Sự trùng hợp "định mệnh" giữa tàu Titanic và tàu ngầm Titan
(Dân trí) - Hiện tại, một số nhân vật thuộc giới chuyên gia nhận định rằng có khá nhiều điểm tương đồng gây sửng sốt giữa tàu Titanic và tàu ngầm Titan.
Nhà nghiên cứu lịch sử người Anh Tim Maltin đã có nhiều năm nghiên cứu về thảm kịch hàng hải xảy ra với tàu Titanic. Ông đã cho ra mắt những cuốn sách và tham gia thực hiện những bộ phim tài liệu xoay quanh vụ đắm tàu Titanic.
Về sự vụ nổ tàu ngầm Titan khiến 5 người thiệt mạng trong quá trình xuống đáy đại dương thăm xác tàu Titanic, ông Tim Maltin nhận định có khá nhiều điểm tương đồng gây sửng sốt giữa tàu Titanic và tàu ngầm Titan.
Nhà nghiên cứu lịch sử Tim Maltin (ảnh trái) và đạo diễn James Cameron (ảnh phải) (Ảnh: Daily Mail).
Ngay trước khi ông Tim Maltin đưa ra những phân tích chuyên sâu của mình, đạo diễn James Cameron - người thực hiện bộ phim Titanic (1997) - đã lên tiếng: "Tôi bị choáng váng trước sự việc này bởi nó quá giống với những gì từng xảy ra với tàu Titanic.
Thuyền trưởng của tàu Titanic vốn đã được cảnh báo về vùng biển có nhiều tảng băng trôi, nhưng ông ấy vẫn quyết định để tàu chạy hết tốc lực trong một đêm không có trăng. Quyết định ấy của người thuyền trưởng đã khiến rất nhiều người phải tử nạn.
Những nhân vật nổi bật trong giới yêu thích lặn biển bằng tàu ngầm vốn cũng đã viết thư cảnh báo gửi tới công ty OceanGate - đơn vị vận hành tàu ngầm Titan. Họ đã cảnh báo rằng những gì mà công ty này đang làm là rất mạo hiểm, mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, chưa có gì chắc chắn, đảm bảo cả.
Việc đưa hành khách xuống đáy đại dương như một dịch vụ thương mại cần phải được cấp phép đầy đủ và có nhiều điều cần phải được đảm bảo thêm nữa. Bi kịch đã tái diễn khi những lời cảnh báo không được lắng nghe. Bi kịch đã lặp lại ở cùng một địa điểm. Tôi cảm thấy bàng hoàng và không tin nổi đó là sự thật".
Sau phát ngôn thẳng thắn của đạo diễn Cameron, nhà nghiên cứu lịch sử Tim Malton lên tiếng chia sẻ rằng ông hoàn toàn đồng ý với nhận định của vị đạo diễn. Ông Tim Malton đã phân tích chi tiết những điểm tương đồng trong hai sự vụ bi thảm xảy ra với tàu Titanic hồi năm 1912 và tàu ngầm Titan mới đây.
Sự quan tâm của thế giới và niềm hy vọng mong manh về điều kỳ diệu
Tàu Titanic (ảnh trái) và tàu ngầm Titan (ảnh phải) (Ảnh: Daily Mail).
Sự vụ tàu ngầm Titan bị mất tích trong lúc đi thăm xác tàu Titanic đã trở thành dòng tin tức thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông và công chúng quốc tế trong những ngày qua. Thoạt tiên, tin tức được đưa theo hướng vẫn còn hy vọng về điều kỳ diệu có thể xảy ra đối với 5 người có mặt trên tàu ngầm Titan bị mất tích.
Niềm hy vọng về điều kỳ diệu cũng từng xuất hiện trong những tin tức ban đầu về vụ đắm tàu Titanic hồi năm 1912. Thoạt tiên, tin tức về vụ đắm tàu Titanic cũng khá tích cực, người ta hy vọng rằng tính mạng của những người có mặt trên tàu sẽ được đảm bảo nhờ vào công tác cứu hộ, nhưng sau cùng, điều kỳ diệu đã không xảy ra.
Thực tế, đã có hơn 1.500 người thiệt mạng, trong tổng số hơn 2.200 hành khách cùng thủy thủ đoàn và nhân viên có mặt trên tàu Titanic.
Khả năng tiến hành những cuộc điều tra
Tàu ngầm Titan ngay từ đầu đã được thực hiện với mục đích phục vụ nhu cầu của một nhóm du khách nhỏ "chịu chi" muốn thăm xác tàu Titanic (Ảnh: Daily Mail).
Luật sư người Mỹ Joshua Ritter đã lên tiếng trong tuần này rằng công ty thám hiểm đại dương OceanGate - đơn vị vận hành tàu ngầm Titan - có thể sẽ phải đối diện với những cuộc điều tra về tính an toàn, khi thực hiện các chuyến thám hiểm thương mại xuống thăm xác tàu Titanic.
Các cuộc điều tra này có thể do nhà chức trách của nhiều nước phối hợp tiến hành. Hồi năm 1912, khi tàu Titanic bị đắm, hai cuộc điều tra từng được tiến hành. Một cuộc tiến hành ở New York (Mỹ) và một cuộc ở London (Anh).
Cả hai cuộc điều tra đều đã đưa tới những thay đổi quan trọng trong vấn đề an toàn hàng hải. Một trong những thay đổi quan trọng nhất về luật, đó là các tàu chở khách trên biển đều phải có đủ thuyền cứu hộ cho tất cả số người có mặt trên tàu. Điều luật này vẫn chưa được đưa ra cho tới khi xảy ra sự vụ đắm tàu Titanic.
Những cuộc gọi đề nghị cứu hộ khẩn cấp bị trì hoãn
Hiện tại, một số nhân vật thuộc giới chuyên gia nhận định rằng có khá nhiều điểm tương đồng gây sửng sốt giữa tàu Titanic và tàu ngầm Titan (Ảnh: Daily Mail).
Thủy thủ đoàn trên tàu Titanic đã không phát đi tín hiệu thông báo tình trạng khẩn cấp ngay sau khi xảy ra va chạm giữa tàu và tảng băng trôi. Phải tới 47 phút sau khi xảy ra cú va chạm, tín hiệu khẩn cấp mới được phát đi.
Tương tự, công ty OceanGate cũng không thực hiện cuộc gọi thông báo với lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ về việc mất liên lạc với tàu ngầm Titan. Phải tới 8 tiếng sau, phía OceanGate mới thực hiện cuộc gọi đề nghị hợp tác cứu hộ.
Trong trường hợp của tàu ngầm Titan, thực tế, những người có mặt trên tàu đã tử nạn ngay khi cấu trúc của con tàu bị phá vỡ trong vụ nổ xảy ra vì áp lực nước dưới đáy đại dương.
Nhưng trong trường hợp của tàu Titanic, sau khi va phải tảng băng trôi, con tàu vẫn nổi được trong khoảng hai tiếng rưỡi. Nếu tín hiệu khẩn cấp được phát đi sớm hơn, những tàu thuyền ở gần đó có thể đã bắt được tín hiệu, sớm có mặt và có thể cứu sống được nhiều người hơn.
Những hành khách giàu có
Trên tàu ngầm Titan có hai hành khách thuộc vào nhóm tỷ phú, đó là tỷ phú người Anh Hamish Harding và tỷ phú gốc Pakistan - Shahzada Dawood (cùng với cậu con trai 19 tuổi của ông). Gia tộc Dawood là một trong những gia tộc giàu có nhất tại Pakistan.
Hai nhân vật còn lại trên tàu ngầm Titan là CEO của công ty OceanGate - triệu phú Stockton Rush và nhà hải dương học Paul-Henri Nargeolet - người được cho là một tỷ phú USD. Thực tế, những người có mặt trên tàu ngầm Titan đều là những con người giàu có, đẳng cấp.
Doanh nhân người Mỹ John Jacob Astor (ảnh trái) và tỷ phú người Anh Hamish Harding (ảnh phải) (Ảnh: Daily Mail).
Trên con tàu Titanic năm xưa cũng vậy, rất nhiều hành khách có mặt trên tàu là những con người giàu có, quyền lực. Người giàu nhất có mặt trên tàu Titanic là doanh nhân người Mỹ John Jacob Astor. Giá trị tài sản của ông Astor khi ấy tương đương với hơn 2,5 tỷ USD bây giờ.
Ông Astor đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic. Một số triệu phú khác cũng bị thiệt mạng trong sự cố hàng hải bi thảm này có ông Benjamin Guggenheim, ông Dunton Widener...
Để có mặt trên tàu ngầm Titan, du khách phải trả 250.000 USD. Tàu ngầm Titan ngay từ đầu đã được thực hiện với mục đích phục vụ nhu cầu của một nhóm du khách nhỏ "chịu chi".
Đối với khoang hạng nhất của tàu Titanic cũng vậy, hành khách có mặt ở khoang này phải mua những chiếc vé tàu đắt đỏ. Trên khoang hạng nhất đều là những nhân vật thuộc giới thượng lưu.
Đối với các hành khách có mặt trên khoang hạng nhất của tàu Titanic và tàu ngầm Titan, họ đều là những con người giàu có, bước lên tàu với suy nghĩ rằng mình đang ở trên con tàu hiện đại, là kết quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật trong thời đại mà mình đang sống.
Các vị khách đều không biết về những vấn đề thiếu sót, những nguy cơ tiềm ẩn và một bi kịch sắp ập tới với mình trong một chuyến hải trình thảm khốc.
Bi kịch xảy ra ở cùng một địa điểm
Sự thật là cả tàu Titanic và tàu ngầm Titan đều gặp nạn ở cùng một vùng địa điểm. Đạo diễn của phim Titanic - ông James Cameron - đã nhấn mạnh điều này ngay khi chính thức lên tiếng. Nhiều người cho rằng xét theo nghĩa nào đó, 5 người có mặt trên tàu ngầm Titan thực tế cũng chính là những nạn nhân của vụ đắm tàu Titanic năm xưa, chỉ là sự việc này xảy ra ở thời điểm 111 năm sau.
Khả năng cứu hộ khẩn cấp đều rất khó khăn, ngặt nghèo
Tàu Titanic có 20 thuyền cứu hộ, nhưng con số ấy chỉ đủ cho chưa tới một nửa số hành khách có mặt trên tàu. Đây là sự thiếu sót và sự chủ quan nguy hiểm khiến đơn vị vận hành tàu Titanic bị lên án rất dữ dội về sau này.
Không có chỗ trên thuyền cứu hộ, hành khách sẽ chỉ còn cách nhảy xuống làn nước băng giá và chết cóng. Đó là thực tế bi thảm đã xảy ra với những hành khách không may mắn có được chỗ trên thuyền cứu hộ.
Đối với tàu ngầm Titan, một khi sự cố xảy ra trong quá trình thám hiểm, họ không có cách nào thoát khỏi bi kịch.
Đạo diễn James Cameron - người từng xuống thăm xác tàu Titanic tới 33 lần - đã nói: "Các bạn phải hiểu rằng khu vực đáy đại dương có xác tàu Titanic là một trong những điểm đến nguy hiểm, chết chóc. Mọi sơ suất xảy ra đều sẽ không được tự nhiên "nương nhẹ" chút nào. Các bạn đừng hình dung theo hướng có gì cần gấp thì có thể gọi cho lực lượng cứu hộ xuống giúp".
Mối liên hệ họ hàng giữa hành khách có mặt trên tàu Titanic và tàu ngầm Titan
Ông Stockton Rush - CEO của công ty OceanGate (ảnh trái) và vợ - bà Wendy Rush (ảnh phải) (Ảnh: Daily Mail).
Bà Wendy Rush - vợ của ông Stockton Rush, CEO của công ty OceanGate, người có mặt trên tàu ngầm Titan - là cháu gái đời thứ 4 của một cặp vợ chồng thượng lưu từng có mặt trên khoang hạng nhất của tàu Titanic. Cặp vợ chồng thượng lưu đến từ New York (Mỹ) - ông Isidor và bà Ida Straus - đã được khắc họa trong một cảnh phim trứ danh của Titanic (1997).
Trong phim, cặp đôi đã ôm nhau nằm trên giường, bình thản đón nhận kết cục bi thảm, khi nước biển bắt đầu nhấn chìm con tàu Titanic xuống đáy đại dương. Trong thực tế, vợ chồng nhà Straus đã lựa chọn cùng nhau đón nhận cái chết trong vụ đắm tàu Titanic. Dù thuyền cứu hộ ưu tiên phụ nữ và trẻ nhỏ, bà Ida có thể tìm được một chỗ cho mình trên thuyền, nhưng bà đã lựa chọn ở lại bên chồng.
Cặp vợ chồng thượng lưu đến từ New York (Mỹ) - ông Isidor và bà Ida Straus (ảnh trái) - đã được khắc họa trong một cảnh phim của "Titanic" (ảnh phải) (Ảnh: Daily Mail).
Cặp đôi Isidor và Ida Straus có một người con gái tên là Minnie. Minnie kết hôn với bác sĩ Richard Weil hồi năm 1905, hai người có một con trai, đặt tên là Richard Weil Jr.
Richard Weil Jr. có một người con trai đặt tên là Richard Weil III, người này chính là cha của bà Wendy Rush. Sau này, bà Wendy Rush kết hôn với ông Stockton Rush - CEO của công ty OceanGate.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail