DMagazine

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là "nhà sáng chế của nông dân"

(Dân trí) - Từ cựu chiến binh phục viên về địa phương trồng lúa, ông Nguyễn Kim Hùng đã dùng khả năng sáng chế của mình giúp đỡ bà con nông dân giảm công sức lao động và mở doanh nghiệp.

Từ cựu chiến binh phục viên về địa phương trồng lúa, ông Nguyễn Kim Hùng đã dùng khả năng sáng chế của mình giúp đỡ bà con nông dân giảm công sức lao động và mở doanh nghiệp.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 1

10 giờ sáng, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất thiết bị nông - ngư nghiệp ở xã Nhân Thắng (Gia Bình, Bắc Ninh). Trong xưởng, một người đàn ông gầy gò, đeo kính lão vẫn cần mẫn làm việc, thi thoảng quay sang hướng dẫn cho những người làm cùng.

Ông là Nguyễn Kim Hùng (SN 1958), cựu chiến binh phục viên. Suốt 30 năm nay, ông dành phần lớn thời gian sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp tăng hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Trong số các sản phẩm hữu ích của ông phải kể đến máy bơm nước lưu lượng lớn phục vụ nông nghiệp; máy bơm "siêu chịu mặn" ứng dụng cho nuôi trồng thủy, hải sản vùng nước mặn; máy hút bùn đa năng; máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên...

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 3

Những sáng chế này không chỉ phục vụ cho bà con nông dân Bắc Ninh mà còn được khách hàng ưa chuộng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Với đóng góp của mình cho ngành nông nghiệp, ông vinh dự là đại diện của tỉnh Bắc Ninh được tuyên dương, khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 5

Ông Hùng sinh ra trong gia đình thuần nông ở thôn Cầu Đào, sau đó nhập ngũ và từng có thời gian đóng quân tại C14 Trung Đoàn 244, F323 chuyên về quân khí. Nhờ vậy, ông có điều kiện tìm hiểu về cấu tạo, cơ chế hoạt động của nhiều loại máy móc. Năm 1979, sau khi ra quân, ông Hùng trở về quê hương và mở một tiệm sửa xe đạp tại nhà.

Hồi đó, người dân trong thôn hay mang nông cụ bị hỏng đến nhờ ông sửa giúp. Bất cứ vật dụng nào hỏng, cũ... qua tay ông đều có thể sử dụng trơn tru như mới.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 7

Mặc dù, ông chưa học qua trường lớp nào về kỹ thuật nhưng chỉ cần nhìn qua là "bắt được bệnh" cho dụng cụ, máy móc. Cho nên, hàng xóm đặt cho ông biệt danh là "bác sĩ cho máy móc".

Thấu hiểu những nỗi cơ cực vất vả trong sản xuất nông nghiệp, ông Hùng luôn đau đáu suy nghĩ là làm sao chế tạo được những thiết bị góp phần giảm bớt sức lao động trong nông nghiệp. Khi nhu cầu sửa chữa các máy móc của bà con nông dân tại địa phương ngày càng tăng, ông Hùng dành thời gian nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm sửa chữa các thiết bị, đặc biệt là máy bơm nước sử dụng trong nông nghiệp.

Trong quá trình sửa chữa, nghiên cứu, nhận thấy các bất cập từ những loại máy bơm đang lưu hành trên thị trường như: tốn điện, trọng lượng lớn, giá thành tương đối cao, người cựu binh này luôn đau đáu nghĩ cách cải tiến, giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế. Năm 1986, ông nhận thấy nhu cầu tưới nước cho cây trồng và nuôi trồng thủy sản của người dân rất lớn. Vậy nhưng, máy bơm nước chạy bằng máy nổ lại mất nhiều sức, tốn nhiên liệu, nên ông Hùng bắt tay vào nghiên cứu.

Suốt 4 năm, ông tiến hành cải tiến thành công sản phẩm máy bơm phục vụ nông nghiệp với giá thành rẻ, năng suất, chất lượng có phần vượt trội hơn so với máy bơm bán ngoài thị trường.

"Đây là máy bơm nước ly tâm, hoạt động theo nguyên lý của lực ly tâm, tạo ra dòng chảy thủy động nhờ cơ năng cánh quạt trong máy bơm, giúp người dân dễ dàng sử dụng", ông phân tích.

Từ thành công bước đầu, năm 1990, với số vốn nhỏ, ông mở xưởng cơ khí, chuyên sửa chữa nông cụ phục vụ người dân địa phương.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 9

Với niềm đam mê sáng chế, ông Hùng còn được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến "nhà sáng chế của nông dân". Năm 2003, người dân ở quê ông chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Việc cải tạo ao hồ mất khá nhiều thời gian và công sức, ông Hùng lặn lội ra Công ty Cơ khí Hà Nội để "mục sở thị" những chiếc máy hiện đại và tìm tòi linh kiện phù hợp nhằm tạo ra một chiếc máy đa năng, phù hợp với nhu cầu của bà con địa phương.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 11

Sau một thời gian dày công thử nghiệm, chiếc máy bơm đầu tiên mang tên Thiên Long do ông sáng chế ra đời năm 2004. Qua quá trình đưa vào thực tiễn sản xuất, máy bơm nhận được sự phản hồi tích cực của người dân trong vùng.

Sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt như: Thiết kế nhỏ gọn, phần vỏ động cơ và cụm bơm ly tâm được sản xuất bằng hợp kim nhôm nên máy rất nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển và lắp đặt.

Ngoài ra, máy còn được trang bị đồng hồ Vol để theo dõi nguồn điện áp và Aptomat bảo vệ động cơ trong quá trình hoạt động.

Máy có thể hoạt động trong phạm vi điện áp khá rộng từ 170V-240V. Đây được xem là một lợi thế tuyệt vời phù hợp với mạng lưới điện tại các vùng nông thôn thường không ổn định. Ngoài ra, máy còn có khả năng ứng dụng rộng rãi cấp thoát nước cho các ao nuôi thủy sản, tưới tiêu ruộng đồng, bơm bùn loãng, nước thải…

Máy tiêu thụ ít điện năng, thay thế được 20 công nhân tưới 1 ha; giúp nông dân tiết kiệm công sức tưới tiêu và có thể mở rộng quy mô sản xuất, nuôi trồng.

Liên tiếp sau đó, nhà sáng chế "chân đất" cho ra đời nhiều dòng máy bơm nước có công suất, điện áp và lưu lượng khác nhau, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng.

Loại máy bơm nước TL100 do ông Hùng sáng chế được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu hồi năm 2017.

Chưa dừng lại ở đó, ông Hùng tiếp tục sáng chế ra sản phẩm máy hút bùn đa năng. Chiếc máy này tích hợp hút bùn, dọn đáy ao, cung cấp oxy và bơm nước.

Vì muốn hạ giá thành sản phẩm nhằm giảm bớt chi phí cho người nuôi thủy sản, nên ông tận dụng các bộ phận máy móc cũ còn sử dụng được, đưa về sáng chế, cải tiến công năng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Máy hút bùn đa năng có cấu tạo xoay theo trục ngang và trục dọc, bám sát đáy ao để hút bùn, hút bã hữu cơ thức ăn thừa và vệ sinh đáy ao hiệu quả.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 13

Đặc biệt, nhờ hệ thống phao nổi, máy có thể di chuyển khắp mặt ao, giúp người nông dân sử dụng dễ dàng. Sản phẩm có giá thành rẻ, chất lượng tốt nên đáp ứng được nhu cầu của các hộ nuôi thủy sản, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.

Trước đây, để hút bùn cho ao rộng 2.000m2 người ta phải bỏ ra chi phí từ 10 - 12 triệu đồng bao gồm máy móc và nhân công. Từ khi có máy hút bùn đa năng, người dân tiết kiệm được tiền bạc, tăng sản lượng cá tôm.

Ngoài ra, ông còn sáng chế ra máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên, sử dụng chính nguồn nước từ môi trường ao nuôi làm mát phần vỏ động cơ, giúp động cơ luôn mát, giúp tăng hiệu suất động cơ, tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Gặp cựu chiến binh ở Bắc Ninh là nhà sáng chế của nông dân - 15

Năm 2018, với sự hỗ trợ của hai người con trai, ông thành lập công ty sản xuất. Công ty của ông nhận chế tạo máy bơm theo yêu cầu của khách hàng, sửa chữa và bảo dưỡng các loại máy bơm.

Mỗi năm công ty của gia đình ông bán ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm các loại.

Các sản phẩm mang thương hiệu Thiên Long - Hùng Phương được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc như: Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Vĩnh Phúc… nhằm phục vụ công tác tưới tiêu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, mỗi năm cơ sở cung cấp hàng vạn linh kiện cho các tỉnh miền Bắc.

Ông Hùng cho biết, doanh thu trung bình của công ty hơn 8 tỷ đồng/năm, trong đó lãi khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu/tháng.

Nhằm cho ra sản phẩm có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường, ông Hùng đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại của Nhật Bản và Hàn Quốc như: Máy tiện CNC, máy phay CNC, máy mài CNC, Máy cắt phôi tự động.

Với sáng kiến của mình, ông đã đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng và công nhận danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn"; Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016; Giải nhất cuộc thi Nhà nông sáng tạo tỉnh Bắc Ninh; Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017, Giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 2" của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Năm 2020, ông được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen.

Chuyên mục "CHUYỆN NGÀY MỚI" do Báo điện tử Dân trí phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - AGRIBANK được triển khai từ ngày 15/3/2021.

Chuyên mục "CHUYỆN NGÀY MỚI" là nơi cung cấp thông tin, chia sẻ kiến thức, xu hướng sống tích cực nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa về phong cách sống xanh - sống đẹp - sống tử tế & nhân văn. Chuyên mục hướng tới độc giả là 95 triệu người dân Việt Nam cùng phấn đấu chung một mục tiêu "vì tương lai xanh" với giá trị bền vững "Sống hôm nay, cho mai sau".

"Chuyện ngày mới" là dự án phi lợi nhuận đầu tiên được thực hiện bởi một trong những Ngân hàng nhà nước uy tín nhất Việt Nam - AGRIBANK phối hợp với Dân trí thực hiện trên tinh thần, tôn chỉ vì cộng đồng và vì một Việt Nam tươi đẹp.

Để cập nhật những thông tin mới nhất về AGRIBANK, quý độc giả vui lòng truy cập:

Website: https://www.agribank.com.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/Agribank.VN

Nội dung & Ảnh: Cát Cát

Thiết kế: Khương Hiền - MS