1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lính bộ binh vào Dinh Độc Lập

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 9 cùng Trung đoàn Bộ binh 24 (304) và một số đơn vị phối thuộc có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt căn cứ Nước Trong, mắt xích trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản cuối cùng của quân ngụy Sài Gòn. <br><a href='http://dantri.com.vn/event-2535/39-nam-ngay-giai-phong-mien-am.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;39 năm ngày giải phóng miền Nam</b></a>

Đại đội 6 bộ binh là đơn vị thọc sâu “cảm tử”, tiêu biểu cho chủ lực quân giải phóng vào Dinh Độc lập đầu tiên trưa 30-4-1975...

1. Trước cửa ngõ Sài Gòn

Chiều 24-4-1975, địch phát hiện có lực lượng của ta, liền dùng bom, pháo ngăn chặn quyết liệt từ xa. Lữ đoàn thủy quân lục chiến cùng lực lượng tại chỗ tiến hành nhiều đợt phản kích nhằm phá thế bao vây của ta.

Trong giờ phút quan trọng, thiêng liêng của chiến dịch mang tên Bác giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Trung tá Đào Duy Nhất - Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 9 trao cho Trung úy Nguyễn Thiệu Tĩnh - Chính trị viên Tiểu đoàn 2 đơn vị chủ công lá cờ giải phóng mà nhân dân Phan Thiết tặng trung đoàn trên đường tiến công giải phóng tỉnh Phan Thiết.

4 giờ 30 phút ngày 26-4, bộ đội Trung đoàn 9, Trung đoàn 24 đã có mặt ở vị trí xuất phát xung phong, ai cũng thấm mệt. Tuy vậy ở các hướng, các mũi, đặc biệt trên hướng chủ yếu mà Đại đội 6 do Thiếu úy Đại đội trưởng Trần Quốc Ái(1) chỉ huy, anh em chiến sĩ rất háo hức vừa chờ lệnh, vừa chủ động gia cố thêm công sự, ngụy trang. Trời nắng như thiêu như đốt, nhiều chiến sĩ phải ngậm cỏ gianh cho qua cơn khát, bụng đói nhưng không một ai dám bóc lương khô vì bi đông đã cạn nước. Trong khi pháo binh địch liên tục bắn phá, đồng thời lực lượng thám báo, biệt kích tăng cường lùng sục, trước tiền duyên dải phòng thủ nhằm phát hiện lực lượng ta.

17 giờ ngày 26-4-1975, trên toàn tuyến phòng thủ phía đông nam Sài Gòn đột nhiên rung chuyển bởi hàng ngàn quả đạn pháo các cỡ của quân ta dồn dập trút bão lửa xuống đầu quân ngụy báo hiệu giờ nổ súng tiến công của quân ta trên mặt trận phía đông nam bắt đầu.

Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập hồi 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4
năm 1975. Ảnh tư liệu.

Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập hồi 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu.

Dứt pháo bắn chuẩn bị, chiến sĩ Đại đội 6 và các đơn vị bạn nhanh chóng vận động, tiêu diệt các tiền đồn, mở tung nhiều lớp hàng rào, tiến vào bên trong trường Thiết giáp. Địch dùng hỏa lực và xe tăng ngăn chặn quyết liệt; Đại đội trưởng ra lệnh phân đội DKZ bắn cháy 1 xe tăng M41; B40, B41 của đại đội diệt 3 hỏa điểm đại liên... Tận dụng ưu thế, Trung đội 2 lập tức lao lên mở cửa, nhưng vấp phải hai hàng rào cuối cùng, trong tay chỉ còn 1 quả bộc phá khối 3kg nhưng hỏng kíp nổ, lập tức Đinh Quang Vịnh dùng quả lựu đạn mỏ vịt U.S cặp vào bộc phá để phát lửa kích thích khối bộc phá. Sau đó, Vịnh ôm bộc phá lao lên đặt quả bộc phá vào chân tường và giật chốt lựu đạn. Một tiếng nổ rền vang phá tung khu nhà và hàng rào nơi địch đang cố thủ. Còn lại hàng rào đơn cuối cùng, Tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Tình và chiến sĩ Trần Đức Hồng lao tới nâng rào lên, để bộ đội vượt qua lao thẳng vào Sở chỉ huy trường Thiết giáp.

Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu kiên cường, mưu lược, Đại đội 6 và các đơn vị Trung đoàn 9, Trung đoàn 24, đã làm chủ trường Thiết giáp, trường Bộ binh và trường Biệt kích dù. Trong trận đánh ác liệt này, Trung đoàn 9 bắt 60 tên ngụy, bắn cháy 20 xe tăng - xe bọc thép, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Góp phần vào chiến công đó có cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 quả cảm.

Do quá sốc vì vị trí quan trọng đã bị mất, địch liều lĩnh tổ chức liên tiếp các đợt phản kích, nhằm chiếm lại căn cứ Nước Trong. Địch tung vào trận các lực lượng tinh nhuệ nhất để phản kích. Tiểu đoàn 7 thuộc Lữ đoàn dù 2; Tiểu đoàn 1 Lữ 147 thủy Quân lục chiến; 1 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, quyết chiếm lại bằng được trước trưa ngày 27-4. Với đòn hỏa lực mạnh, kết hợp bộ binh, xe tăng - thiết giáp đánh phủ đầu 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 9, gây cho ta nhiều thiệt hại. Trước tình hình đó, Trung tá Trung đoàn trưởng Hoàng Chính cho ngừng tiến công địch trong hành tiến, bộ đội chuyển sang củng cố công sự, điều chỉnh kế hoạch tác chiến, sẵn sàng chặn đòn tiến công của địch. Do ta thay đổi chiến thuật rất hợp lý nên quân ngụy trong hành tiến đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của ta, ngụy quân thương vong lớn, sức tấn công không còn mạnh mẽ nữa. Phát hiện quân ngụy nhụt ý chí, quân ta phản công, buộc địch phải lùi về phía sau khoảng 1km. Đợt tiến công lớn nhất của ngụy quân trong ngày 27-4 bị bẻ gãy, kế hoạch chiếm lại căn cứ Nước Trong của ngụy quân hoàn toàn thất bại.

Vào khoảng 17 giờ ngày 28-4, chỉ huy Tiểu đoàn 2 giao nhiệm vụ cho Đại đội trưởng Đại đội 6 chỉ huy bộ đội bí mật luồn sâu chiếm chốt khu vực Đường 15 (ngã 3 Thái Lan), phía sau tuyến phòng ngự của quân ngụy. Suốt đêm 27, rạng sáng 28-4, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 khẩn trương củng cố trận địa, chốt chặn, thì cũng là lúc đội hình Tiểu đoàn 2, cùng các tiểu đoàn trong đội hình Trung đoàn 9 đồng loạt tiến công, phá vỡ trận tuyến phòng ngự trước cửa ngõ Sài Gòn của ngụy quân, tiêu diệt nhiều xe tăng - thiết giáp, xe cơ giới, sinh lực và hỏa lực của ngụy quân. Khi địch lui đội hình về phía sau, Đại đội 6 bất ngờ nổ súng, khiến ngụy quân hoang mang tột độ. Thừa thắng, Đại đội 6 chia cắt đội hình, chặn đường tiếp viện của ngụy quân, làm chủ khu vực chốt cầu sông Buông Long Thành, Đồng Nai theo lệnh của chỉ huy Tiểu đoàn 2.

13 giờ ngày 29-4, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 do Trung úy Bùi Quang Thận chỉ huy, đề nghị Đại đội trưởng Đại đội 6 phối hợp chiến đấu. Cùng lúc Đại đội trưởng Đại đội 6 nhận được lệnh của Đại úy Trần Văn Tàu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. “Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn đồng ý để Đại đội 6 bộ binh tham gia cùng xe tăng Lữ đoàn 203, phát triển tiến công vào Sài Gòn”. Cán bộ, chiến sĩ đại đội quá vui mừng khi nhận được lệnh phối hợp với xe tăng Lữ đoàn 203. Cầu sông Buông bị phá sập. Đại đội 6 được lệnh cùng Đại đội 17 công binh khắc phục, để xe tăng vượt qua cầu. Khi bộ đội đang khẩn trương sửa chữa cầu thì 3 chiếc xe con từ phía sau lao tới, mọi người nhận ra hai người cao lớn, vạm vỡ, nước da hồng hào bước xuống và tiến tới cầu, đó là Thiếu tướng tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An và Thượng tá quyền sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 Nguyễn Ân. Sau khi kiểm tra cây cầu, thấy cầu chưa hỏng nặng, quyền Sư đoàn trưởng xin chỉ thị của Tư lệnh Quân đoàn, rồi rảo bước tới các chiến sĩ công binh nói: “Các cậu cố gắng nhé! Đảm bảo cho xe tăng sớm vượt cầu tiến vào Sài Gòn”.

2. Vào Dinh Độc Lập

Sau 4 ngày đêm chiến đấu liên tục, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9, trong đó có Đại đội 6, đơn vị luôn đảm trách nhiệm vụ khó khăn, cơ động nhanh, táo bạo chiến đấu theo yêu cầu khẩn trương của chiến dịch. Do không có được sự chuẩn bị chu đáo nên bộ đội bị thương vong nhiều, cơ số đạn tiêu hao quá nửa, lương thực, thực phẩm chủ yếu lấy của địch để dùng. Tuy nhiên, với niềm tin chiến thắng cả Đại đội 4 Xe tăng và Đại đội 6 Bộ binh luôn gắn bó, chia lửa, vượt qua thử thách xốc tới, thể hiện đúng bản lĩnh của lực lượng thọc sâu đánh tan các chốt của quân ngụy ngăn chặn bước tiến của quân ta ở phía nam cầu sông Buông, sau đó đánh chiếm cầu sông Đồng Nai, rồi tiến lên đánh chiếm đầu cầu Thị Nghè (sông Sài Gòn), đập tan các chốt chặn phòng ngự trên cầu, bắn cháy 2 tàu chiến trên sông. Đến 10 giờ ngày 30-4, mũi thọc sâu của Đại đội 6 vẫn tiếp tục ngồi trên 2 xe tăng 843 và 390 do Trung úy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và Trung úy Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy. Quân số của Đại đội 6 lúc này chỉ còn 15 tay súng. Các chiến sĩ bộ binh, xe tăng như những “Cảm tử quân” lao thẳng tới khu vực Hàng Xanh.

10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng T54b, số hiệu 843 dẫn đầu đội hình thọc sâu khi đến cổng Dinh Độc Lập liền húc thẳng vào cổng phụ và bị mắc kẹt. Chiếc xe tăng thứ hai, số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy ra lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập điều khiển xe húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập tiến thẳng vào trong sân dinh. Ngay đầu cổng Dinh Độc Lập xuất hiện một nữ nhà báo nước ngoài đang chăm chú ghi hình(2). Trong sân dinh có 30 lính vệ binh đang sẵn sàng hạ vũ khí đầu hàng. Các chiến sĩ Đại đội 6 nhảy xuống khỏi 2 xe tăng 843 và 390 gồm: Trần Đức Tình, Trần Văn Tàu, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Sản, Trần Mạnh Đề, Chử Đức Hải, Nguyễn Văn Đấu được lệnh Thiếu úy Chính trị viên đại đội Nguyễn Duy Ân, gom toàn bộ số lính ngụy đưa vào góc sân dinh. Khi thấy Trung úy - Đại đội trưởng xe tăng từ xe 843 cầm lá cờ giải phóng, vượt qua sân vào Dinh Độc Lập để cắm cờ trên đỉnh nóc dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, thì Trần Đức Tình, Bùi Huy Linh liền lao theo. Khi tới sân thượng nơi cột cờ, Tình liền rút dao găm, chặt đứt đầu dây ghì cột cờ rồi từ từ hạ lá cờ vàng 3 sọc đỏ xuống để đồng chí Bùi Quang Thận thay lá cờ giải phóng rồi kéo lên đỉnh cột đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Ít phút sau, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Đại úy Phạm Xuân Thệ và một số sĩ quan của cơ quan trung đoàn trên chiếc xe Jeép lao thẳng vào sân dinh. Ngay sau đó, Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ áp giải Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi trên xe Jeép đến Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong lúc Trung đoàn phó Thệ và các trợ lý của mình soạn thảo nội dung lời tuyên bố đầu hàng, thì Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Trung tá Bùi Tùng xuất hiện. Mọi người cùng thống nhất soạn thảo văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc và văn bản thay mặt quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống quân lực Việt Nam cộng hòa do Chính ủy Bùi Tùng soạn thảo và đọc trước làn sóng điện Đài Phát thanh Sài Gòn.

13 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Đại đội 6 được lệnh rời khỏi Dinh Độc Lập ra đánh chiếm Tân Cảng, kết thúc một chặng đường chiến đấu hào hùng. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 rất tự hào, vui sướng là đơn vị bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập.

Theo Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG
Báo Quân đội nhân dân

______________

(1) Trần Quốc Ái, sau năm 1975, Đại tá, Hiệu trưởng Trường Quân sự Bắc Ninh.

(2) Nữ nhà báo Pháp Phờ-răng-xoa Đơ-muyn-đơ.