PhotoStory

Cận cảnh "ốc đảo" Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài

Thực hiện: Thanh Bình

(Dân trí) - Mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước sông Hoàng Long dâng cao, làm hàng trăm hộ dân khu Kênh Gà ở Ninh Bình sống ngoài đê bị ngập nước lũ, chia cắt với bên ngoài.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 1

Thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nằm bên sông Hoàng Long. Nơi đây như một "ốc đảo" khi nằm ngoài đê. Mùa lũ về, Kênh Gà mênh mông sóng nước.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 2

Ngày 27 và 28/9, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có mưa to, cùng với mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước sông Hoàng Long dâng cao. Hàng trăm hộ dân khu Kênh Gà bị ngập sâu trong nước, chia cắt với bên ngoài.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 3

Thống kê của UBND xã Gia Thịnh, thời điểm nước lụt dâng cao có hàng trăm ngôi nhà của người dân trong thôn bị ngập nước. Điểm ngập sâu, nước dâng cao trong nhà gần 2m. Khoảng 600 nhân khẩu trong thôn bị chia cắt với bên ngoài.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 4

Ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh, cho biết khu dân cư Kênh Gà (có 3 thôn: 1, 2, 3) của xã cứ mưa lớn, nước sông dâng cao là ngập vì khu này nằm ngoài đê. Có khoảng 20-30 hộ dân bị ngập sâu phải di chuyển đến nơi ở tạm. Chính quyền thường xuyên bố trí lực lượng túc trực để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, cho đến khi nước rút.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 5

Các con đường ở khu dân cư Kênh Gà đều ngập nước lũ, người dân đi lại bằng thuyền hoặc phải lội nước, có nơi sâu đến ngang người. Ông Trần Cao Đến (73 tuổi) cho biết, Kênh Gà mỗi năm ngập lụt 3-4 lần, cứ sau mỗi đợt mưa to, hoặc bão lớn là ngập lụt.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 6

"Sống trong cảnh ngập lụt bao nhiêu năm nên người dân chúng tôi cũng quá quen thuộc. Trước khi lũ về, bà con đã đi mua lương thực tích trữ và chuyển đồ đạc lên nơi cao nhất có thể. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, nước to quá thì nhờ thuyền đưa vào trong đê để sơ tán", ông Đến cho hay.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 7

Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết thêm, vì sống ngoài đê nên người dân không trồng lúa vào mùa mưa bão, chỉ trồng cây hoa màu. Hiện nay, bà con đã thu hoạch, vì thế không ảnh hưởng, thiệt hại gì nhiều đến kinh tế.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 8

Sáng 29/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, cán bộ UBND huyện Gia Viễn cho hay, thời điểm nước dâng cao đỉnh điểm ở Kênh Gà vào trưa và đầu giờ chiều 28/9. Đêm qua, không còn mưa nên nước đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, hiện nay, đường vào Kênh Gà vẫn còn ngập nước, chưa thể đi lại bình thường được.

Cận cảnh ốc đảo Kênh Gà ngập nước lũ, chia cắt bên ngoài - 9

Đến trưa 29/9, khu dân cư Kênh Gà vẫn còn hơn 20 căn nhà của người dân còn bị ngập nước lụt. Sau khi nước rút, nhiều hộ dân đã dọn dẹp nhà cửa và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, để ra bên ngoài "ốc đảo", phương tiện di chuyển duy nhất vẫn là thuyền.