Người dân TPHCM than trời vì rác thải dày đặc ở Kênh Nước Đen
(Dân trí) - Sau hai năm cải tạo, Kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TPHCM) đang đứng trước nguy cơ tái ô nhiễm. Các loại túi ni lông, chai lọ, thùng xốp, xác động vật... bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Rác thải phủ kín một đoạn kênh dài gần 500m, thời tiết nắng nóng khiến dòng kênh bốc mùi hôi nồng nặc.
Theo chia sẻ từ người dân, tình trạng rác thải ùn ứ, chất thành bãi trên dòng Kênh Nước Đen xảy ra hơn một tháng nay. Nguyên nhân dòng chảy bị tắc nghẽn là do khu vực hạ lưu con kênh này được chặn lại để phục vụ thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, toàn bộ bề mặt kênh phủ kín bao bì, túi nilon, chai nhựa, thùng xốp...
Những đồ dùng sinh hoạt với kích thước lớn như gấu bông, nệm, chiếu cũng xuất hiện trên dòng kênh này.
Xác động vật được người dân ném trực tiếp xuống kênh, ruồi muỗi bu kín.
Xác động vật đang phân hủy, bốc mùi hôi nồng nặc trên Kênh Nước Đen.
Một số miệng cống cũng bị chắn bởi rác thải.
Mặc dù đã có biển cấm đổ rác - vứt rác xuống dòng kênh thế nhưng thực trạng vẫn không khả quan hơn.
Theo một cán bộ của phường Bình Hưng Hòa, việc dòng kênh đặc rác một phần là do công trình cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên thi công, ảnh hưởng đến việc lưu thông dòng chảy của Kênh Nước Đen. Hơn nữa, tình trạng người dân ở khu vực khác đến vứt rác xuống kênh vào ban đêm cũng xảy ra rất nhiều.
Nhiều người dân sinh sống cạnh con kênh cũng bày tỏ sự ngán ngẩm trước hiện trạng đầy rác thải tại đây.
"Những hôm nắng nóng, mùi hôi nồng nặc từ con kênh khiến tôi không ra khỏi nhà được. Rác thải ứ đọng lâu ngày, ruồi muỗi rất nhiều", chị Diệu nói.
Trước thực trạng trên, chiều 13/5, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đã huy động các cán bộ, đoàn thanh niên, người dân ra vệ sinh, dọn dẹp rác thải ở khu vực Kênh Nước Đen.
Công nhân môi trường ngâm mình dưới dòng nước đen nghịt để khơi thông dòng chảy ở các miệng cống.
Dự án nâng cấp, cải tạo Kênh Nước Đen (đoạn từ cống hộp đến kênh Tham Lương) được khởi công vào tháng 4/2020 với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng. Đến năm 2022, dự án cơ bản được hoàn thành, 1,4km Kênh Nước Đen được hồi sinh từ dòng "kênh chết" trở nên đẹp đẽ, khang trang.
Vị trí Kênh Nước Đen trên bản đồ. (Đồ họa: Tú Lê)