Độc đáo những bức tường bằng tiểu sành niên đại hàng trăm năm
(Dân trí) - Những bức tường gốm cổ độc đáo của làng Thổ Hà được tạo nên từ chum, vại, tiểu sành... do chính người thợ thủ công nơi đây làm ra, có niên đại hàng trăm năm vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Làng nghề gốm Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) là một ngôi làng cổ với phong cảnh điển hình của nông thôn Bắc Bộ. Đặc biệt trong các ngõ hẻm cổ kính sâu hun hút vẫn còn lưu giữ được những bức tường xây dựng bằng vật liệu có một không hai: Chum, vại, tiểu bằng gốm.
Những bức tường chính là dấu tích một thời thịnh vượng của làng nghề gốm Thổ Hà. Dựa trên câu chuyện ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến sĩ Đào Trí Tiến, nghề gốm Thổ Hà ra đời khoảng thế kỉ 12, và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Trong ảnh là một bức tường được xây bằng chum, vại sành niên đại khoảng 200 năm.
Ông Trịnh Tiến Dậu (92 tuổi) người làng Thổ hà cho biết, bức tường nhà ông đã có từ mấy đời, được làm từ các phế phẩm do chính bàn tay người làng làm ra. Trong ảnh là ông Dậu đứng cạnh bức tường nhà.
Những bức tường sành này được tạo ra từ 3 sản phẩm phổ biến nhất và cũng là 3 sản phẩm gốm tiêu biểu của Thổ Hà, đó chum vại, tiểu và các mảnh gốm vỡ.
Các bức tường gốm này thường có kết cầu 3 phần: Dưới cùng là gạch; giữa được xếp từ các mảnh gốm vỡ, hoặc chum vại; trên cùng được xếp bằng tiểu sành.
Người dân cho biết, bên trong các tiểu sành được nhồi cát cho chắc chắn. Khi xây nhà, người xưa cứ đi nhặt mành sành vụn về để xây tường bao, vừa không tốn lại tận dụng được các phế phẩm.
Ðồ gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao chuyển thành màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Gốm của Thổ Hà để nghìn năm không bị mất màu do kỹ thuật nung tốt.
Một bức tường được làm từ những chiếc tiểu.
Đến những năm cuối thế kỉ 20 nghề gốm Thổ Hà dần suy thoái, người dân bắt đầu chuyển sang nghề mới là làm bánh đa, bánh đa nem, mì gạo.
Nghề làm bánh đa vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng nghề làm gốm thì gần như không còn ai làm nữa.
Những bức tường gốm này chính là dấu tích của một thời kì làm gốm thịnh vượng nơi đây. Đối với bậc cao niên trong làng, bức tường gốm không phải là vật vô tri, nó còn gợi lại biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn xưa cũ.
Một chiếc cổng cổ được kết hợp giữa đá ong xứ Đoài và đồ sành của người Kinh Bắc vang bóng một thời.
Hiện tại những bức tường sành cũng đang ít dần, tập trung chủ yếu tại các ngõ nhỏ ở khu vực xóm 1 của làng Thổ Hà.
Bức tường sành rêu phong.
Ông Trịnh Tiến Dậu đứng bên cổng nhà.