(Dân trí) - "Khi các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào thực tế, phát huy tác dụng, TPHCM sẽ có được sức bật kinh tế - xã hội. Người dân, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển đó", Chủ tịch TPHCM bày tỏ.
Trả lời phỏng vấn riêng phóng viên Báo điện tử Dân trí, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ, với một bản nghị quyết lớn, có ý nghĩa đặc biệt, nhiều nội dung mới chưa từng có, việc chuẩn bị của TPHCM không chỉ dừng lại ở lên kế hoạch hành động, xây dựng các tờ trình, dự thảo nghị quyết. Địa phương thậm chí còn chú trọng đến chuẩn bị đội ngũ, xây dựng tâm thế cho từng cán bộ chịu trách nhiệm thực thi Nghị quyết 98.
Thời điểm bản Nghị quyết 98 được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, từng phần việc được cả hệ thống chính trị thành phố "kích hoạt" theo lộ trình đã định. Với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ đi vào cuộc sống nhanh và đạt kết quả cao nhất.
"Khi các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào thực tế, phát huy tác dụng, TPHCM sẽ có được sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Người dân, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển đó", Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã chính thức có hiệu lực, thành phố cũng đang từng bước để hiện thực hóa các nội dung của bản nghị quyết này. Theo ông, việc ra đời của nghị quyết có ý nghĩa ra sao đối với thành phố trong bối cảnh hiện tại?
- Ngày 24/6 vừa qua, Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Thời điểm bản nghị quyết mới được thông qua, lãnh đạo thành phố, cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp tại TPHCM đều vui mừng, phấn khởi bởi đô thị lớn nhất cả nước đứng trước cơ hội quay lại quỹ đạo phát triển tương xứng với vị thế đầu tàu.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 98 có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với TPHCM mà còn cho cả nước. Với bản nghị quyết này, TPHCM có thêm những điều kiện, cơ sở pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế đang gặp phải, đồng thời tạo động lực phát triển mới, tăng tính chủ động so với trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM giải quyết được rất nhiều khó khăn, tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, phát triển khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy. Đặc biệt, bản nghị quyết sẽ là lời giải cho các vấn đề mà TP Thủ Đức - thành phố trực thuộc TPHCM - gặp phải từ khi thành lập tới nay. Bản nghị quyết sẽ tạo cơ chế hoạt động giúp TP Thủ Đức phát triển và trở thành cực tăng trưởng mới.
Với việc thực hiện thành công Nghị quyết 98, các tiềm năng, thế mạnh của thành phố sẽ được phát huy, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp cho sự tăng trưởng chung của cả nước. Các cơ chế, chính sách vượt trội được thí điểm thành công ở TPHCM cũng là cơ sở để nhân rộng cả nước. Bài học về xây dựng, thực thi thể chế, nhất là thể chế vượt trội cũng là kinh nghiệm có ý nghĩa không chỉ đối với TPHCM mà cả ở tầm Trung ương.
Tuy nhiên, việc Nghị quyết 98 được ban hành mới chỉ là thành công bước đầu. Thành công thật sự của TPHCM là tổ chức thực hiện bản nghị quyết mới đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2017, Quốc hội từng ban hành Nghị quyết 54 nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Điểm khác biệt về bối cảnh ra đời và mục tiêu hướng tới của Nghị quyết 98 và Nghị quyết 54 trước đây là gì?
- Nghị quyết 54 trước đây và Nghị quyết 98 mà Quốc hội vừa ban hành đều có chung mục tiêu là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tuy nhiên, các nội dung của Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu cho ngân sách, còn Nghị quyết 98 thì tập trung cho các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, khơi thông và thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách.
Nghị quyết 98 còn tạo ra những cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là những động lực quan trọng cho sự phát triển của TPHCM hiện tại và trong tương lai.
Với một bản nghị quyết lớn có ý nghĩa đặc biệt, nhiều nội dung mới, nhiều công việc khó, TPHCM sẽ sắp xếp đội ngũ, lên kế hoạch triển khai, quy trách nhiệm cho từng đầu việc ra sao để tận dụng được những cơ chế, chính sách vượt trội?
- Trong thực tế, TPHCM đã chuẩn bị cho công tác triển khai Nghị quyết 98 khá chủ động. Việc chuẩn bị này được thực hiện đồng thời với quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Về đội ngũ, TPHCM đã xây dựng tâm thế, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị, cá nhân. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ theo dõi sát kết quả thực hiện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhân lực hoặc thực hiện các biện pháp về cán bộ nếu cần thiết.
Để đảm bảo nhân sự đáp ứng được yêu cầu công việc của bản Nghị quyết 98 và những nhiệm vụ mới khác trong tương lai, TPHCM cũng xây dựng Đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hiệu lực - hiệu quả - phục vụ nhân dân - kiến tạo phát triển. Địa phương cũng triển khai chính sách thu nhập tăng thêm để động viên, khuyến khích cán bộ, xây dựng các chính sách về nhà ở, đào tạo, thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ.
Đồng thời, TPHCM sẽ vận dụng, triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Việc triển khai Nghị quyết 98 lần này, thành phố đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại cấp địa phương, TPHCM cũng thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành cấp thành phố và hội đồng tư vấn thực hiện nghị quyết.
Hiện tại, thành phố đang xem xét, mời đơn vị tư vấn quản lý việc triển khai Nghị quyết 98 để mọi phần việc được làm theo cách chuyên nghiệp nhất.
Trong kế hoạch hành động, thành phố đã tham mưu các nội dung trình ban hành Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và các văn bản của bộ, ngành nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98. Về phần mình, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị, HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết khung, UBND thành phố có kế hoạch triển khai nghị quyết mới.
Tại kỳ họp HĐND diễn ra tháng 7 vừa qua, các đại biểu đã thống nhất ban hành 3 nghị quyết cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mới trong Nghị quyết 98. Tại kỳ họp chuyên đề tổ chức vào tháng 9 tới đây, UBND thành phố tiếp tục trình 21 nội dung liên quan tới Nghị quyết 98.
Các nội dung còn lại đang được gấp rút chuẩn bị để trình ở các kỳ họp còn lại trong năm 2023.
Ông từng chia sẻ, "Khơi thông nguồn lực" là đặc điểm chính mà Nghị quyết 98 hướng tới. Ông có thể làm rõ, những nguồn lực nào cho TPHCM có thể khơi thông khi Nghị quyết 98 đi vào thực tế?
- Như đã nói ở trên, Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM giải quyết được rất nhiều khó khăn, tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, phát triển khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy. Bản nghị quyết cũng giúp TPHCM khơi thông những nguồn lực về đất đai, đầu tư, khoa học công nghệ và có độ mở để khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Về nguồn lực đất đai, Nghị quyết 98 có các nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha, thực hiện thủ tục đất đai đối với diện tích hình thành khi lấn biển.
Ngoài ra, nghị quyết mới cũng có các cơ chế, chính sách về quy hoạch (đô thị, xây dựng), đất trong các dự án nhà ở xã hội, về thu hồi đất, hệ số điều chỉnh giá đất…
Các nội dung trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian thực hiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế xã hội.
Về nguồn lực đầu tư, TPHCM có thêm các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, được áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thành phố được thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đối với các công trình được bộ hiện hữu.
Các nội dung khác là việc có thêm độ mở về áp dụng loại hợp đồng BT; các cơ chế, chính sách đặc thù về các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư chiến lược, về chuyển đổi công nghệ đối với các dự án xử lý chất thải rắn…
Ngoài ra, Nghị quyết 98 cũng có những cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn vốn như việc thành phố được vay đến 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) là quỹ đầu tư phát triển địa phương được huy động vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển TPHCM.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thành phố được quyết định các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp như hỗ trợ không hoàn lại, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…
Đồng thời, Nghị quyết 98 cũng có các nội dung liên quan chế độ tiền công, tiền lương và các chính sách ưu đãi khác đối với chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học, công nghệ công lập; thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Các cơ chế, chính sách này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giúp sớm hình thành trung tâm khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo tầm khu vực ASEAN tại TPHCM.
Trong quá trình thực hiện, Nghị quyết 98 cũng cho phép TPHCM nghiên cứu, đề xuất các cơ chế mới trình cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình.
Những dự án, công trình cụ thể nào của TPHCM hứa hẹn sẽ sớm được gỡ vướng và tăng tốc về đích khi bản Nghị quyết 98 được thực thi?
- Khi Nghị quyết 98 bắt đầu được thực thi, có nhiều nội dung TPHCM có thể làm ngay và nhiều dự án lớn có thể bắt tay thực hiện ngay. Tôi lấy ví dụ về mô hình TOD, thành phố đã rà soát hiện trạng các khu đất dọc tuyến metro số 1, số 2, tuyến vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Qua đó, thành phố nhận thấy có hàng nghìn ha đất có thể áp dụng mô hình này, góp phần tạo ra nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển. Đồng thời, mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông được định hướng là vùng lõi của các khu đô thị trong tương lai, giúp cơ cấu lại việc phát triển đô thị tại TPHCM.
Đồng thời, thành phố cũng rà soát các dự án có thể thực hiện theo phương thức BOT, BT, PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục. Dự kiến, thành phố sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn cho các dự án này.
Trước mắt, trong lĩnh vực giao thông, thành phố có 5 dự án BOT có thể triển khai với tổng vốn khoảng 37 nghìn tỷ đồng (mở rộng quốc lộ 1, 13, 22; trục Bắc - Nam; cầu đường Bình Tiên), 3 dự án BT có thể thực hiện với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ, nút giao ngã tư 4 xã).
Các dự án khép kín vành đai 2, xây dựng mới vành đai 4 cũng được triển khai sớm theo các cơ chế chính sách của Nghị quyết 98. Các dự án áp dụng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục dự kiến thu hút trên 20.000 tỷ đồng
Bên cạnh đó, với Nghị quyết 98, các dự án đầu tư chiến lược như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án đầu tư sản xuất chip - vi mạch, dự án nhà ở cùng nhiều lĩnh vực khác sẽ thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Với việc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) có thể vay trong nước, vay quốc tế số tiền lớn để đầu tư các công trình trọng điểm, như có thể huy động vốn và tổ chức xây dựng hoàn thành hệ thống metro dài 220km đến năm 2035.
Những hạn chế trong công tác phối hợp giữa TPHCM và các cơ quan Trung ương đã được nhắc tới nhiều lần, đây cũng là một trong những lý do khiến Nghị quyết 54 trước đây chưa đạt kỳ vọng. TPHCM cần sự phối hợp, hỗ trợ ra sao từ phía Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết 98?
- Trong suốt thời gian qua, TPHCM nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan Trung ương. Tuy nhiên trên thực tế, việc phối hợp ngang - dọc trong quá trình vận hành của hệ thống chính quyền luôn có cả mặt thuận lợi và khó khăn, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa thật sự đồng bộ, còn những chồng chéo nhất định.
TPHCM luôn xác định trách nhiệm của mình trong sự phối hợp đó. Trong việc thực hiện Nghị quyết 98, địa phương sẽ chủ động xác định vấn đề, đề xuất giải pháp và thường xuyên báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng cùng các bộ, ngành để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh.
Cơ chế Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết 98 do Thủ tướng làm Trưởng ban sẽ giúp vấn đề này được giải quyết tốt hơn. Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục tham mưu để cơ chế này vận hành hiệu quả nhất.
Thực tế, Nghị quyết 98 đã được quán triệt tới các cấp ủy, chính quyền TPHCM, tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp nếu chỉ đọc các nội dung sẽ khó hình dung được các cơ chế, chính sách đặc thù tác động tới họ ra sao. Ông có thể chia sẻ thêm, với những cơ chế, chính sách này, người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì và ngoài việc tổ chức quán triệt nghị quyết tới các cấp ủy, chính quyền?
- Nói một cách chung nhất, khi các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào thực tế, phát huy tác dụng, TPHCM sẽ có được sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Người dân, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển đó.
Phân tích cụ thể hơn, Nghị quyết 98 sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, giúp giải quyết các thủ tục hành chính về nhiều lĩnh vực nhanh hơn, giảm thiểu chi phí hơn.
Ngoài ra, bản nghị quyết có nội dung cho phép thành phố sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết này với tổng vốn bố trí gần 2.800 tỷ đồng. Đây là nội dung thiết thực và người dân được hưởng lợi đầu tiên.
Bên cạnh đó, với Nghị quyết 98, thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất vay, thực hiện chương trình kích cầu đầu tư.
Thành phố cũng nhận thấy, vấn đề truyền thông đến từng người dân đối với việc triển khai Nghị quyết 98 là rất quan trọng. Hiện tại, TPHCM đang xây dựng kế hoạch truyền thông đối với toàn hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Nếu mọi người cùng hiểu, chung tay thực hiện, góp ý, việc hiện thực hóa các nội dung trong Nghị quyết 98 sẽ thuận lợi, nhanh chóng và tạo hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, TPHCM cũng tập trung truyền tải thông tin về Nghị quyết 98 đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực thực hiện nghị quyết mới, chung tay đóng góp cho sự phát triển của thành phố.