(Dân trí) - TPHCM coi năm 2022 là thời điểm để bứt phá, bù đắp những gì đã mất do Covid-19. Cải thiện cơ sở hạ tầng, phục hồi và phát triển hàng loạt lĩnh vực là điều TPHCM hướng tới trong năm mới.
Kế hoạch lớn mà TPHCM ấp ủ sau một năm "mất đà" bởi Covid-19
(Dân trí) - TPHCM coi năm 2022 là thời điểm để bứt phá, bù đắp những gì đã mất do Covid-19. Cải thiện cơ sở hạ tầng, phục hồi và phát triển hàng loạt lĩnh vực là điều TPHCM hướng tới trong năm mới.
Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ 2021-2025 của TPHCM gần như bị đánh mất với hàng loạt chỉ số kinh tế - xã hội, các kế hoạch, dự tính bị đảo chiều. Đối với vị thế là đầu tàu kinh tế cả nước và là đô thị dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM đã coi năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng để địa phương này tiến nhanh hơn sau một năm "mất đà".
Với nhận thức về tầm quan trọng của năm 2022, ngay từ cuối năm cũ, khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, TPHCM đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn chạy đà tiếp theo. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ được mở lại, cuộc sống người dân bước sang trạng thái "bình thường mới" là một phần trong bức tranh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà TPHCM ấp ủ để hiện thực hóa ngay trong năm 2022.
"Thành phố đã "mất đà" để thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025. Do đó, năm 2022, thành phố "vượt chướng ngại vật" trước mắt để bù đắp lại những gì đã mất", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, quán triệt tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của cấp chính quyền thành phố.
Giải quyết chuyện kẹt xe, ngập nước
Quãng thời gian mọi hoạt động kinh tế - xã hội tạm lắng lại để tập trung phòng, chống Covid-19 cũng là thời điểm TPHCM đánh giá, xem xét lại những tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thẳng thắn nhìn nhận, suốt quãng thời gian qua, địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế, câu chuyện cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng tiếp tục là bài toàn cần tìm lời giải.
Việc hạ tầng đi sau phát triển khiến địa phương đối mặt nhiều vấn đề phức tạp phát sinh. Để khắc phục, TPHCM sẽ phân bổ thêm nguồn lực phát triển hạ tầng trong thời gian tới.
Đối với hạ tầng giao thông, TPHCM sẽ chú trọng đến việc hoàn thành các tuyến vành đai 3, vành đai 4, tuyến Metro số 1, số 2 và cao tốc nối TPHCM với các địa phương trong khu vực. TPHCM cũng lên kế hoạch tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng trên nền giao thông thông minh nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ùn tắc.
Đối với dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), trong năm 2022, Sở GTVT TPHCM đã có định hướng tập trung đẩy nhanh tiến độ và cơ bản hoàn thành. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng được lên kế hoạch khởi công trong năm.
Đơn vị này cũng đề ra mục tiêu khởi công hàng loạt dự án tháo gỡ vấn đề kẹt xe trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quốc lộ 50, nút giao thông An Phú. Đồng thời, Sở GTVT cũng dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác 20 công trình giao thông trọng điểm.
Đối với vấn đề chống ngập, người dân TPHCM đứng trước kỳ vọng lớn về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được hẹn ngày hoàn thành năm 2022. Hiện tại, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng và tiếp tục thi công trở lại sau khi được Chính phủ gỡ vướng.
Dự án được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TPHCM.
Bù đắp thiệt thòi do Covid-19 cho thế hệ học sinh
Trong 2 năm liên tiếp, đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động thường nhật của TPHCM và cả nước bị đình trệ, lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ. Sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội, không thể tới trường, học sinh các khối lớp buộc phải tiếp nhận kiến thức bằng các phương pháp trực tuyến.
Dù biện pháp này mang lại những ưu điểm nhất định trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh, đặc biệt là các khối lớp nhỏ vẫn tồn tại và khó khắc phục nếu không được tới trường.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách lĩnh vực giáo dục, từng chia sẻ, thế hệ học sinh hiện nay đã chịu thiệt thòi suốt 2 năm do đại dịch. Thành phố cần bù đắp lại cho các em bằng cách tạo điều kiện học tập tốt nhất.
Theo quyết định mới nhất của UBND TPHCM, ngay sau Tết Nguyên đán 2022, học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 tiếp tục quay lại học trực tiếp, các khối nhỏ hơn từ mầm non tới lớp 6 có thể tới trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, người chăm sóc.
Theo lộ trình, từ ngày 7/2, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị đón trẻ, học sinh trở lại trường. Giai đoạn từ ngày 10 đến 13/2, các trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề trong công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường. Trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ chính thức được quay lại trường từ ngày 14/2.
Dù còn những ý kiến khác nhau trong việc cho trẻ tới trường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên, hầu hết phụ huynh có con em trong độ tuổi đi học cho rằng, học trực tiếp sẽ giúp các em bù đắp lại lỗ hổng kiến thức, kỹ năng mềm và giải tỏa những áp lực tâm lý đã đè nặng sau quãng thời gian dài học qua màn hình. Bên cạnh đó, việc đưa trẻ tới trường cũng giúp các bậc phụ huynh giải quyết được khó khăn về thời gian, quản lý trẻ khi bắt đầu công việc trở lại.
Đối với những ý kiến còn e ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong môi trường giáo dục, TPHCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tất cả cơ sở giáo dục cần đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, tạo sự an toàn cho học sinh. Phương châm của thành phố là tạo điều kiện hết sức cho các em được học tập nhưng phải đảm bảo an toàn với dịch Covid-19.
Khôi phục du lịch quốc tế
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, TPHCM thu hút hơn 8,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 32,6 triệu lượt du khách nội địa với tổng doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2019, đóng góp không nhỏ vào ngân sách thành phố. Ngành du lịch còn giúp TPHCM kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ khác đi kèm như lưu trú, nhà hàng, ăn uống, các dịch vụ tiện ích…
Bước sang năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bộc lộ sự ảnh hưởng, tổng doanh thu du lịch của toàn thành phố chỉ đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ.
Những ảnh hưởng rõ nét nhất đối với ngành du lịch TPHCM của dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2021, cũng là năm đầu tiên trong chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030. Các chỉ số phát triển ngành di lịch giảm mạnh so với cùng kỳ. Đặc biệt từ cuối tháng 3 đến hết năm 2021, khách quốc tế tới TPHCM là 0 lượt, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phải ngưng hoạt động.
Trước bối cảnh trên, từ giữa tháng 11, UBND TPHCM đã xin Thủ tướng chấp thuận thí điểm tổ chức đón khách quốc tế sử dụng "hộ chiếu vaccine" theo nguyên tắc "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn" và phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đồng thời khai thác mùa cao điểm của du lịch quốc tế. Đề xuất được đưa ra khi địa phương đã đạt được những thành tựu khả quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sau khi được chấp thuận, đầu năm 2022, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế tới địa bàn. Theo đó, từ tháng 1 này, TPHCM sẽ chính thức mở đón du khách là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về du lịch khi đáp ứng được những yêu cầu cụ thể trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
UBND TPHCM nhìn nhận, việc đón khách du lịch quốc tế sẽ giúp địa phương từng bước phục hồi thị trường, khôi phục các hoạt động du lịch, thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan. Mặt khác, TPHCM có thể xây dựng được hình ảnh là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Song song với việc mở lại du lịch quốc tế, TPHCM cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho địa bàn áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao. Trong đó, chính quyền thành phố mong muốn có thêm các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch - lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của Covid-19.
Với tiền đề là việc tất cả quận, huyện đã đạt tiêu chí vùng xanh - cấp độ 1 dịch Covid-19, trong 5 tuần liên tiếp, TPHCM đã đủ điều kiện cần để tạo bước chạy đà, bức tốc nhằm lấy lại một năm hụt hơi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vấn đề còn lại của đô thị triệu dân là giữ vững thành quả chống dịch Covid-19 đã đạt được và tận dụng những lợi thế ra sao để tạo một sự bứt phá xứng đáng với kỳ vọng cho năm 2022.
Nội dung: Quang Huy