Bên trong tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" ở Thanh Hóa
(Dân trí) - Gần 400 tài liệu, hiện vật, kỷ vật quý giá được trưng bày bên trong tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Sau hai năm thi công, tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thiện trước dịp Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024).
Tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" thuộc phân khu A của dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Công trình được đầu tư xây dựng từ tháng 8/2022, với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa và xã hội hóa.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương 1954-1975, xây dựng "Không gian trưng bày tư liệu, hiện vật về đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc".
Không gian trưng bày có diện tích hơn 150m2 bên trong khoang tượng đài con tàu, được lắp đặt đầy đủ các thiết bị âm thanh, ánh sáng tiêu chuẩn.
Nơi đây trưng bày gần 400 tài liệu, tư liệu hiện vật, kỷ vật và hình ảnh quý, có giá trị liên quan đến quá trình đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống, học tập, công tác và làm việc trên đất Bắc từ năm 1954, được Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sưu tầm trong nhiều tháng qua.
Các tư liệu, hiện vật được sắp xếp thành 6 chủ đề chính. Trong đó tập trung giới thiệu về tinh thần đón tiếp chu đáo, tận tình của đồng bào miền Bắc đối với đồng bào miền Nam tại Sầm Sơn và trên đất Bắc; đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam, trưởng thành trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cho đấu tranh giải phóng miền Nam…
Với nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử có giá trị, sau khi đưa vào hoạt động, không gian trưng bày này sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, là địa chỉ đỏ về giáo dục văn hóa, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm chính thức diễn ra vào ngày 27/10. Cùng với lễ kỷ niệm là nghi thức cắt băng khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 7 đợt, với 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam.