DNews

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm?

Mi Vân

(Dân trí) - Hàn Quốc được xem là quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển nhưng có môi trường khắc nghiệt với nghệ sĩ. Nhiều sự ra đi thương tâm gây chấn động làng giải trí Hàn và quốc tế...

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm?

Mới đây, nam diễn viên Lee Sun Kyun đã qua đời. Anh được phát hiện đã tắt thở trên xe hơi đỗ gần một công viên ở Seoul (Hàn Quốc). Cảnh sát đã tìm thấy than trên xe hơi và nghi ngờ Lee Sun Kyun tự vẫn. 

Tài tử xứ Hàn ra đi khi anh đang bị điều tra việc sử dụng chất cấm. Vụ việc bắt đầu từ tháng 10 vừa rồi khi một phụ nữ làm việc tại một tụ điểm giải trí tố Lee Sun Kyun sử dụng chất cấm tại nhà riêng. Vụ việc đã khiến hình ảnh của nam diễn viên trong lòng công chúng sụp đổ hoàn toàn. 

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm? - 1

Tài tử Hàn Quốc Lee Sun Kyun (Ảnh: Getty Images).

Trong vòng 2 tháng, Lee Sun Kyun mất đi nhiều hợp đồng quảng cáo, đối mặt với khoản đền bù khổng lồ. Gia đình của anh cũng rơi vào cảnh bế tắc khi mối quan hệ "ngoài luồng" của nam diễn viên với người phụ nữ ở quán bar được hé lộ. 

Trong tâm thư của mình, Lee Sun Kyun gửi lời xin lỗi gia đình vì đã đẩy những người thân vào những áp lực từ dư luận, sự chỉ trích của công chúng. Anh cũng gửi lời xin lỗi công ty quản lý vì đã khiến họ phải đối mặt với khoản đền bù khổng lồ cho các nhãn hàng vì sai lầm của bản thân. 

Ngay khi tâm thư của Lee Sun Kyun được đăng tải, làn sóng đổ lỗi bùng nổ mạnh mẽ trên mạng xã hội Hàn Quốc. Nhiều người đặt ra câu hỏi: "Ai là người chịu trách nhiệm cho quyết định tự vẫn của tài tử Ký sinh trùng?". 

Có ý kiến cho rằng, việc công bố thông tin và điều tra vội vàng của cảnh sát là một nguyên nhân đẩy Lee Sun Kyun vào cảnh bị tẩy chay, chỉ trích diện rộng. 

Trước áp lực của dư luận, đại diện phía cảnh sát bác bỏ các cáo buộc trên XSports News: "Chúng tôi không sử dụng biện pháp thẩm vấn nào trái pháp luật. Lee Sun Kyun luôn đi cùng hai luật sư trong 3 lần triệu tập thẩm vấn. Mọi buổi thẩm vấn đều diễn ra khi có sự đồng ý của Lee Sun Kyun".

Trong hai lần xét nghiệm với ma túy, tài tử xứ Hàn đều cho kết quả âm tính. Song, nhiều người không tin tưởng nam diễn viên.

Ngay khi Lee Sun Kyun mất, các bình luận trên nhiều diễn đàn cho rằng những lời công kích, mắng chửi và quấy rối Lee Sun Kyun và gia đình đã dồn nam diễn viên 7X vào đường cùng.

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm? - 2

Nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc bức xúc trước các phản ứng của cư dân mạng đối với vụ điều tra việc dùng chất cấm của Lee Sun Kyun (Ảnh: Chosun).

Một số nghệ sĩ Hàn Quốc cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Ca sĩ Yuri, thành viên nhóm nhạc Cool, viết: "Hãy yên nghỉ nhé Lee Sun Kyun. Tôi buồn quá. Điều này càng khiến tôi sợ mọi người hơn. Anh ấy là con người giống chúng ta. Sai lầm của anh ấy có đáng phải trả giá bằng mạng sống không? Điều này thật đau lòng và bi thảm. Xin gửi lời cầu nguyện đến gia đình anh ấy".

Nam diễn viên Lee Ji Hoon bày tỏ sự tức giận khi ngôi sao Ký sinh trùng thường xuyên bị phán xét dù chưa có kết luận điều tra cuối cùng. Anh viết: "Đối với những người hay phán xét người khác, bạn có thể nhìn mình trong gương mà không thấy xấu hổ về cuộc đời của mình không?".

Ca sĩ Kim Song cũng cho rằng, dư luận đã vô tình đẩy một ngôi sao tài năng vào cách lựa chọn cái chết. Theo cô, hiệu ứng đám đông đã mang đến tác động tiêu cực.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc - Moon Jae In - cũng bày tỏ: "Tôi chân thành hy vọng đây là cơ hội để chúng ta cùng suy ngẫm và phải tránh xa phương pháp điều tra, cách đưa tin không phù hợp để những sự việc đáng tiếc không bao giờ lặp lại. 

Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng lan truyền chi tiết liên quan vụ án trên truyền thông khi chưa có cáo buộc hình sự. Điều đó gây tổn hại danh tiếng người khác, khiến họ đưa ra lựa chọn cực đoan", ông Moon Jae In chia sẻ.

Nhiều ngôi sao xứ Hàn lựa chọn cách kết thúc cuộc đời tiêu cực 

Lee Sun Kyun dường như không phải là ngôi sao Hàn Quốc duy nhất lựa chọn cách kết thúc cuộc đời một cách tiêu cực. Tháng 4 vừa rồi, nam ca sĩ Moonbin được phát hiện chết tại nhà riêng ở quận Gangnam, Seoul (Hàn Quốc). Cảnh sát nhận định nam thần tượng 25 tuổi đã tự vẫn. Sự việc khiến giới giải trí xứ Hàn choáng váng. 

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm? - 3

Sulli từng tiết lộ chuỗi ngày mệt mỏi và tuyệt vọng trong bộ phim tài liệu thực hiện trước khi mất (Ảnh: Naver).

Năm 2019, nữ ca sĩ trẻ Sulli tự vẫn khi mới 25 tuổi. Cô là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và thừa nhận "nghẹt thở" khi chứng kiến những lời miệt thị nhằm vào bản thân. 

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi mất, Sulli nói rằng, cô không biết phải làm thế nào để làm khán giả hài lòng. Vài tháng sau khi Sulli qua đời, cô bạn thân của cô trong làng giải trí - Go Hara cũng lựa chọn cái chết để kết thúc những mệt mỏi, căng thẳng do căn bệnh trầm cảm mang lại. 

Goo Hara đăng tải dòng chữ "Tạm biệt" trên trang cá nhân trước khi qua đời. Goo Hara từng tâm sự: "Những nghệ sĩ giải trí như tôi không hề dễ dàng. Cuộc sống riêng tư bị soi mói hơn bất kỳ ai khác và chúng tôi phải chịu đựng nỗi đau đó".

Năm 2017, Jonghyun, giọng ca chính của ban nhạc SHINee, cũng ra đi sau thời gian chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Jonghyun viết: "Tôi vụn vỡ từ sâu thẳm bên trong mình. Căn bệnh trầm cảm ăn mòn tôi từ từ và cuối cùng đã nuốt chửng tôi. Tôi không thể đánh bại nó".

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm? - 4

Nữ diễn viên Choi Jin Sil (Ảnh: Newsen).

Trái với hình ảnh tươi vui, tràn đầy năng lượng trên sân khấu hay các bức ảnh tự sướng lung linh, thu hút nhiều lượng tương tác trên mạng xã hội, các ngôi sao của Hàn Quốc phải gồng mình để che giấu những tổn thương, những nỗi đau mà họ không thể chia sẻ cùng ai. 

Nữ diễn viên Choi Jin Sil cũng là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và những lời bình luận ác ý. Năm 2008, Choi Jin Sil ra đi trong sự thương tiếc khôn nguôi của người hâm mộ và để lại 2 đứa con nhỏ còn đang tuổi đi học.

Cuộc đời của Choi Jin Sil là một chuỗi những ngày tháng buồn. Cô từng thành danh trong làng giải trí, được xem là "tình đầu quốc dân" nhưng trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng bạo hành, đánh đập. 

Bước ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục, Choi Jin Sil quyết tâm làm lại cuộc đời, gây dựng sự nghiệp cô từng bỏ lỡ khi lập gia đình, tập trung nuôi dạy hai con. Nhưng nữ diễn viên đã gục ngã hoàn toàn khi gia đình và cá nhân cô bị cộng đồng mạng lên án, đặt điều. 

Năm 2022, hai ngôi sao trẻ của Hàn Quốc gồm vận động viên bóng chuyền Kim In Hyeok và hot girl mạng xã hội Jo Jang Mi tự tử vì không thể chịu đựng sự bắt nạt trên mạng. Trước khi qua đời, họ thường xuyên là mục tiêu của những kẻ tung tin và phát tán bình luận căm ghét.

Ai chịu trách nhiệm cho những cái chết bất ngờ của làng giải trí Hàn Quốc?

Nghệ sĩ muốn tồn tại trong làng giải trí Hàn Quốc phải có tài năng và không ngừng xây dựng hình ảnh. Do đó, vấn đề tiêu cực hay những tin đồn bất lợi về danh dự cũng như thông tin không tốt trong cuộc sống riêng tư; những áp lực đến từ vai diễn khiến tinh thần họ bị căng thẳng quá độ, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.

Trong một chương trình truyền hình, nam ca sĩ quá cố Jonghyun nói, anh cảm thấy rất khó để chia sẻ cảm xúc hay nỗi sợ hãi của mình với mọi người xung quanh vì lo sợ bị công chúng đánh giá. Bên cạnh đó, Jonghyun không có những người thân thiết, đủ gần gũi để anh dựa vào.

Thành viên Hani từ nhóm EXID cũng tâm sự trên truyền hình về kế hoạch cho một cuộc sống khác, trở thành một chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần trong tương lai sau khi giải nghệ. Hơn ai hết, Hani thấu hiểu những căng thẳng và áp lực của các thực tập sinh giải trí trên con đường gây dựng sự nghiệp.

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm? - 5

Ngôi sao thần tượng Jonghyun ra đi khi chưa đầy 30 tuổi (Ảnh: News).

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng những người nổi tiếng, thường xuyên thu hút sự chú ý của công chúng, rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm với nhiều lý do khác nhau. 

"Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng người nổi tiếng, những người tham gia và các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật, có khả năng mắc trầm cảm cao hơn người bình thường.

Những người trong các ngành nghề như vậy dễ bị thay đổi tâm trạng và cảm xúc hơn người bình thường, những yếu tố này liên quan tới chứng trầm cảm", Kim Byung-soo, bác sĩ tâm lý tại Trung tâm Y tế Asan, Hàn Quốc, cho biết. 

Theo bác sĩ Kim, người của công chúng cũng thường xuyên phải sống "hai mặt", tách biệt giữa tính cách "xã hội" khi xuất hiện trước người hâm mộ và tính cách "thực sự" khi ở một mình. Nếu khoảng cách giữa hai tính cách ngày càng mở rộng, người nổi tiếng có thể bị lu mờ đi tính cách thực sự và phụ thuộc ngày càng nhiều vào tính cách "mặt nạ". Điều này lâu dần khiến họ rơi vào trạng thái hỗn loạn.

"Nhiều người nghĩ những người nổi tiếng luôn được đám đông vây quanh mình nhưng thực tế, mối quan hệ cá nhân của họ rất hẹp và hạn chế. Rất khó để họ có các mối quan hệ nghiêm túc với người khác bởi họ có xu hướng phòng thủ với suy nghĩ rằng người khác thích họ chỉ vì vẻ ngoài và danh tiếng của họ. Điều đó khiến họ cô đơn và tách biệt, ngay cả với người thân và gia đình", bác sĩ Kim cho hay.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Kim, hầu hết người nổi tiếng bị trầm cảm đều ngần ngại tới các phòng khám tâm thần công khai bởi họ sợ bị nhận ra. Ngoài căn bệnh tâm lý, ảnh hưởng từ ngoại cảnh cũng khiến nhiều nghệ sĩ xứ Hàn dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng. 

Năm 2022, tờ Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc đề cập tới vấn nạn tung tin đồn tràn lan trên YouTube. Các tin tức vô căn cứ đang được YouTuber săn đón, thêu dệt và phát tán đang dần phá hoại cuộc sống của nhiều người của công chúng tại Hàn Quốc.

Sau vụ tử vong đau lòng của làng giải trí Hàn Quốc, ai chịu trách nhiệm? - 6

Theo các chuyên gia, sự tấn công một cách vô tình hay cố ý của cộng đồng mạng, ảnh hưởng của căn bệnh trầm cảm là những nguyên nhân đẩy nghệ sĩ vào những quyết định cực đoan (Ảnh: News).

Giáo sư tâm lý học Hàn Quốc Lim Myung Ho cho rằng, những kẻ bạo lực mạng thường không ý thức được việc họ gây tổn hại cho các nạn nhân. "Họ tấn công người khác và tin rằng đó là cách họ nhận được sự chú ý. Họ tìm kiếm sự nổi tiếng và cảm thấy vượt trội. Họ tin họ có lý do hoặc nguyên nhân chính đáng để tấn công người khác", giáo sư Lim nói. 

Năm 2019, truyền thông Hàn Quốc đưa ra dự thảo Đạo luật Sulli để bảo vệ những người của công chúng, hạn chế các tài khoản ẩn danh tung tin đồn nhảm. Hình thức trừng phạt hình sự mạnh nhất với những kẻ tung tin trên mạng tại Hàn Quốc chỉ là bị kết tội phỉ báng. Theo đó, người bị kết án có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc mức phạt tối đa là 50 triệu won (945 triệu đồng).

Theo luật sư Lee Seung Ki, hệ thống pháp luật hiện tại khó trừng phạt hình sự những kẻ tung tin trên mạng vì thiếu "dấu hiệu ác ý rõ ràng" về thông tin. Đặc biệt, khi nạn nhân là người của công chúng, họ càng khó chứng minh thông tin sai lệch đã được lan truyền một cách ác ý.

Nhiều giáo sư, chuyên gia nghiên cứu tâm lý tại Hàn Quốc đã lên tiếng yêu cầu đưa ra chế tài xử phạt nặng với những kẻ tung tin nhằm ngăn chặn những vụ việc đau lòng, bảo đảm một môi trường mạng lành mạnh.