(Dân trí) - Sau khoảng 10 phút di chuyển bằng cano, tôi có mặt tại đảo Ông Cụ (hay còn gọi là Vụng Ông Cụ), TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Gần 80 hộ ngư dân nuôi cá lồng bè giá trị cao tại đây đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch dịp Tết Nguyên Đán.
HÌNH ẢNH "ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ" TẠI LÀNG LỒNG BÈ QUANH VỤNG ÔNG CỤ
Sau khoảng 10 phút di chuyển bằng cano, tôi có mặt tại đảo Ông Cụ (hay còn gọi là Vụng Ông Cụ), TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Gần 80 hộ ngư dân nuôi cá lồng bè giá trị cao tại đây đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch dịp Tết Nguyên Đán.
Đảo Ông Cụ có diện tích 37,3 ha mặt nước, nằm cách Vũng Đục, vịnh Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh khoảng 4km. Hiện tại đảo Ông Cụ có gần 80 hộ ngư dân nuôi cá lồng bè giá trị cao như cá song, cá giò, cá hổ... có giá bán buôn từ 200 đến 400.000 đ/kg.
“Một vài người từng đến thăm vùng vụng này rất ngạc nhiên khi việc di chuyển giữa các nhà bè dễ dàng, giống như di chuyển bằng ô tô trên đất liền vậy. Nhìn từ trên cao thì mới thấy rõ được, khu vực này được chia, phân lô rất cụ thể cho ngư dân chúng tôi. Xây dựng phải đảm bảo đúng diện tích, quy hoạch để đảm bảo hướng luồng, lạch nước và đảm bảo các phương tiện cứu hộ, cứu nạn có thể di chuyển kịp thời, dễ dàng khi có thiên tai hay tai nạn xảy ra”, anh Phạm Thanh Doan, một ngư dân chia sẻ.
Nuôi cá lồng cho lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng tỉ lệ thuận với tình hình thời tiết phức tạp, bão gió, thiên tai và đặc biệt là nỗi lo ô nhiễm môi trường nước. Vì vậy ngoài việc lựa chọn con giống và loại thức ăn thì việc bảo vệ luồng nước sạch là yếu tố đặc biệt quan trọng
Ông Nguyễn Văn Bình, một ngư dân đã 20 năm gắn bó với nghề nuôi lồng bè trên biển – một trong những người đầu tiên nuôi cá song trên vùng đảo Ông Cụ trải lòng: “Nuôi cá lồng cho lợi nhuận cao, có năm nguồn nước và thời tiết thuận lợi, nhà tôi lãi hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, nghề này rủi ro cũng cao nếu có bão, thiên tai và đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Việc mất trắng 2-3 tỷ cá giống có thể xảy ra trong chớp mắt. Do vậy ngoài việc lựa chọn con giống, đầu tư chăm sóc thì việc bảo vệ nguồn nước là đặc biệt quan trọng”.
Cá song vua còn gọi là cá song vang – là loại có giá trị cao bậc nhất ở vùng vụng này. Cá song vang có tốc độ tăng trưởng nhanh, nuôi 2 năm có thể đạt 8-10kg/con. Do có kích thước lớn nên hiện nay cá có giá bán cao, lên tới 800.000 – 1 triệu/kg.
“Giá cá song vang rất cao nhưng việc nuôi không phổ biến vì con giống hiếm và ít, phải nhập từ nước ngoài. Hiện tại lồng bè nhà tôi có khoảng hơn 30 con cá song vang đang có trọng lượng từ 25 – 30 kg, có thể bán vào dịp Tết này”, ông Bình chia sẻ.
Những hộ ngư dân tại đảo Ông Cụ đều là ngư dân bám biển, nuôi trồng thủy hải sản lâu năm. Chi phí đầu tư cho các lồng bè và nhà bè lên đến hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Lưới ngư dân sử dụng chủ yếu xuất xứ từ Nhật Bản để đảm bảo chịu lực, chịu mặn tốt qua nhiều năm. Trung bình cứ từ 1 - 3 tháng, các hộ dân lại phải vệ sinh lưới để đảm bảo môi trường sống cho các loại cá giá trị cao.
Những ngày cuối năm, ngư dân nuôi cá lồng bè giá trị cao tại đây tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch dịp Tết Nguyên Đán. Ngoài cá song vang, ngư dân còn cung cấp cá song (khoảng 200.000 đồng/kg), cá giò (120.000 đồng/kg)... ra thị trường Tết.
"Tại đây, việc nuôi cá không chỉ vì lợi nhuận cá nhân mà chúng tôi còn phải cùng nhau bảo vệ nguồn nước chung. Có vậy thì việc phát triển mới bền vững, lâu dài. Các nguồn thức ăn cho cá đều đảm bảo không gây hại nguồn nước. Việc sinh hoạt trên nhà bè cũng phải đảm bảo vệ sinh, văn minh", anh Phạm Thanh Doan chia sẻ.
"Ngư dân tại đây đều giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng xây dựng thương hiệu cá giá trị cao của Quảng Ninh", anh Doan cho biết thêm.
Toàn Vũ