Rêu phong Làng cổ Thổ Hà
(Dân trí) - Nằm hữu duyên bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và giàu có. Đó là vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc Đình, Chùa được xây dựng cách đây trên 300 năm và văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo.
Những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII như các di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận là chùa Thổ Hà (Đoan Minh Tự), Văn chỉ, đặc biệt là Đình Thổ Hà được xây dựng từ thời Vua Lê Chính Hòa năm thứ 7 (1686) theo lối chữ công. Đình được dựng theo kiểu chữ công, toà bái đường dài 27m, rộng 16m, dựng trên nền cao 0,5m xung quanh bó đá tảng xanh chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài to bản, bốn góc là những đầu đao cong vút.
Đầu bờ nóc uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Có tất cả 22 đầu bẩy lực lưỡng, chạm rồng, mây, nghê, thú rất trau chuốt. Bái đường chia làm 7 gian, 48 cột lim, bộ khung mái chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Lòng bái đường lát đá xanh nhẵn bóng làm cho bái đường, bức cửa võng thếp vàng lộng lẫy ở gian giữa tòa bái đường, là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc thế kỷ XIX, càng làm tăng thêm nét tôn nghiêm, cổ kính cho ngôi Đình. Trong Đình còn lưu giữ nhiều bia đá cổ, đặc biệt là tấm bia niên hiệu Chính Hòa thứ 14 năm (1639). Di tích Đình Thổ Hà được nhà nước công nhận là Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật năm 1964.
Nằm sau phía đình là Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự”. Niên biểu chính thức của chùa chưa được tìm thấy. Căn cứ dòng chữ ghi trên đôi rồng đá ở cửa chùa thì năm Giáp Thân 1580 đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân 1610 chùa được tu sửa lại. Như vậy, chùa phải được xây dựng từ trước đó. Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Chùa Thổ Hà được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1996.
Tiếp đến là cổng làng; bốn ngôi điếm của bốn xóm; các ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm được xây dựng bằng vật liệu là những sản phẩm nghề gốm hết sức lạ mắt cùng với những ngõ hẹp và dài hun hút rêu phong cổ kính. Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, đây là một trong những chiếc cổng làng đẹp ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Quanh khu vực cổng làng, Đình và Chùa có những cây đa có tuổi thọ hàng trăm năm. Song song với lưu giữ những công trình kiến trúc cổ và văn hóa làng thì người dân nơi đây luôn hoạt động nhộn nhịp các nghề truyền thống như: sản xuất bánh đa nem, bánh đa và mỳ gạo bằng máy và thủ công, nấu rượu gạo để phát triển kinh tế.
Những bức tường nhà cũ đều được xây bằng vật liệu chính là tiểu sành, mảnh gốm. Được biết, làng Thổ Hà xưa nổi tiếng với nghề làm gốm với các sản phẩm như: Chum, vại, tiểu sành… Các sản phẩm làm hỏng hoặc không bán được, người dân Thổ Hà tận dụng để xây tường, làm nhà. Theo người dân nơi đây cho biết, những bức tường xây bằng tiểu sành và mảnh gốm có sức chịu nóng, chịu lạnh rất tốt. Lúc trời rét, trong nhà luôn tỏa ra hơi ấm, những ngày nắng nóng thì trong nhà mát lạ thường. Những bức tường xây bằng tiểu sành có thể để qua hàng nghìn năm mà không lo bị hỏng. Những ngôi nhà được xây bằng tiểu sành đã tạo cho Thổ Hà một lối kiến trúc riêng biệt.
Làng Thổ Hà còn lưu giữ hàng chục căn nhà cổ mang nét kiến trúc khác nhau. Hầu hết nhà cổ đã trên 100 năm tuổi, được xây dựng từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhà cổ nào cũng có nét độc đáo riêng, không chỉ đẹp ở kiến trúc cổ mà còn ở những kỷ vật, bảo vật lưu truyền qua các thế hệ, cách bài trí… Nhà cổ còn đẹp hơn bởi nề nếp gia phong. Đã hơn trăm năm, đời này sang đời khác nhưng những người dân làng Thổ Hà vẫn trân trọng giữ gìn một phần "hồn quê" qua những ngôi nhà cổ.
Những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của làng cổ Thổ Hà đã và đang là điểm đến hết sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; đồng thời là kho tư liệu vô cùng quý giá cho những nhà nghiên cứu về kiến trúc, mỹ thuật, những nghệ sĩ, nghệ nhân tham quan, tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Thổ Hà là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính. Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ người dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem, bánh đa và mỳ gạo.
Bá Đoàn