PhotoStory

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu

Thực hiện: Xuân Hải - Nguyễn Hải

(Dân trí) - Sau nhiều năm làm ăn, tích góp vợ chồng chị Lý Thị Loan (dân tộc Sán Dìu, ở xã Ngọc Thanh, Vĩnh Phúc) đã xây dựng được căn nhà khang trang, trị giá gần 2 tỷ đồng cùng nhiều tài sản giá trị.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 1

Gần 20 năm trước, chị Lý Thị Loan (42 tuổi, trú thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, dân tộc Sán Dìu) nên duyên vợ chồng cùng anh Lê Duy Hưng (42 tuổi).

Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, tích góp, đến năm 2022 vợ chồng chị khởi công xây dựng căn nhà vườn rộng hơn 200m2. Chị Loan cho biết, sau gần một năm xây dựng, căn nhà đã hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, chưa có tường rào. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1,8 tỷ đồng.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 2

Căn nhà khang trang nằm nổi bật giữa thôn Đại Quang. Để có được cơ ngơi như hôm nay, vợ chồng chị Loan đã phải bươn chải đủ nghề, đi lên từ hai bàn tay trắng. 

"Ngày mới lấy nhau về, vợ chồng tôi đi làm thuê, làm mướn khắp nơi rồi chuyển sang mô hình trang trại, trồng cây, dần mới xây dựng được như ngày hôm nay", chị Loan bộc bạch.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 3

Căn nhà vườn mà vợ chồng chị Loan xây dựng được ưa chuộng bởi sự tối giản nhưng vẫn đảm bảo sự tinh tế tỉ mỉ trong phong cách kiến trúc. Thiết kế của căn nhà chú trọng vào tối ưu công năng, tạo không gian sinh hoạt tiện nghi.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 4

Cạnh căn nhà là ao nuôi cá, ao này là nơi để người thân trong gia đình chị Loan thư giãn, câu cá những ngày cuối tuần. 

Ao đang nuôi các loại cá trắm cỏ, trắm đen, trôi, chép,... với trọng lượng 1-5kg/con.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 5

Hiện anh Lê Duy Hưng (chồng chị Loan) mở cơ sở kinh doanh vận tải khách du lịch; còn chị Loan hàng ngày chăm vườn, chăn nuôi bò, gà, vịt, cá... Cuộc sống gia đình nhiều lúc gặp khó khăn nhưng vợ chồng luôn yêu thương, chia sẻ, cùng nhau vượt qua mọi việc.

Chị cho biết, thu nhập từ việc làm vườn, chăn nuôi một năm khoảng 150-200 triệu đồng. "Công việc của tôi diễn ra từ sáng sớm đến tối mịt. Sáng dậy sớm cho gà, vịt, bò ăn rồi chăm vườn, đến chiều lại kiểm đếm gia cầm, chăm sóc gia đình", chị chia sẻ và tâm sự để có được cơ ngơi như hôm nay hai vợ chồng đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 6

Trước đây, vợ chồng chị Loan làm trang trại lợn nhưng những năm 2020, 2021 lợn mất giá, dịch bệnh dẫn đến thua lỗ nhiều nên đầu năm 2022 vợ chồng chị chuyển sang chăn nuôi bò.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 7

Chị Loan đang nuôi đàn bò hơn 10 con theo mô hình xử lý chất thải bằng phế phẩm sinh học.

Chị cho biết, với quy trình xử lý chất thải bằng phế phẩm sinh học khu vực chuồng nuôi sẽ giảm mùi hôi, móng chân của bò khỏe nên bò phát triển tốt, ít bệnh.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 8

Sau khoảng 2-3 tháng, chị Loan sẽ dọn phân tại chuồng bò. Phân sau đó được bón cho các gốc cây ăn quả như bưởi, ổi, thanh long,... Chị Loan đang trồng khoảng 40 cây thanh long, hơn 200 cây bưởi. Mỗi năm riêng cây ăn quả cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 9

Nhờ vào chăm chỉ làm ăn, phát triển theo mô hình vườn ao chuồng không chỉ giúp gia đình chị Loan thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. 

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 10

Chị Loan đang nuôi, chăm sóc đàn ngan, vịt, ngỗng, gà hơn 200 con.

Chiêm ngưỡng cơ ngơi tiền tỷ của đôi vợ chồng người dân tộc Sán Dìu - 11

Bà Lý Thị Ba Mùi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ngọc Thanh, đánh giá chị Lý Thị Loan là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã Ngọc Thanh. 

"Không chỉ giỏi làm kinh tế, gia đình chị Loan còn rất hòa thuận, hạnh phúc", bà Mùi chia sẻ.