1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh Phúc: 17 xã, thị trấn dự kiến sáp nhập từ nay tới 2025

Thế Kha

(Dân trí) - Trong 17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập giai đoạn từ nay tới năm 2025 ở tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường có 8 xã và huyện Sông Lô có 5 xã, thị trấn.

Qua rà soát thực trạng, tỉnh Vĩnh Phúc xác định giai đoạn 2023-2025 có 24 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, trong đó có 7 đơn vị "có yếu tố đặc thù" nên không phải sắp xếp.

Vì thế, từ nay tới năm 2025, địa phương này dự kiến thực hiện sắp xếp 17 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 6 huyện, thành phố.

Vĩnh Phúc: 17 xã, thị trấn dự kiến sáp nhập từ nay tới 2025 - 1

Trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Tường).

Cụ thể, huyện Lập Thạch có xã Đình Chu; huyện Tam Dương có xã Vân Hội; huyện Yên Lạc có xã Hồng Phương; thành phố Phúc Yên có phường Trưng Trắc.

Huyện Sông Lô có 5 xã, thị trấn gồm Tam Sơn, Nhạo Sơn, Như Thụy, Bạch Lưu và Tứ Yên thuộc diện sắp xếp. Trong khi đó, huyện Vĩnh Tường có tới 8 xã thuộc diện sáp nhập, gồm: Tân Tiến, Việt Xuân, Bồ Sao, Lý Nhân, Vĩnh Sơn, Vân Xuân, Tam Phúc và Vĩnh Ninh.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành ký ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 ở địa phương này.

Kế hoạch nêu rõ năm 2023, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, vận động tạo sự thống nhất và đồng thuận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính. 

Vĩnh Phúc sẽ xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%.

Vĩnh Phúc khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn địa phương, nhằm giảm số lượng, tăng quy mô của từng đơn vị hành chính, giải quyết những bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Năm 2024, địa phương này đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ tại các đơn vị hành chính huyện, xã đã thực hiện sắp xếp.

Đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có những đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp. Đồng thời, tỉnh triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.236km2, với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn.