DNews

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng "cãi" nhà Minh khi đi sứ

Hạnh Linh

(Dân trí) - Người dân Vạn Lại - Yên Trường ngày nay vẫn lưu truyền câu chuyện Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan "cãi" nhà Minh khi đi sứ. Ông cũng là một trong những người đỗ Tiến sĩ tại Bái Tiến của kinh đô Nam triều.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng "cãi" nhà Minh khi đi sứ

Ở thế kỷ XVI, vùng đất xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay là kinh đô kháng chiến mang tên Vạn Lại - Yên Trường. Gần 500 năm qua, kinh đô từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê nhưng dường như đang bị quên lãng.

Với mong muốn tìm lại giá trị lịch sử ở kinh đô kháng chiến, phóng viên báo Dân trí cùng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh mục sở thị, tìm hiểu các tư liệu, cũng như những chứng tích còn sót lại… qua loạt bài: Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô thời loạn.

Nơi diễn ra 7 kỳ thi trong thời loạn

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Xuân Châu, đóng trên địa bàn thôn 6, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - nơi theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - Chủ tịch Hội khoa học - lịch sử Thọ Xuân (Thanh Hóa) là địa danh Bái Tiến xưa kia.

Ông Hùng phân tích, Bái Tiến được nhà Lê Trung Hưng xây dựng thành nơi dừng chân của bá quan văn, võ, chỉnh đốn quan phục chuẩn bị nội dung trước khi vào hành lễ, hoặc tấu trình lên nhà vua. Đây cũng là một trong những địa điểm quan trọng được nhà vua bố trí làm trường thi.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng cãi nhà Minh khi đi sứ - 1

Trường Tiểu học Xuân Châu, đóng trên địa bàn thôn 6, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nơi được người dân gọi là Bái Tiến của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Hạnh Linh).

"47 năm, tại kinh đô kháng chiến, đất nước tuy bộn bề, lo toan nhiều việc, chiến tranh liên miên với nhà Mạc, trấn Thanh Hoa là chiến trường khốc liệt nhưng triều đình nhà Lê vẫn quan tâm đến việc tìm kiếm người tài giỏi, mời ra giúp dân, giúp nước", ông Hùng cho hay.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng "cãi" nhà Minh khi đi sứ (Video: Hạnh Linh).

Tại Bái Tiến, Vạn Lại - Yên Trường đã diễn ra 7 kỳ thi, tìm được 45 người đỗ Tiến sĩ. Trong đó, có hơn 30 người sau này trở thành Thượng thư, nhiều quan lại được cử đi phương Bắc.

Theo đó, niên hiệu Thuận Bình 6 (1554) là kỳ thi đầu tiên, niên hiệu Quang Hưng 15 (1592) là kỳ thi cuối cùng ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng cãi nhà Minh khi đi sứ - 2

Vị trí Bái Tiến thời Lê Trung Hưng ở Vạn Lại - Yên Trường nay thuộc trường Tiểu học xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Google Map).

"Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội có 82 bia Tiến sĩ, trong đó có 7 bia ghi các Tiến sĩ đỗ khoa thi tại Vạn Lại - Yên Trường. Sau khi dời đô ra Thăng Long, nhà Lê tiếp tục tổ chức các kỳ thi tại kinh đô Thăng Long", ông Hùng nói.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thanh, nguyên Trưởng Ban Khoa học lịch sử Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, các triều đại trước đây chỉ có 3 nơi triều đình mở các cuộc thi chế khoa để chọn Tiến sĩ cho đất nước là: Kinh đô Thăng Long, Cố đô Huế và Bái Tiến của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường. Điều này một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng cãi nhà Minh khi đi sứ - 3

Nhà nghiên cứu Phan Thanh giới thiệu về Bái Tiến thời nhà Lê Trung Hưng (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Hoàng Quý Tiến - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Châu (nay là xã Thuận Minh) - cho biết, Bái Tiến trước đây là một bãi bằng phẳng, liền kề chân đồi Phủ gần với hành điện Vạn Lại.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng cãi nhà Minh khi đi sứ - 4

Ông Hoàng Quý Tiến - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Châu (nay là xã Thuận Minh) tự hào kể về địa danh Bái Tiến (Ảnh: Hạnh Linh).

"Năm 1975, trường học cấp 1, 2 xã Xuân Châu được xây dựng ở đấy. Có thời kỳ người dân đào ao, đắp đập ở Bái Tiến, tìm thấy những viên gạch cổ, chiều ngang 25-30cm, dài 30-40cm, cao 15cm", ông Tiến nói.

Hiện, nền móng, phế tích cũ của trường thi, nơi dừng chân của các bá quan văn, võ không còn, chỉ có tên Bái Tiến là còn nguyên vẹn trong lòng nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trạng Bùng "cãi" nhà Minh, làm quan 4 đời vua

Ngồi trên ghế đá của trường học, ông Hùng kể cho chúng tôi nghe về các Tiến sĩ đỗ đạt ở Bái Tiến như: Nguyễn Thực, Lê Nhữ Bật, Nguyễn Văn Giai, Phùng Khắc Khoan, Lê Trạc Tú… Nhưng theo ông Hùng, Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan là một sứ giả nổi tiếng hơn cả.

Phùng Khắc Khoan (1528-1613) tên tự của ông là Hoằng Phu, hiệu là Nghi Trai, tục gọi Trạng Bùng. Ông quê ở làng Bùng (hay làng Phùng Xá), có tài liệu ghi là Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội).

Tương truyền, Phùng Khắc Khoan với trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là anh em cùng mẹ khác cha. Lúc còn trẻ, Phùng Khắc Khoan nổi tiếng giỏi văn chương, theo học trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng cãi nhà Minh khi đi sứ - 5

Tại Bái Tiến của Vạn Lại - Yên Trường đã diễn ra 7 kỳ thi, 45 người đỗ Tiến sĩ (Ảnh: Hạnh Linh).

Những năm tuổi trẻ, ông sống trên đất nhà Mạc nhưng không ra thi cử. Đầu đời vua Lê Trung Tông, ông theo Lê Bá Ly tìm về Vạn Lại quy thuận nhà Lê. Ông đỗ đầu khoa thi Hương ở Vạn Lại, trấn Thanh Hoa.

Thái sư Trịnh Kiểm lần đầu gặp Phùng Khắc Khoan, thấy ông là người có học thức uyên thâm, Trịnh Kiểm đã cho tham dự việc trong màn trướng, trao chức Ký lục ở chỗ ngự dinh, coi quân bốn vệ.

Đến đời vua Lê Anh Tông, được vua sai đi các huyện, chiêu dụ lưu dân về làm ăn như cũ.  Hoàn thành công việc, Phùng Khắc Khoan được vua thăng cấp Sự trung binh Khoa, lại đổi sang cấp Sự trung bộ Lễ.

Năm Quang Hưng thứ 3 (1580), nhà Lê mở khoa thi Hội, ông xin đi thi, đỗ Hoàng Giáp, lúc bấy giờ Phùng Khắc Khoan 53 tuổi.

"Năm thứ 5 Quang Hưng, Phùng Khắc Khoan từ quan, xin về nghỉ ở nhà riêng tại Vạn Lại. Nhưng nhà Lê vốn trọng dụng nhân tài, năm thứ 6, vua Lê Anh Tông lại vời ra làm Hồng lô tự khanh, đến năm thứ 8 đổi sang Hữu thị lang bộ Công, rồi làm Thừa chính sứ Thanh Hoa", ông Hùng nói.

Trong sách "Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường" có chép về những lần đi sứ của Phùng Khắc Khoan.

Về Bái Tiến nghe chuyện Trạng Bùng cãi nhà Minh khi đi sứ - 6

Một con đường mang tên Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

"Năm thứ 20 Quang Hưng đời vua Lê Anh Tông, ông được vua Lê sai đi sứ Minh. Bấy giờ nhà Minh ăn đút lót của nhà Mạc, không chịu nhân sự, ông cương quyết kể tội nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, con cháu nhà Lê đến cửa quan đợi mệnh mà thiên triều lại giúp nhà Mạc đè nén nhà Lê, như vậy là thiên triều về với kẻ gian tà, hại người ngay thẳng, lấy gì để tỏ đại nghĩa, với thiên hạ, giúp danh giáo cho muôn đời sau. Nhà Minh khen có nghĩa khí mới cho qua cửa quan.

Khi đến Yên Kinh, Lễ bộ đường trách về việc vàng cống, làm đầu người cúi xuống, không theo mẫu cũ, ngăn ông lại không cho vào chầu. Ông cãi rằng: "Nhà Mạc cướp ngôi danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng hình cúi đầu thay mình đã là may lắm. Còn như nhà Lê bao đời làm công thần, kiểu người vàng ngửa mặt, quy chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo lệ nhà Mạc, thì lấy gì để khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được". Việc đến tai vua Minh, lại theo thể thức cũ của nhà Lê như trước. Bấy giờ ông mới vào chầu, lĩnh ấn sắc mang nước".

Đi sứ ở Yên Kinh, gặp ngày sinh của vua Minh, ông dâng 30 bài thơ hạ thọ. Tập thơ có nhan đề "An Nam sử thần vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập". Tập thơ gồm 30 bài, mỗi bài một vần theo thứ tự từ vần nhất đông đến vần thập ngũ hàm, vua Minh tán thưởng, kính trọng, không gọi tên mà gọi Phùng Kỳ lão.

"Đại Việt sử ký toàn thư" có chép: "Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, Khắc Khoan dâng 30 bài thơ mừng. Anh vũ điện đại học sĩ thiếu bảo kiêm thái tử thái bảo Lại bộ thượng thư nước Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: Người hiền tài không chỗ nào không có. Trẫm xem thơ đủ biết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi. Bèn sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Bấy giờ nước Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang làm tựa".

Khi đi sứ về, được vua Lê thăng chức Tả thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu. Đến đời vua Lê Kính Tông, ông được thăng Thượng thư bộ Công. Năm thứ 3, niên hiệu Hoằng Định (1602), thăng Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận Công.

Trong những lần đi sứ về, ông đã đưa giống ngô, đậu về trồng ở quê nhà. Thời gian ở Yên Kinh ông còn học được nghề dệt về truyền lại cho người dân.

Phùng Khắc Khoan là một sứ giỏi, nhà kinh tế kiệt xuất ở thời Lê Trung Hưng, ông còn là nhà văn, nhà thơ. Người phương Bắc khen Phùng Khắc Khoan là sứ giỏi. Nhân dân Đại Việt mến mộ tài năng của ông gọi là "Trạng Bùng".

Phùng Khắc Khoan làm quan ở 4 đời vua gồm Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tôn và Lê Kính Tông.