DNews

Kỳ lạ "dòng lệ" của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường

Hạnh Linh

(Dân trí) - Trong mắt của voi đá tại kinh đô Vạn Lại - Yên Trường thường xuyên chảy ra một dòng nước màu đen, dù rửa sạch, lau khô được một thời gian, những "giọt nước mắt" lại chảy như cũ.

Kỳ lạ "dòng lệ" của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường

Ở thế kỷ XVI, vùng đất xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay là kinh đô kháng chiến mang tên Vạn Lại - Yên Trường. Gần 500 năm qua, kinh đô từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê nhưng dường như đang bị quên lãng.

Với mong muốn tìm lại giá trị lịch sử ở kinh đô kháng chiến, phóng viên báo Dân trí cùng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh mục sở thị, tìm hiểu các tư liệu, cũng như những chứng tích còn sót lại… qua loạt bài: Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô thời loạn:

Voi đá biết "khóc"

Kỳ lạ "dòng lệ" của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Video: Hạnh Linh).

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội khoa học - lịch sử Thọ Xuân (Thanh Hóa) dẫn chúng tôi đến nơi được xác định là cửa nghinh môn của hành điện Vạn Lại. Người dân địa phương thường gọi là khu đồi voi đá, ngựa đá.

Giữa rừng cao su bạt ngàn của thôn 7, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được mục sở thị những chứng tích còn sót lại ở kinh đô của Nam triều.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 1

Nơi được xác định là cửa nghinh môn của hành cung Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

Đứng giữa vùng đất linh thiêng, ông Hùng giới thiệu, trước cửa nghinh môn của hành điện Vạn Lại còn lưu giữ 2 cặp linh vật bằng đá gồm 2 con voi và 2 con ngựa đá đứng chầu.

Vật liệu để tạc voi và ngựa bằng đá granite (đá xanh) nguyên khối, khắc tinh xảo, đứng quay đầu lại với nhau, có khoảng cách 9m.

Đưa tay chỉ về hướng nam hành điện, ông Hùng tiếp lời, bên trái là cặp voi, ngựa đá. Voi ở tư thế quỳ, có chiều dài 2,6m, cao 2,4m, vòi cuộn trước ngực.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 2

Tại đây còn 2 cặp linh vật gồm 2 voi đá quỳ và 2 ngựa đá đứng (Ảnh: Hạnh Linh).

"Con voi này không rõ do ý định được thiết kế ngay từ đầu, hay là sự phong hóa của thiên nhiên, sự tàn phá của con người mà hiện không có các bộ phận của mắt, chỉ có hố mắt", ông Hùng nói.

Đứng song song với voi là ngựa, ngựa cách voi 1,2m. Ngựa dài 1,4m, cao 0,95m (tính từ mặt bệ), lưng rộng 0,4m, có yên, bàn đạp, cổ cao dài, được trang trí 6 núm tròn (chuông nhỏ), đuôi cuộn xuống đến mặt bệ.

Bên phải, khi quay mặt vào hành điện là cặp voi, ngựa, thế voi quỳ, ngựa đứng như bên trái, voi dài 2,2m, cao 1,1m, con voi bên tay phải này có mắt to.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 3

Cặp voi, ngựa đá ở phía tay trái hành điện Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

"Trong mắt con voi này thường xuyên chảy ra một dòng nước màu đen rơi xuống mi mắt dưới, thành từng dòng, cứ lau sạch được một thời gian lại chảy ra như cũ", ông Hùng cho hay.

Tiếp lời nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, ông Lữ Văn Trưởng, cán bộ công chức Văn hóa - Xã hội xã Thuận Minh, cho biết, nhiều lần ông cùng bà con, đoàn thanh niên của xã dọn dẹp cửa nghinh môn, rửa sạch, lau khô "nước mắt" của voi nhưng những giọt lệ vẫn không ngừng rơi. 

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 4

Cặp voi, ngựa đá ở phía phải hành điện Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

"Người dân ở đây thường nói với nhau, con voi này ngày đêm khóc, không biết khóc về niềm vui, hay khóc về một nỗi buồn gì, từ trước tới nay chưa ai minh giải được", ông Trưởng nói.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 5

Không ai lý giải được vì sao một con voi đá có nước mắt ở hành cung Vạn Lại (Ảnh: Hạnh Linh).

Bên cạnh con voi có dòng lệ muôn đời vẫn chảy là một con ngựa, tư thế đứng. Ngựa cách voi 1,2m, cao 0,95m (tính từ mặt bệ) trên cổ con ngựa được thiết kế 10 núm chuông nhỏ.

Những câu chuyện ly kỳ

Không chỉ dòng lệ của voi kỳ lạ mà xung quanh hai cặp linh vật này còn có nhiều điều chưa thể lý giải.

Bà Nguyễn Thị Đỡ (96 tuổi, thôn 6, xã Thuận Minh), cho biết, khu voi đá, ngựa đá rất linh thiêng. Lúc nhỏ bà chưa bao giờ dám một mình đi vào khu vực được xem là cửa nghinh môn của hành điện Vạn Lại.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 6

Một con voi khác hiện không có các bộ phận của mắt, chỉ có hố mắt (Ảnh: Hạnh Linh).

Sống gần 1 thế kỷ trên vùng đất từng là kinh đô kháng chiến của nhà Lê, bà Đỡ chứng kiến nhiều câu chuyện ly kỳ. Bà kể: "Có lần, bạn của bà đi chăn trâu, không biết khu vực voi đá, ngựa đá là khu vực cấm nên đã trèo lên chơi, từ đó, ốm triền miên. Gia đình sắm lễ, cầu xin, sau đó mới khỏe lại".

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, một xưởng cơ khí sơ tán đến khu vực núi Gò Tô, cách hành điện Vạn Lại khoảng 3km về hướng tây bắc.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 7

Phía sau khu voi đá, ngựa đá của hành điện Vạn Lại là vườn cao su xanh tốt của người dân (Ảnh: Hạnh Linh).

Thấy cặp linh thú bắt mắt, ban lãnh đạo xưởng cơ khí đặt vấn đề với cấp ủy Đảng, chính quyền xã Xuân Châu cũ xin 2 cặp voi, ngựa đá đưa về để trang trí, bày biện ở cơ quan. Ý tưởng đó đã được địa phương xã Xuân Châu nhất trí.

Lãnh đạo xưởng cơ khí tổ chức lực lượng và phương tiện ô tô, máy xúc, cần cẩu để đào bới vận chuyển 2 cặp voi, ngựa đá đưa về xưởng. Nhưng 3 lần tiến hành công việc này đều không thành, lần thì bị hỏng động cơ ô tô, lần thì máy cẩu trục trặc, có lần dây cáp máy cẩu đứt,…

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 8

Nơi được xác định là hành điện của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường còn nhiều mảnh gạch, ngói cũ đã vỡ (Ảnh: Hạnh Linh).

"Quá ba lần công việc không thành, ban lãnh đạo xưởng cơ khí thấy lạ lùng đành hỏi các bậc cao niên trong làng thì mới hay đó là hành điện Vạn Lại, nơi thiết triều của 4 đời vua thời Lê Trung Hưng. Biết đây là chốn thiêng, ban lãnh đạo xưởng cơ khí sắm đồ lễ đến hành điện bái tạ", ông Hùng cho biết.

Năm 1593, nhà Lê đánh chiếm lại kinh thành Thăng Long, nhà Mạc sụp đổ. Nhà Lê dời ra kinh đô Thăng Long, Vạn Lại - Yên Trường chuyển thành nghi Kinh và là căn cứ hậu cần của nhà Lê - Trịnh.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 9

Một nửa viên gạch tìm được ở phía sau hành điện Vạn Lại được cho là gạch có từ thế kỷ thứ XVI (Ảnh: Hạnh Linh).

Các nghiên cứu trước đây cho rằng cặp voi, ngựa là linh thú chầu trước thềm hành điện. Tuy nhiên, khi đối chiếu, so sánh các di tích đồng đại thời Lê Trung Hưng khác (như di tích Lam Kinh) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nơi có những linh thú lớn như voi, ngựa chủ yếu mang tính thờ tự.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, nhiều khả năng đôi voi này được tạc và chuyển tới đây sau khi nhà Lê Trung Hưng đã trở về Thăng Long. Lúc này, hành điện Vạn Lại - Yên Trường đã chuyển sang tính chất thờ tự.

Kỳ lạ dòng lệ của voi đá ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - 10

Dưới lớp cỏ cây rậm là gạch, ngói vỡ (Ảnh: Hạnh Linh).

"Những gì còn hiện hữu ở khu vực nền hành điện Vạn Lại cho thấy khả năng tồn tại hai giai đoạn kiến trúc thời Lê Trung Hưng: Giai đoạn kiến trúc hành điện ở thế kỷ XVI và giai đoạn kiến trúc thờ tự thế kỷ XVII-XVIII", nhà nghiên cứu Hoàng Hùng nói.