. Trên đảo đã diễn ra một cuộc di tản kéo dài tới tận nửa đêm trong khung cảnh hỗn loạn.
 
Trước tình hình này, linh mục Phạm Gia Thụy đã vận động giáo dân trong họ đạo Côn Sơn không di tản, ở lại giúp tù chính trị thoát khỏi ngục tù. Ông vận động được một nhóm lính bảo an mở cửa nhà lao giải thoát tù chính trị.
 
Trong khi đó, hầu hết tù chính trị trong các trại đều bị canh giữ, không hề hay biết thông tin, nhiều trại đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5.

Côn Đảo được giải phóng

23 giờ ngày 30/4/1975, lính gác mở cửa phòng 24 khu H để báo tin chính quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng, trao trả chính quyền về Cách mạng.

Lúc này các đồng chí tù chính trị trong khu H nhận định, có thể Sài Gòn đã được giải phóng, nhưng cũng có thể đây là âm mưu thủ tiêu của địch. Tù chính trị đã yêu cầu radio để nghe tin tức, nắm tình hình.

Khi chắc chắn Sài Gòn được giải phóng, những người tù chính trị vỡ òa sung sướng. Họ nhanh chóng loan báo tin tới các phân trại. Tiếng reo hò hân hoan vang lên dậy trời. Bắt đầu từ khu H, tới 3 giờ sáng 1/5/1975, cả tám khu của trại VII hoàn toàn được giải phóng.

Những người tù chính trị quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời gồm bảy người để lãnh đạo cuộc nổi dậy do đồng chí Trịnh Văn Tư làm Bí thư, thành lập chính quyền cách mạng để quản lý và giải quyết mọi việc trên đảo.

Đảo ủy lâm thời đã tổ chức tù chính trị từ trại VII đến giải phóng các trại khác. Tới rạng sáng 1/5/1975, tù nhân tại trại I, IV, V, rồi các trại II, III, VIII,  khu biệt giam Chuồng Bò cũng lần lượt được mở cửa giải phóng.

“Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”

Tới 8 giờ sáng 1/5, thị trấn Côn Đảo đã hoàn toàn thuộc về chính quyền cách mạng. 10 giờ sáng cùng ngày, Đài truyền thanh Côn Đảo phát sóng, đưa bản tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng...
 
Ngày 2/5/1975, một đài vô tuyến điện được hồi phục, và phát sóng chuyển bức điện đầu tiên từ Côn Đảo vào đất liền, cho tới 15 giờ cùng ngày thì liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”.

Rạng sáng 4/5/1975, tàu Hải quân từ đất liền cập bến Côn Đảo, mang theo 500 tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tù nhân vừa cách đây mấy ngày còn là tù nhân chính trị, giờ trở thành tự do. Họ rước hình Bác và cờ giải phóng về từng phân trại, rất nhiều người òa khóc vì niềm vui thống nhất đất nước.

***

39 năm sau ngày giải phóng, những dấu tích "địa ngục trần gian" vẫn còn nguyên ở huyện đảo Côn Đảo. Trong các trại lao tù, những cây bàng cổ thụ trăm tuổi vẫn xanh lá, rì rào đón gió biển. Những bức tường, chuồng cọp, phòng giam xám xịt, nơi không biết bao nhiêu nhà cách mạng đã đổ máu, hi sinh, giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng cuộc sống ở huyện đảo đã hoàn toàn thay đổi, tươi mới. Côn Đảo giờ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Côn Đảo ngày nay được những người yêu mến ví như thiên đường du lịch tràn đầy những bí ẩn chờ khám phá.
 
Những hình ảnh lịch sử ở Côn Đảo:
 
30/4/1975 ở Côn Đảo: Cai ngục tháo chạy, tù chính trị tự giải phóng
Chị Danh Kim Hoàng - Tổ trưởng tổ thuyết minh đang giới thiệu khách tham quan về mảnh đất lịch sử Côn Đảo.
 
Những cây bàng trăm tuổi trong các trại tù
Những cây bàng trăm tuổi trong các trại tù
Những cây bàng trăm tuổi trong các trại tù
 
Một bức tường xám xịt bao kín trại giam.
Một bức tường xám xịt bao kín trại giam.
 
Bên trong một phòng giam giữ tù chính trị.
.
Bên trong một phòng giam giữ tù chính trị.
 
Những bức tượng tái hiện cảnh tù nhân bị tra tấn ở nhà tù Côn Đảo.
Những bức tượng tái hiện cảnh tù nhân bị tra tấn ở nhà tù Côn Đảo.
 
 
Cổng dẫn vào trại Phú Tường (nơi các nhà báo phương tây phát hiện chuồng cọp kiểu Pháp)
Cổng dẫn vào trại Phú Tường (nơi các nhà báo phương tây phát hiện chuồng cọp kiểu Pháp)
 
Cổng dẫn vào trại Phú Tường (nơi các nhà báo phương tây phát hiện chuồng cọp kiểu Pháp)
Cổng dẫn vào trại Phú Tường (nơi các nhà báo phương tây phát hiện chuồng cọp kiểu Pháp)
Hệ thống chuồng cọp kiểu Pháp (bức tượng phía xa tái hiện cảnh cai ngục dùng gậy chọc tù nhân từ trên cao) 
 
Cửa dẫn vào khu chuồng cọp kiểu Mỹ
Cửa dẫn vào khu chuồng cọp kiểu Mỹ
 
Những ngôi mộ chiến sĩ cách mạng trong nghĩa trang Hàng Dương luôn có khách viếng thăm.
Những ngôi mộ chiến sĩ cách mạng trong nghĩa trang Hàng Dương luôn có khách viếng thăm.

Bảo Khánh

(lược ghi theo lời kể của thuyết minh viên Ban quản lý di tích Côn Đảo)