(Dân trí) - Đến chiều 20/10, tại các vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) nước lũ bắt đầu rút chậm, hàng trăm hộ dân tiến hành dọn dẹp nhà cửa...
Đôi mắt trũng sâu của người phụ nữ nhìn cảnh nhà tan hoang, thóc mọc mầm sau lũ dữ
Đến chiều 20/10, tại các vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) nước lũ bắt đầu rút chậm, hàng trăm hộ dân tiến hành dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống, với phương châm nước rút đến đâu, khắc phục đến đó.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào chiều 20/10, người dân tại thôn Hậu Trường (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) tất bật dọn dẹp nhà cửa sau gần một tuần bị nước lũ cô lập.
Trong căn nhà tạm bợ, dột nát rộng khoảng 12m2, bà Võ Thị Ly (58 tuổi, thôn Hậu Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) buồn bã chia sẻ, khi nước lũ về ngập hơn nửa nhà, toàn bộ đồ đạc chìm ngập trong nước lũ, một số đồ vật kịp treo lên trần nhà thì còn dùng được. “Từ khi xảy ra ngập lụt, tôi phải đi sơ tán sang nhà người thân. Những hôm mưa to, gió lớn đã khiến mái tôn không còn nguyên vẹn, thủng lỗ chỗ, tường bao cũng hư hỏng nặng… Khổ lắm rồi”.
Khi có thông tin ngập lụt, tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà bà Ly đều được treo lên trần nhà như: mâm, chiếu, rổ, giá, xoong, nồi...
Bà Lý cũng chia sẻ thêm, bản thân làm nghề bán bánh bột lọc, thu nhập bấp bênh, tháng nào làm nhiều thì được khoảng 2 triệu. “Nuôi con gái đi học đại học nên làm ra bao nhiêu cũng lo cho con ăn học hết, không dư được đồng nào”, bà Lý chia sẻ.
Là trụ cột chính trong gia đình có 6 người, chồng mất sớm và đang phải nuôi chị chồng và cháu bị mắc bệnh tâm thần, bà Võ Thị Thu Hiếu ở thôn Hậu Trường (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) đang phải gồng mình khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Hơn 1 tấn thóc của gia đình bà Hiếu đã bị nước lũ nhấn chìm. Số còn lại thì đang mọc mầm được phơi ngoài cửa nhà để cố vớt vát lại những hạt thóc cuối cùng.
Chị gái và cháu của chồng bà Hiếu bị mắc bệnh tâm thần, không có khả năng lao động. Một mình bà Hiếu phải gồng gánh, nuôi con và 2 người họ hàng. Cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề, gia sản tích cóp trong nhiều năm làm lụng gần như bị xóa sạch.
Bà Dương Thị Hiền ở thôn Hậu Trường (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) thẫn thờ nhìn cảnh nhà tan hoang sau lũ. Bà cho biết, nước lũ đổ về rất nhanh mà rút thì lâu. Gần một tuần, gia đình bà phải đi sơ tán sang nhà người thân. Các đồ vật trong nhà đã được che chắn kỹ nhưng vẫn trôi sạch, quần áo để trong tủ cũng không giữ được bộ nào. Thóc lúa tích trữ nay đã mọc mầm, không thể sử dụng.
Ông Lê Hoài Giáp, trưởng thôn Hậu Trường (xã Hải Trường, Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết, đợt lũ này là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, do địa phương thuộc vùng trũng nên người dân đã có các giải pháp phòng chống, có gác lửng. Tuy nhiên nước lũ dâng quá nhanh khiến việc di chuyển đồ đạc cùng vật nuôi gặp nhiều khó khăn, nhà bị ngập sâu từ 1,5 - 3m, có nơi phải leo lên mái nhà để lực lượng chức năng tới hỗ trợ di dời. Sáng nay nước bắt đầu rút dần nên gia đình đem đồ đạc bị ngập ra để lau dọn lại”.
“Đến thời điểm hiện tại, thiệt hại sau lũ trên toàn thôn ước tính khoảng hơn 100 tấn lúa, 1500 con gà và hơn 300 con lợn bị chết, 10 ngôi nhà bị hư hỏng…”, ông Lê Hoài Giáp cho hay.