(Dân trí) - Tình trạng đốt rơm rạ tràn lan, đặc biệt tại các vùng ngoại thành Hà Nội tiếp tục là vấn đề nóng và gây bức xúc.
CẢNH ĐỐT RƠM RẠ KHIẾN HÀ NỘI MỊT MÙ TRONG KHÓI
Tình trạng đốt rơm rạ tràn lan, đặc biệt tại các vùng ngoại thành Hà Nội tiếp tục là vấn đề nóng và gây bức xúc.
Tình trạng đốt rơm tại ruộng đã trở thói quen của người dân các huyện ngoại thành Hà Nội sau khi kết thúc mùa gặt.
Các khu vực ven nội thành như Mỹ Đình, Từ Liêm, khu vực đại Lộ Thăng Long, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng... người đi đường có thể dễ dàng nhận ra một màn khói bao phủ, kèm theo đó là mùi khét rất đặc trưng từ hoạt động đốt rơm rạ.
Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Tình trạng ô nhiễm còn nặng hơn khi bà con nông dân các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất… đồng loạt đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ lúa mới.
“Sau khi gặt xong, bà con phải đốt rơm rạ để máy cày còn xuống đồng cày ải. Nếu không được dọn sạch rơm rạ thì máy không hoạt động được. Bà con đốt rơm rạ toàn là rơm tươi. Mà càng tươi thì khói càng nhiều”, ông Nguyễn Văn Lý, một nông dân ở huyện Quốc Oai cho biết.
Đa số bà con chọn cách đốt ngay khi trời vừa hửng nắng. Một số người nông dân còn quan niệm đốt rơm lấy tro là cách để tăng thêm chất dinh dưỡng cho đồng ruộng, cấy lúa vụ sau sẽ tốt hơn, năng suất cao hơn vụ trước.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí mà khói bụi tràn qua đại lộ Thăng Long, tuyến đường nằm giữa hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai, khiến người dân qua đây gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm khi tham gia giao thông.