1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam:

“Để tôi vào được Dinh Độc Lập, biết bao đồng đội đã ngã xuống”

(Dân trí) - Ông được lịch sử nhắc đến bởi là một trong những người đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc quan trọng nhất, đánh dấu sự sụp đổ của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng là vị tướng có nhiều “duyên nợ” với Quảng Trị…

Người viết may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ vào những ngày tháng Tư lịch sử, khi ông cùng đồng đội đến Quảng Trị tham gia lễ cầu siêu, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường này.

Cứ mỗi lần quay lại Quảng Trị, trong lòng ông lại trào dâng biết bao cảm xúc, thương nhớ, những kỷ niệm về một thời oanh liệt nhưng hết sức gian khó. Bởi trên mảnh đất đau thương này, có biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống vì nền hòa bình hôm nay. Những địa danh như: làng Vây; làng Bù; sân bay Tà Cơn với các cao điểm 519, 622, 425, 471, Cu Bốc, động Cô Tiên…đã in sâu trong kí ức của vị tướng già, cũng như những cựu chiến binh khi về thăm lại chiến trường xưa.

“Để tôi vào được Dinh Độc lập, biết bao đồng đội đã ngã xuống”
Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ tham gia lễ cầu siêu tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống

Trung tướng Phạm Xuân Thệ (SN 1947, tại Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Ông lên đường nhập ngũ năm 1967, đến tháng 4/1968 được điều động bổ sung vào chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị. Lúc đó, ông Thệ mới chỉ là một chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Tháng 5/1968, ông tham gia trận đánh đầu tiên tại cao điểm 425, Bắc đường 9 Khe Sanh, Hướng Hóa. Có thể nói rằng, chiến trường Khe Sanh đã tạo nên dấu ấn trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Từ một chàng trai trẻ mang trên mình biết bao hoài bão, khát vọng đất nước được hòa bình, thống nhất, ông Thệ và đồng đội đã lập nên nhiều chiến công. Nhưng, cũng tại mảnh đất này đã có biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống, máu của những người lính trẻ đã hòa vào lòng đất mẹ.

Trung tướng Thệ hồi tưởng lại: “Lúc tôi được bổ sung vào chiến trường Quảng Trị, mới chỉ là một chiến sĩ, thanh niên miền Bắc, vừa trải qua 6 tháng huấn luyện, mang khí thế và khát khao chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, giải phóng đất nước. Vào đến đây tôi mới thực sự hiểu rằng chiến trường rất ác liệt, không lúc nào im tiếng bom rơi. Chỉ mong 1 phút, một giây để tĩnh tâm. Khi đang chờ bước vào trận đánh, một loạt bom B52 đánh vào Sở chỉ huy của Sư đoàn 304, khiến 1 chính ủy và phó chính ủy bị thương nặng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng bản thân phải phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ chứ không dám nghĩ đến mình được làm tướng như hôm nay”.

Kết thúc chiến dịch Khe Sanh năm 1969, ông quay ra Quảng Bình huấn luyện và sau đó quay lại Khe Sanh chiến đấu. Năm 1970, ông được cấp trên tin tưởng giao trọng trách làm Đại đội trưởng, chỉ huy trận đánh tại cao điểm động Cô Tiên. Tại đây, lần đầu tiên một tiểu đoàn của Quân khu Trị - Thiên đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn trang bị hiện đại và Sở chỉ huy của ngụy quân Sài Gòn vừa nhảy dù xuống động Cô Tiên, Khe Sanh.

Suốt 5 năm trời tham gia chiến đấu tại khắp chiến trường Quảng Trị với những trận đánh lớn trong chiến dịch Nam Lào (1971). Năm 1972, ông là Tiểu đoàn phó chỉ huy trận đánh giải phóng Đông Hà, rồi thị xã Quảng Trị…Và cũng từ đây, mảnh đất Quảng Trị đã gắn liền với bước chân trưởng thành của ông trong cuộc đời binh nghiệp.

Dẫu biết rằng chiến tranh là khốc liệt, là phải đổ máu nhưng trong tâm khảm ông vẫn cảm thấy hết sức day dứt. “Từng tham gia nhiều trận đánh, nhưng trong lòng tôi, những ngày sống và chiến đấu tại chiến trường  Quảng Trị mãi in đậm không bao giờ quên. Rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống và phần lớn đều đang độ tuổi 20. Các anh sinh ra đều được đặt tên, đều ra đi từ một làng quê yên bình với khát vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Lúc ngã xuống, máu của các anh, các chị đã thấm vào từng nhành cây, ngọn cỏ, tấc đất để từ đó ươm mầm cho sự sống và hoà bình độc lập ngày hôm nay. Các anh nằm đó, những hàng bia mộ thẳng tắp như hình ảnh của những đoàn quân ngày nào xung trận. Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ các anh, các chị ngã xuống âm thầm cống hiến cho quê hương. Mỗi khi về lại Quảng Trị mảnh đất có hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ chưa có tên tuổi tôi lại thấy lòng mình đau như cắt…” – tướng Thệ bùi ngùi.

“Để tôi vào được Dinh Độc lập, biết bao đồng đội đã ngã xuống”
Hàng năm ông đều trở lại mảnh đất Quảng Trị, chiến trường xưa kia ông trực tiếp cầm súng chiến đấu để tìm hài cốt đồng đội

Sau ngày đất nước giải phóng, ông Thệ cũng nhiều lần quay lại chiến trường xưa để thắp nén tâm nhang trước những đồng đội đã ngã xuống. Cũng như lần này, quay lại Quảng Trị, thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ từ “vùng đất chết”, lòng ông cũng tràn ngập sự vui sướng. Tướng Thệ cho biết: “Trong chiến tranh cho dù Mỹ - Ngụy rải xuống nơi này bao nhiêu bom đạn thì chúng ta vẫn sống, chiến đấu và lạc quan về ngày mai tươi sáng. Ngày hôm nay Khe Sanh, Hướng Hoá đã vươn mình đi lên từ những vết thương nham nhở của chiến tranh. Bản thân tôi cũng như các đồng đội thấy vinh dự và tự hào vì đã sống, chiến đấu và cống hiến cho mảnh đất này…”.

Là một trong những người đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập, bắt gọn cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và trực tiếp áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng vào thời khắc lịch sử 30/4/1975, ông cũng được lịch sử nhắc đến như là một nhân vật nổi bật của ngày chiến thắng.

Nhớ lại ngày đó, tướng Thệ bồi hồi: “Ngày 30/4/1975 là ngày không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Nhiều lần, tôi đã cận kề cái chết trong các trận đánh nhưng may mắn được sống sót đến giây phút cuối cùng, được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Đó là một điều may mắn đối với tôi. Tuy nhiên, để tôi có được cơ hội vào Dinh Độc Lập làm nhiệm vụ, biết bao đồng đội đã mất đi mạng sống. Có nhiều người hy sinh ngay khi chiến thắng đã cận kề, họ mới xứng đáng là người được nhắc đến nhiều nhất”.

“Để tôi vào được Dinh Độc lập, biết bao đồng đội đã ngã xuống”
Đại úy Phạm Xuân Thệ (bên phải) cùng đồng đội vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tướng Thệ vẫn là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh sư đoàn 304; Phó ban liên lạc Quân khu Trị Thiên. Với mong muốn đưa những người đồng đội đang nằm rải rác trên những cánh rừng xa xôi về với đất mẹ quê hương, hằng năm, ông đều trở lại các chiến trường Quảng Trị từ 4 - 5 lần, để liên hệ với các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại đây để tìm hài cốt đồng đội.

Nghĩ đến việc những người từng “vào sinh, ra tử” với ông trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt. Họ phải nằm lại vĩnh viễn chốn rừng sâu, trong sự mong ngóng, đợi chờ của người thân, gia đình, lòng ông lại bồi hồi, day dứt khôn nguôi.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm