"Địa ngục trần gian" gần 220 năm tuổi
(Dân trí) - Theo tài liệu nghiên cứu, nhà lao Vinh có từ năm 1804, vào thời điểm chính quyền phong kiến xây dựng thành Nghệ An. Đây được xem là một trong những nhà lao có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.
Theo tài liệu ghi chép, năm 1804, Vua Gia Long cho xây dựng thành Nghệ An tại khu vực làng Vĩnh Yên (phía tây bắc núi Dũng Quyết), nay thuộc phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An. Nhà lao Vinh cũng được xây dựng trong khoảng thời gian này. Trong ảnh là thành Nghệ An chụp năm 1927. Nhà lao Vinh nằm trong khu vực thành Nghệ An (Ảnh: Tư liệu).
So với nhà tù Côn Đảo (thành lập năm 1862), nhà tù Hỏa Lò (xây dựng từ năm 1896); nhà lao Thừa Phủ (năm 1899); nhà tù Lao Bảo (năm 1908); nhà đày Buôn Ma Thuột (năm 1930)..., nhà lao Vinh được xem là có lịch sử hình thành lâu đời hơn cả.
Sau khi hoàn chỉnh việc thiết lập bộ máy thống trị ở Đông Dương, Nhà lao Vinh trở thành một trong những nhà lao trọng yếu trong hệ thống nhà tù của thực dân, sau Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn) và Thừa Phủ (Huế). Từ năm 1928-1929, Nhà lao Vinh đã trở thành công cụ đắc lực của thực dân - phong kiến hòng đối phó với tình hình chính trị mới khi quần chúng lao khổ sẵn sàng đứng lên để chống lại ách áp bức bóc lột.
Một cổng của thành Nghệ An, lối đi vào khu nhà lao Vinh (Ảnh tư liệu).
Toàn khu nhà lao dài 150m, rộng 130m, được bao quang bởi tường rào cao 3m, cắm đầy mảnh chai. Trong khu vực nhà lao có nhiều ngôi nhà được xếp thành từng dãy, phần dành cho tù nhân là 6 ngôi nhà giam, mỗi nhà dài 20m, rộng 5,2m, có 2 cánh cửa sắt to nặng. Mỗi nhà có 2 phòng giam, mỗi phòng đều thiết kế chỗ đặt cùm chân tù nhân (Ảnh: Hoàng Lam).
Ban đầu, hệ thống nhà lao được phân chia thành các khu vực để giam giữ nam nữ riêng biệt theo các loại tội phạm như kinh tế, chống chính quyền phong kiến hay chống nhà nước bảo hộ, tù chính trị. Đặc biệt, đối với tù chính trị, nhà lao Vinh được xem là "địa ngục trần gian" khi được thực dân Pháp trang bị, củng cố nhiều thiết bị tra tấn dã man, tàn bạo nhằm khuất phục ý chí của những người yêu nước. Trong ảnh là mô phỏng buồng giam tù chính trị (Ảnh: Hoàng Lam).
Từ khi nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930) đến năm 1932, tỉnh Nghệ An có 6.681 người bị bắt giam và 1.500 người bị giết chết. Chưa bao giờ Nhà lao Vinh lại chật chội, ô uế, ngột ngạt như giai đoạn này khi mỗi phòng giam tù chính trị, xà lim giam giữ hàng trăm người, thậm chí anh em tù nhân không đủ chỗ đứng hay đưa cánh tay lên để đút nổi miếng cơm vào miệng.
Tù chính trị bị cùm chân, sinh hoạt trong điều kiện hết sức tồi tệ, bị bỏ đói hoặc ăn gạo mốc, cá thối... Đặc biệt, bọn cai ngục nghĩ ra nhiều hình thức ra tấn tù nhân một cách tàn bạo như: Dùng roi cao su, vặn thừng, roi gân bò, dùi cui, roi xương cá sấu đánh, dí điện, dùng đèn cồn đốt 10 ngón tay, lấy mâm đồng đốt nóng đỏ rồi bắt tù nhân ngồi lên, bắt quỳ phơi dưới nắng trên tổ kiến lửa, thả rắn rết chui vào người… (Ảnh: Hoàng Lam).
Nhà lao Vinh là nơi từng giam giữ nhiều thế hệ tù chính trị từ phong trào Văn Thân, Cần Vương đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 như Nguyễn Xuân Ôn, Lụa Trần Thị Trâm, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Lê Viết Thuật, Siêu Hải, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh… Ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) và bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) cũng từng bị giam giữ nơi đây (Ảnh: Hoàng Lam).
Bức huyết thư của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Viết Lục (quê thành phố Vinh, Nghệ An) được viết trên bức tường của phòng giam vào ngày 13/6/1935. Trước lúc hy sinh trong tù, đồng chí cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà lao Vinh: "Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, binh lính và những người lao khổ. Chúng ta là những người bị áp bức bóc lột. Chúng ta phải nổi dậy chống lại mọi sự áp bức dã man. Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm" (Ảnh: Hoàng Lam).
Những hiện vật của cựu tù chính trị bị giam giữ tại nhà lao Vinh được sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Bảo tàng được xây dựng trên khu vực nhà lao trước đây, trở thành địa chỉ đỏ trong tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước của các thế hệ cha ông đến hậu thế (Ảnh: Hoàng Lam).
Công trình duy nhất của nhà lao Vinh còn sót lại là một trong 4 bốt canh. Tuy nhiên, công trình này nằm ngoài khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, hiện đang bị xâm hại bằng những bức tranh khổ lớn bao quanh tường và bị tận dụng thành cơ sở kinh doanh, buôn bán của một số người dân (Ảnh: Hoàng Lam).
Từ khi hình thành đến khi bị xóa bỏ vào năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà lao Vinh đã giam giữ, tra tấn hàng nghìn người yêu nước và các chiến sỹ cách mạng. Dù trong chốn lao tù, giữa những trận đòn tra tấn và cả mua chuộc của kẻ thù, những chí sỹ yêu nước, chiến sỹ cách mạng vẫn giữ vững khí tiết, một lòng tin tưởng vào Đảng và thành quả của cách mạng (Ảnh: Hoàng Lam).
Trên phần đất của nhà lao Vinh xưa, một tượng đài khắc họa sự kiên trung, bất khuất của những chiến sỹ cách mạng, chí sỹ và quần chúng yêu nước đã được dựng lên.
Từ ngày 12/9 đến hết tháng 12, triển lãm "Ký ức nhà lao Vinh" với 100 tài liệu, hình ảnh quý sưu tầm từ các nguồn sử liệu khác nhau được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh để phục vụ khách tham quan. Đây là hoạt động nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của các thế hệ những người yêu nước và các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, giam cầm, hy sinh tại nhà lao Vinh (Ảnh: Hoàng Lam).