(Dân trí) - Danh Thái hẹn nhóm PV Dân trí tại một chung cư ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chuyên vào vai xã hội đen khiến nhiều người sợ hãi nhưng ở ngoài đời, anh lại là một người ít nói, hiền lành…
Diễn viên vào vai tù tội ở VTV: Suýt không lấy được vợ, bị đồn là… sát nhân
Danh Thái hẹn nhóm phóng viên Dân trí tại một chung cư ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chuyên vào vai xã hội đen khiến nhiều người sợ hãi nhưng ở ngoài đời, anh lại là một người ít nói, hiền lành…
Khăn gói quả mướp đi học... tuồng
Chào Danh Thái, là gương mặt quen thuộc trên VTV nhưng ít ai biết rằng, anh còn là một diễn viên tuồng?
- Học xong cấp 3 ở trường THPT Hoài Đức B (Hà Tây cũ), tôi biết thông tin trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh tuyển diễn viên tuồng. Ngày xưa ở quê, thi thoảng được xem các đoàn cải lương, đoàn chèo hay tuồng về biểu diễn là thích lắm nên tôi cũng nuôi mộng làm diễn viên.
Ngày đó, nghề diễn viên "hot" lắm, kể cả tuồng, chèo vẫn có nhiều người học nên tôi đã đăng ký thi tuyển vào trường.
Thời đó, thi tuyển rất khó. Tôi lại là một chàng trai ở quê ra Hà Nội nên phải cố gắng rất nhiều. May mắn là tôi cũng có chút năng khiếu, hát cũng được nên tôi đã đỗ Đại học năm 1987. Càng học, tôi càng ngấm như "con sáo ăn mặn", đã quen rồi thì không thể thích được thứ khác nên tôi miệt mài học. Tốt nghiệp ra trường, tôi về Nhà hát Tuồng Việt Nam làm việc đến bây giờ.
Sao anh không chọn ngành nghệ thuật khác mà lại là tuồng? Thời kỳ đầu ra trường anh có gặp nhiều khó khăn không?
- Hồi đó, ở quê vất vả lắm, tôi vẫn phải giúp đỡ bố mẹ chuyện ruộng đồng nên muốn thoát ly để cuộc sống khấm khá hơn. Nếu được vào làm Nhà nước là mỗi tháng có 17kg gạo, được làm diễn viên thì cũng hạnh phúc.
Thời trẻ, tôi hay tham gia văn nghệ ở xã nên cũng gọi là có chút năng khiếu. Tôi về Nhà hát Tuồng Việt Nam đúng lúc Nhà nước xóa bỏ bao cấp, lớp tôi học gần 60 người nhưng khi về Nhà hát thì rơi rụng dần, người thì không có biên chế nên về quê, người thì làm công việc khác nên chỉ một số người trụ lại với nghề.
5 năm đầu, tôi phải làm bốc vác ở Nhà hát, khi có vở diễn là cùng đồng nghiệp, bê bục bệ, máy móc để chuẩn bị cho buổi diễn. Đến năm 1997, tôi mới được vào biên chế, ban đầu được làm vai diễn chạy cờ, làm quân lính… Làm diễn viên tuồng thì phải được luyện tập thường xuyên nhưng thời gian đó, do nhiều yếu tố, tôi đã phải làm các công việc khác để nuôi dưỡng nghề diễn viên chính của mình.
Khi ra trường về Nhà hát, chúng tôi không có lương, nhưng Nhà hát đi diễn ở các tỉnh nhiều. Diễn nhiều đến mức cả tháng không kịp về nhà, chúng tôi có tiền bồi dưỡng, mỗi tối được 20-30 nghìn nên cuộc sống đỡ vất vả hơn.
"Nghề diễn vất vả lại nghèo nên nhiều lần tôi đã định nghỉ đi làm... công nhân"
Các ngành nghệ thuật truyền thống hiện nay rất ít khán giả, nhất là nghệ thuật tuồng thì càng khó khăn hơn. Với sự khắc nghiệt của nghề như vậy, có bao giờ anh muốn buông xuôi, muốn bỏ nghề?
- Có những thời điểm khó khăn quá, tôi cũng có ý định bỏ nghề đấy. Tôi đã lên Phòng Tổ chức nói ý định xin nghỉ không lương hoặc là không làm nghề nữa thì các anh khuyên là thôi cố gắng bám nghề, dù sao cũng có đồng ra, đồng vào.
Nghĩ thì cũng đúng, nếu bỏ nghề thì chỉ đi làm công nhân, bảo vệ nên tôi lại bám trụ. Nghệ sĩ làm kinh doanh ít người thành công lắm vì ông trời đã phú cho ai nghề gì, thì chỉ giỏi một thứ thôi.
Vì thế, tôi đã ở lại Nhà hát, thời gian rảnh rỗi vẫn có thể đi làm phim ngoài. Thôi thì "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
Danh Thái cũng được biết đến là gương mặt khá quen thuộc của nhiều bộ phim VTV. Cơ duyên dẫn anh đến với các bộ phim truyền hình như thế nào?
- Ngày xưa diễn viên ít lắm, và nếu có làm phim, chúng tôi chủ yếu làm phim nhựa. Hồi đó đạo diễn Bạch Diệp tìm diễn viên cho phim Hoa ban đỏ, anh Quốc Trọng khi đó làm phó đạo diễn vào Nhà hát Tuồng tìm diễn viên trẻ đóng bộ đội cho phim nên anh ấy mời tôi làm phim.
Sau đó, anh Quốc Trọng làm phim truyền hình và có kéo tôi đi làm cùng. Ban đầu thì có Điện ảnh chiều thứ 7, Văn nghệ chủ nhật, sau này phim truyền hình "nở rộ", có thể do có duyên nên tôi thường xuyên được mời vào những vai trong các phim của VTV gần đây.
Chuyên vai tù tội, cả nhà giận tím mặt vì tưởng... giết người thật
Nhắc đến diễn viên Danh Thái, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những vai diễn tù tội, giang hồ… nhiều người tò mò, vì sao anh lại đóng khung với dạng nhân vật như vậy?
- Ngoài đời, ai mà gặp Danh Thái đều nhận xét là hiền lành, rụt rè chứ không như phim. Có lẽ do khuôn mặt của tôi hơi đặc biệt nên các đạo diễn hay mời vào vai giang hồ, xã hội đen. Tôi vẫn bảo với mọi người, hình như gương mặt tôi có căn "tù tội" nên hầu hết các phim tôi đóng đều có số phận như vậy đó (cười).
Nói thật, nhìn gương mặt tôi có một chút gì đó khắc khổ, trải đời và hơi dữ nên ngoại hình đã đạt được khoảng 50%, sau đó là do diễn xuất của mình. Ít ai biết rằng, ban đầu tôi đóng vai bộ đội nhưng sau đó mới đóng khung ở dạng vai vướng vòng lao lý, xã hội đen xăm trổ, bặm trợn.
Đóng nhiều và được khán giả ấn định với những vai phản diện, bị ghét từ trong phim ra ngoài đời, anh có buồn không?
- Tôi không buồn mà thấy rất thú vị. Nhiều người thấy trên phim thì ghét nhưng khi gặp ngoài đời lại rất quý. Họ bảo "nhìn hiền lành thế này mà đóng giang hồ, tù tội à". Nhiều người gặp lần đầu đã hợp nhau và sau này lại thân với tôi. Tôi có cùng một vài người bạn kinh doanh một nhà hàng bia hơi, nhiều người bảo muốn đến đây để gặp Danh Thái.
Nhiều người bảo, đóng vai phụ mãi không chán à? Chán sao được khi nghề diễn viên cũng cho tôi khá nhiều "lộc", đó là lộc khán giả, lộc có chút tiếng tăm nên vai nào tôi cũng cố gắng để hoàn thành. Nếu không có những vai phụ, vai chính không nổi được.
Vào những vai "không giống ai" như vậy, chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm "dở khóc, dở cười"?
- Rất nhiều chuyện vui buồn quanh những vai diễn của tôi. Những vai tôi đóng thường là những nhân vật có số phận nên khán giả rất nhớ.
Có phim, tôi cũng phải quay ở các trại tạm giam, trại giam nên cũng nếm trải cảm giác của những người ở tù với 4 lớp cửa sắt, công an canh gác 24/24, phòng giam nhỏ và rất nóng, không có tự do khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cũng toát mồ hôi hột.
Đóng vai phản diện xong ra đường tôi vẫn phải "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên". Có lần ra đường, có một người bảo, trên phim cũng đánh nhau, tập võ thì có thử sức không? Tôi bảo, phim đóng thì vậy chứ tôi hiền và không muốn gây sự, thế là họ thôi.
Hồi mới làm phim truyền hình, tôi gầy và hốc hác lắm, tôi lên xe bus mà có người cứ nhìn chằm chằm và lẩm bẩm "nhìn cái mặt là thấy lưu manh rồi" nhưng tôi chỉ im lặng và không nói gì.
Anh thường xuyên vào vai giang hồ, tù tội như vậy, gia đình có phản ứng gì không?
- Có câu chuyện này mà mỗi khi nhắc, tôi lại thấy "hú hồn". Năm đó, tôi vào vai 1 tên tội phạm cầm đầu 1 băng nhóm đòi nợ thuê, nhân vật của tôi chém chết người và bị khép tội tử hình trong chương trình Tòa tuyên án trên VTV.
Thời điểm đó cách đây đã gần 20 năm rồi, báo chí và mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ nên nhiều người xem chương trình đó cứ nghĩ tôi chính là tội phạm chứ không phải đó là 1 phiên tòa được dàn dựng. Chương trình phát sóng lúc nào, chính tôi cũng chẳng được biết để mà xem lại.
Ở quê tôi, mọi người đồn ầm lên là thằng Thái chém chết người bị tử hình rồi, họ bảo bố tôi sao con phạm tội mà không biết, vẫn bình chân như vại vậy à? Bố tôi tức tốc điện thoại lên thì tôi mới bảo là con đóng phim chứ không phải thật. Lúc đó gia đình mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng vì vai diễn tù tội đó mà người ta đồn thổi tôi là sát nhân. Đến khi tôi về quê, ban đầu mọi người đều lảng tránh, sau đó mới có vài người bạo dạn tới hỏi: Sao bảo mày bị tử hình rồi cơ mà? Sau này, mọi người hiểu ra, gặp tôi thì cười và hỏi han, họ đã quên chuyện trước kia.
Bị cả nhà vợ cấm yêu vì nhìn mặt như... "quân trộm cắp"
Chuyện yêu và lấy vợ của anh có suôn sẻ không khi anh hay vào vai mà mọi người "nhìn thấy là sợ như vậy"?
- Tôi và bà xã quen nhau khi học đại học ở Hà Nội, bà xã tôi quê Bắc Giang. Hồi yêu nhau là cô ấy đã về Bắc Giang làm việc, còn tôi ở Hà Nội. Khi về ra mắt lần đầu tiên, bố vợ không đồng ý bảo cái mặt khó ưa, trông như "quân trộm cắp", không cho chúng tôi lấy nhau.
Nhà bà xã là gia đình công chức, có điều kiện, vợ lại đi làm ổn định ở quê rồi mà tôi vẫn chưa có gì trong tay, nhà cửa chưa có nên đến nhà bố vợ thì run lắm. Nghe ông tuyên bố như vậy tôi nghĩ "thế là xong rồi". Tuy nhiên, hai đứa quyết tâm lấy nhau, tôi "chai mặt" về nhà ông bà ngoại, dần dần ông bà cũng hiểu tính cách và con người tôi nên đồng ý cho hai vợ chồng kết hôn.
Anh lấy vợ mà mỗi người một nơi như vậy, hai anh chị đã vượt qua thời kỳ khó khăn ấy như thế nào?
- Năm cưới vợ là tôi 35 tuổi, tôi vẫn ở Hà Nội làm việc ở Nhà hát Tuồng, còn vợ vẫn ở Bắc Giang để đi dạy học. Cuối tuần thì bà xã lại "khăn gói quả mướp" xuống Hà Nội thăm tôi hoặc tôi có thời gian thì về Bắc Giang.
Hồi đó, tôi được Nhà hát phân cho một căn phòng tập thể nhỏ để ở nên khi con gái đầu được 3 tuổi, tôi đưa con xuống Hà Nội, hàng ngày đưa con đi học, tôi đi làm rồi tối về lại đón nhau nấu cơm, ăn uống. Con nhỏ và bà xã vẫn ở trên nhà ông bà ngoại, cuối tuần cả gia đình mới được tụ họp với nhau.
5 năm sau khi cưới nhau, tôi mới chuyển bà xã về dạy học ở Hà Nội được. Cách đây 2 năm, chúng tôi mua được một căn chung cư ở đường Trịnh Văn Bô, Nam Từ Liêm, Hà Nội, gia đình có không gian chung rộng rãi, thoải mái hơn. Đến bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình giỏi thật, không hiểu vì sao khó khăn vậy mà cả hai vợ chồng vẫn động viên nhau vượt qua được.
Trên phim toàn đóng những vai bặm trợn, giang hồ, ngoài đời, Danh Thái là người thế nào?
- Nói thật nhé, thời thanh niên tôi là không phải kiểu soái ca nhưng khéo nói. Tôi thích chăm chút cho người thân của mình, hay đi chợ mua hoa về cắm cho nhà cửa rực rỡ hơn. Buổi sáng tôi hay dậy sớm chạy, tập thể dục và chăm sóc cây cảnh. Tôi nấu ăn cũng ngon và hay vào bếp, thích tự tạo ra những món mà mình tự nghĩ ra mà vợ và các con ăn cũng khen.
Hàng ngày, nếu có vở mới, tôi lên Nhà hát tập tuồng cùng anh em, sau đó tối lên Nhà hát Hồng Hà ở 51 Đường Thành diễn. Hàng tuần chúng tôi có 2 buổi diễn ở phố cổ cho khách du lịch xem. Hiện tại, cát xê của diễn viên tuồng cũng không cao, vai phụ thì 120 nghìn, vai thứ là 160 nghìn, vai chính thì 200 nghìn/buổi.
Việc trang điểm của diễn viên tuồng khá vất vả, mỗi lần trang điểm phải mất 40 - 50 phút, ai mà đóng tướng thì phải mặc nhiều áo, độn thêm áo bông vào. Diễn xong ai cũng mồ hôi nhễ nhại nhưng vì nghệ thuật nên đều phải cố gắng cho vai diễn.
Thời gian gần đây, mọi người nhắc nhiều đến cụm từ "Hào quang nghệ sĩ", bởi có người rơi nước mắt nói rằng, nghệ sĩ vất vả lắm… Quan điểm của anh về việc này thế nào?
- Theo tôi, nghề nào cũng đáng trân trọng, cũng có những vất vả và hào quang riêng. Diễn viên, ca sĩ thì cũng như nghề bác sĩ, giáo viên, nông dân… thôi, nếu đã chọn thì phải cố gắng, không kêu ca. Nghề diễn viên có chăng được nhiều người biết đến hơn vì mình đi biểu diễn, được nổi tiếng nhưng không vì thế mà vỗ ngực ta đây hơn những nghề khác.
Hơn nữa, đi biểu diễn, nghệ sĩ cũng có cát - xê, có thu nhập mà nhiều người cũng có thu nhập khá cao nên so sánh với các nghề khác là khập khiễng. Chúng ta nên biết mình là ai.
Hay như việc nhiều nghệ sĩ tự xưng mình là vua, là ông hoàng trong lĩnh vực của mình. Cái đó hãy cứ để khán giả nhận xét, đừng vỗ ngực hỏi người khác "có biết tôi là ai không". Cái này thì hơi quá. Nghệ sĩ cũng không có gì ghê gớm, kinh khủng cả, hãy cống hiến và làm nghề, khán giả là người đưa bạn lên thì sẽ là người dìm bạn xuống nếu bạn tự mãn, kiêu kỳ.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Danh Thái sinh năm 1970, tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật Biểu diễn Tuồng, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, anh từng đạt Huy chương vàng vở Phương thuốc thần kỳ ở Nam Ninh (Trung Quốc), Huy chương bạc vở diễn Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022.
Thế nhưng, Danh Thái được biết đến nhiều hơn ở phim truyền hình với những vai diễn xã hội đen, giang hồ, tù tội trong các phim VTV như: Cảnh sát hình sự, Người phán xử, Những cô gái trong thành phố, Hương vị tình thân, Sinh tử, Đấu trí…
Nội dung: Phương Bảo
Ảnh: Toàn Vũ