Người dân bật khóc khi tham quan Di tích Nhà tù Phú Quốc
(Dân trí) - Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, TP Phú Quốc (Kiên Giang). Nơi đây tái hiện lại hình ảnh cai ngục tra tấn tù nhân dã man thời kháng chiến chống Mỹ.
Nhà tù Phú Quốc do Mỹ - Ngụy xây dựng với gần 500 phòng giam, hoạt động trong khoảng 6 năm (1967-1973), từng là nơi giam giữ khoảng 40.000 tù nhân. Một phần nhà tù được phục dựng lại tại Di tích Nhà tù Phú Quốc hiện hữu.
Tại đây, nhiều hình tượng mô phỏng lại cảnh Mỹ - Ngụy tra tấn người tù cách mạng rất dã man.
Trong đó, có rất nhiều cảnh cai ngục dùng gậy gỗ đánh trực diện trên đỉnh đầu, lấy đinh sắt đóng vào người, tháo khớp... người tù cách mạng. Chịu nhiều hình thức tra tấn tàn ác, khoảng 4.000 tù nhân là chiến sĩ cách mạng đã chết, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế.
Cảnh tù nhân bị giam, tra tấn trong chuồng cọp Catso, giống như một thùng container. Tù nhân bị giam vào đây sẽ thiếu ánh sáng, thiếu không khí, vệ sinh tại chỗ, ban đêm lạnh, ban ngày nóng như thiêu đốt khiến sức khỏe, tinh thần giảm sút nghiêm trọng.
"Thật sự rất xót xa. Chính sự hi sinh, đổ máu của những người chiến sĩ cách mạng đã mang đến hòa bình, độc lập cho nước nhà", ông Đặng Văn Ngôn (74 tuổi), ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang xúc động nói khi tham quan khu di tích.
Ông cho biết thời kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông từng nuôi và che chở cho nhiều chiến sĩ cách mạng nên rất đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau, sự hi sinh, mất mát.
Những ngày tháng 7, nhiều đoàn khách, cựu chiến binh đã tới tham quan Di tích Nhà tù Phú Quốc.
Một bạn trẻ bật khóc khi chứng kiến những hình ảnh phục dựng tại Di tích Nhà tù Phú Quốc.
"Những cảnh tượng tra tấn ở đây gây xúc động mạnh với chúng tôi, thật sự rất thương những người tù cách mạng. Chiến tranh đã qua đi, tôi mong thời gian sẽ là liều thuốc để chữa lành những mất mát, khổ đau", một khách tham quan đến từ Hà Nội chia sẻ.
Hình ảnh phục dựng cảnh người tù cách mạng bị giam giữ ngoài trời, trong những lồng thép gai.
Di tích Nhà tù Phú Quốc có tất cả 14 khu được đánh số thứ tự đều được phục dựng lại gần giống với cấu trúc nguyên bản với mái lợp tôn, vách tôn, chi chít hàng rào kẽm gai.
Mỗi khu trại giam có sức chứa khoảng 3.000 tù nhân.
Di tích Nhà tù Phú Quốc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015. Đây là điểm tham quan thường xuyên của người dân, du khách trong và ngoài nước khi đến Phú Quốc.
Di tích Nhà tù Phú Quốc là địa chỉ giáo dục cho người dân tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc kiên cường cho dù phải đối diện với đau đớn, hi sinh của người chiến sĩ cách mạng.