DMagazine

"Chị Nhu" Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu

(Dân trí) - Sau vai diễn để đời - chị Nhu trong phim "Sao Tháng Tám" và trải qua bao nỗi truân chuyên, NSƯT Thanh Tú giờ đây vẫn tràn đầy lửa đam mê với công việc diễn xuất, vẫn yêu và khát khao được yêu...

"Chị Nhu" Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu

Sau vai diễn để đời - chị Nhu trong phim "Sao Tháng Tám" và trải qua bao nỗi truân chuyên, NSƯT Thanh Tú giờ đây vẫn tràn đầy lửa đam mê với công việc diễn xuất, vẫn yêu và khát khao được yêu...

Tôi đến gặp NSƯT Thanh Tú tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ ở Hồ Tây, căn nhà bé xinh nhiều cây xanh, giản dị và bình yên. Ba năm nay, bà chuyển về đây sống cùng con gái, bà nói vui: "Đánh mất tự do vì con cháu". Gặp lại bà, vẫn là Thanh Tú - "bông hồng tuyệt đẹp của dòng phim cách mạng", dẫu thời gian là kẻ thù của nhan sắc thì bà vẫn giữ phong độ ở độ tuổi xưa nay hiếm, vẫn duyên dáng, mặn mà.

Trong căn nhà nhỏ này, ngay không gian bên ngoài, NSƯT Thanh Tú treo những bức ảnh ngày xưa, nhưng bao nhiêu huân, huy chương hay nhiều bức chân dung của bà do các họa sĩ thời đó như Lê Chúc, Diệp Minh Châu vẽ tặng, bà đều không giữ lại. Thanh Tú nói rằng,  bà không có thói quen giữ lại vàng son đã qua...

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 1

Những bức ảnh gợi lại một thời thanh xuân tươi đẹp của NSƯT Thanh Tú.

Sân khấu là "thánh đường"

17 tuổi, Thanh Tú đã đi diễn. Đến bây giờ, Thanh Tú được ví như ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật.

Gần 40 năm theo nghiệp diễn xuất, gia tài của bà là những bộ phim, vở kịch sống mãi với thời gian. Là những nhân vật để đời và trở thành biểu tượng của một thời.

Nói đến người đẹp người ta nhắc đến Thúy Kiều, còn nói đến một người nghệ sĩ, một trí thức đi theo cách mạng sẽ nhớ ngay đến Hương Giang của Thanh Tú trong phim "Tiền tuyến gọi". Nên trong cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, khi cô ấy ra mặt trận, có viết: "Tôi đi theo tiếng gọi của tiền tuyến như nhân vật Hương Giang".

Và khi nhắc đến phụ nữ Hà Nội làm cách mạng người ta sẽ không thể quên chị Nhu của "Sao Tháng Tám". Với vai diễn này, Thanh Tú được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV, năm 1977, và tại Liên hoan phim Mátxcơva, bà được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải Đặc biệt.

Với Thanh Tú, "Sao Tháng Tám" là một hồi ức đẹp trong cuộc đời nữ nghệ sĩ. Thời gian có thể đổi thay nhưng dấu ấn lịch sử, chứng nhân lịch sử vẫn còn nhắc nhớ. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 2
Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 3

Nhưng dù có nhiều vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam thì Thanh Tú vẫn gắn bó với sân khấu nhiều nhất. 

Nhấp ly trà ấm trong một ngày thu se lạnh, Thanh Tú kể về một thời say mê sân khấu đến độ, bà lấy chồng 4 năm không dám sinh con để dành thời gian cho những vai diễn. Rồi một thời, sinh con đầu lòng mới một tháng tuổi đã bước lên sân khấu. Một thời, ban ngày đi quay phim "Sao Tháng Tám", tối về diễn "Tania" ở Nhà hát Kịch Hà Nội...

Một thời rực rỡ, các vở diễn của bà thường bán hết vé từ 4 tháng trước khi công diễn. Và cả những lần diễn xuất thần và tài nhớ lời thoại như ngấm vào máu. Thanh Tú bảo, bà không có thói quen ngồi học thoại, chỉ đọc và ngẫm. Với Thanh Tú, tất cả mọi việc có thể quên, nhưng lời thoại thì chỉ cần liếc qua là nhớ.

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 4

Những vở diễn đình đám của Thanh Tú hồi đó có thể kể đến như "Âm mưu và tình yêu", "Tania", "Tiền tuyến gọi". Sau "Sao Tháng Tám", bà nhận thấy có đóng vai nào cũng không thể vượt qua cái bóng của chị Nhu, dừng đóng phim, Thanh Tú lại về đắm đuối với sân khấu.

Nhiều người hỏi Thanh Tú: "Điều gì khiến bà say mê và tận hiến đến thế?"  Vẫn câu trả lời cũ không gì thay đổi, Thanh Tú bảo: "Tất cả vì tình yêu và lòng tự trọng với nghề". Thanh Tú nói, bà sinh ra để làm nghề này, vì thế, sân khấu đến với bà như một định mệnh. Bà muốn nâng sân khấu lên quan trọng như cuộc sống của mình. Với NSƯT Thanh Tú, tình yêu với sân khấu kịch đã ăn sâu vào máu, hơi thở và cả nhịp sống, đời thường của bà, là "mối tình" đầy duyên nợ, muôn thuở đậm sâu. 

Bà là một diễn viên tài năng. Điều đó không ai phủ nhận. Bà cũng là người sở hữu những vai diễn vượt thời gian, điều đó đã được lịch sử điện ảnh và sân khấu chứng minh.

Thắc mắc tại sao, NSƯT Thanh Tú không làm hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh hay đến bây giờ mới làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND?

Thanh Tú nói, lần này, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Thúy Mùi bảo bà phải làm. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu cũng khuyến khích, động viên.  Thấy bà "lười" thì Trung Hiếu bảo: Sẽ nói với phòng hành chính chuẩn bị giúp hồ sơ cho bà, bà chỉ việc "duyệt" lại và ký. Và rồi bà đồng ý, nhưng với Thanh Tú, kết quả thế nào bà không mấy quan tâm. 

"Danh hiệu không làm nên tư chất của người nghệ sĩ. Tài năng, cống hiến nghề nghiệp đến đâu sẽ có khán giả người ta ghi nhận. Tôi không chạy theo những phù phiếm bề ngoài, bởi tôi thấu hiểu giá trị của hai từ nghệ sĩ. Địa vị là tạm thời, vinh quang là quá khứ, sức khỏe mới là của mình", Thanh Tú chia sẻ. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 5

NSƯT Thanh Tú: "Danh hiệu không làm nên tư chất của một người nghệ sĩ. Địa vị là tạm thời, vinh quang là quá khứ, sức khỏe mới là của mình".

Thanh Tú trở lại vì một giấc mơ

Với Thanh Tú, sân khấu là "thánh đường", còn trong lòng khán giả, bà một thời là "ông hoàng bà chúa" trên thánh đường ấy. Thế nhưng, đã rất lâu rồi không thấy Thanh Tú xuất hiện trên sân khấu hay trên phim truyền hình. 

Chia sẻ về sự "vắng bóng" của mình, Thanh Tú cho biết, trước đây bà làm diễn viên sau đó đi học đạo diễn, bà làm công tác đạo diễn sau đó công việc chủ yếu là đào tạo cho rất nhiều thế hệ diễn viên trẻ, nên không đóng kịch nữa.

Còn với phim truyền hình, Thanh Tú thừa nhận, bà từng nhận một số bộ phim nhưng luôn có cảm giác đóng cũng chỉ đến thế. "Tôi nghĩ một khi mình thôi nghề có nghĩa mình khó tiến bộ hơn được, nên mình muốn dừng lại", Thanh Tú chia sẻ. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 6

Thanh Tú trở lại vì một giấc mơ...

Một thời và tưởng đâu là mãi mãi… khán giả sẽ không còn nhìn thấy Thanh Tú trên sân khấu kịch nữa. 

Thế nhưng, trong tháng 11 này, sau rất nhiều năm vắng bóng, NSƯT Thanh Tú sẽ trở lại. Vở kịch "Giác" do Thanh Tú gánh cả 4 nhân vật sẽ tham gia dự thi Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ V. 

NSƯT Thanh Tú nói, sự trở lại lần này của bà không phải nuối tiếc hào quang của sân khấu mà vì một giấc mơ!

Bà từng đau đáu, trăn trở và tiếc nuối: Sân khấu hàn lâm, sân khấu bác học, văn hiến có lịch sử 100 năm của Hà Nội đang dần bị mai một, không còn nhiều nữa. Ngôn ngữ văn học trong sân khấu đang bị lấn át bởi lối nói nôm na. Bây giờ người ta toàn chạy theo hài kịch với những tiếng cười nhạt nhẽo, nhiều nhà hát phải chạy theo thị hiếu. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 7
Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 8
Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 9

30 năm trước, những người thầy của bà như Xuân Trình, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Bình Quang… đã gây dựng nên những sân khấu bác học và bà rất muốn sân khấu ấy tồn tại. Bà muốn tìm lại và ấp ủ những giấc mơ về sân khấu như thế. Bà tha thiết mong mỏi những người trẻ hôm nay đi đúng con đường mà thế hệ bà đã tạo dựng bằng tất cả tình yêu và đam mê của mình. 

"Hai năm nay, tôi tìm lại sân khấu một cách rất tích cực và cũng gặp muôn vàn khó khăn không thể kể hết. Tôi muốn làm một sân khấu riêng, gọi là sân khấu thử nghiệm mang tên "Sao xanh", cuối năm nay sẽ xong. Còn vở diễn tôi rất tâm đắc cũng đã hoàn thành, chờ ngày dự thi",  bà hào hứng. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 10
Tôi không liều, nhưng tôi đam mê và dấn thân. Tôi vì những gì đã qua và vì những người thầy đã rất tâm huyết với sân khấu này.
NSƯT Thanh Tú Dmagazine

NSƯT Thanh Tú cũng tiết lộ, sân khấu "Sao xanh" của bà là sân khấu nhỏ, tương tác trực tiếp với khán giả, chỉ độ 100 khách, thậm chí 50 khách thôi. Khán giả rất chọn lọc. Đặc biệt, sân khấu "Sao xanh" quy tụ những nghệ sĩ không danh hiệu, không chức tước… 

Vậy là giấc mơ của bà đã thành hiện thực, một sân khấu thử nghiệm mang hơi hướng hàn lâm, bác học của Thanh Tú sẽ ra đời. Trên hành trình thực hiện giấc mơ đó, Thanh Tú cười bảo, bà chẳng có mạnh thường quân nào đứng phía sau, không được ai hỗ trợ đồng nào, tự mình gồng gánh. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 11

NSƯT Thanh Tú vẫn diễn xuất thần và đầy nhiệt huyết cho ngày trở lại

Tôi nói: "Bà thật liều lĩnh". Thanh Tú đáp: "Tôi không liều, nhưng tôi đam mê và dấn thân. Tôi vì những gì đã qua và vì những người thầy đã rất tâm huyết với sân khấu này. Những người đã đưa tôi vào nghề, cho tôi tất cả những kiến thức về sân khấu, về điện ảnh, cho tôi cả danh tiếng. Tôi nghĩ việc của mình là phải tri ân tất cả những người đó và tri ân cả ngành sân khấu này nữa".

Thanh Tú tin, bằng tâm huyết và lòng yêu nghề của mình cùng những tích lũy cả một đời làm nghệ thuật, bà sẽ có cách để sân khấu này sống lại. Bà vẫn tin: Trong 100 khán giả của sân khấu vẫn còn độ 10 người thích xem chính kịch, hài kịch theo kiểu hàn lâm.

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 12

Nói rồi, bà bước lên sân khấu của Nhà hát kịch Hà Nội diễn vở "Giác". Đây là buổi diễn chuẩn bị cho đêm dự thi Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội vào 16/11 tới, vì vậy không nhiều khán giả, chỉ một số người bạn và học trò của bà tới xem. Trở lại sân khấu vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng Thanh Tú vẫn vậy: diễn xuất thần và đầy lửa đam mê.

Bà khiến người xem rưng rưng ngấn lệ trong lời thoại nghẹn ngào, xúc động về những đứa con: "Con yêu của mẹ - Con là tất cả - Con xinh của mẹ - Tất cả là con - Mặt trời chói lòa - Mặt trăng sáng tỏ - Tình đời vật vã niềm vui vỡ òa - Con là tất cả tất cả là con".

Rồi lại cười: "Đời nghệ sĩ say chân phố - Tối liêu xiêu hè - Mắt trắng dửng dưng không ngấn lệ - Không buồn không vui không chua cay".

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 13

Bà vẫn tin: Trong 100 khán giả của sân khấu vẫn còn độ 10 người thích xem chính kịch, hài kịch theo kiểu hàn lâm.

Nỗi buồn giấu cả vào thơ, tình yêu thì... vẫn chờ!

Kết thúc vở diễn, bỏ lại ánh hào quang trên sân khấu, trở về với đời thường, trong căn nhà nhỏ, Thanh Tú cảm thấy bình yên và nhẹ nhõm dẫu đã trải qua sóng gió hôn nhân và bao nỗi truân chuyên của cuộc đời. 

Đến thời điểm này, bà vẫn luôn tự hào về những thứ do mình làm ra, những điều mình đã đạt được trong cuộc sống đều là do một tay bà bươn chải, nỗ lực mà có. Rồi bà tìm đến đạo Phật là để trở về chính bản ngã, được là chính mình, để một chút an lòng cho hiện tại, để hóa giải cho số kiếp đa đoan của mình, để tìm thấy lẽ sống an nhiên.

"Đạo Phật giúp tôi ngộ ra được nhiều chân lý sau chuỗi ngày không bình lặng đã đi qua trong cuộc đời tôi. Nói chính xác là tôi tự sám hối bản thân khi theo Phật: Tự nhiên chờ cái đến - Thanh thản tiễn cái đi - Yêu những điều không muốn - Tâm nhàn như mây trôi", Thanh Tú tâm sự. 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 14

Và ở đâu đó, trong hành trình giữa đến và đi của cuộc sống trần gian, thẳm sâu trong trái tim của người nghệ sĩ, của người phụ nữ đẹp mà đa đoan ấy vẫn khát khao và đợi chờ một tình yêu. "Tôi vẫn chờ đợi một hiệp sĩ bao nhiêu năm nay trong lòng tôi. Tôi vẫn chờ một điều không bao giờ đến… nhưng nếu như tôi không chờ thì tôi chẳng có lẽ gì để sống nữa", bà trải lòng. 

Với Thanh Tú, tình yêu ở tuổi nào cũng vậy, chẳng khác gì và cũng không vì điều gì, tình yêu là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn. Dẫu có nơi đâu, chỉ mỗi ngày trò chuyện, hỏi han như thế là đủ. 

Tình yêu và nỗi nhớ, chờ đợi và tiếc nuối, bà gửi gắm vào thơ. 

Thanh Tú làm rất nhiều thơ tình: 

"Em tuổi 13 anh 15

Táo đã thôi xanh trăng đã rằm

Trang đời hé mở sau trang sách

Em cũng đẹp dần trong mắt anh".

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 15
Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 16

Hay là: 

"Em không khóc đêm nay

Để nước mắt chảy vào trong mặn chát

Để cuộc say nhẹ trôi đi nhàn nhạt

Để tình này mặn cháy mãi trần gian". 

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 17

Những khi buồn và cô đơn, Thanh Tú cũng làm thơ. Và có lẽ với thơ, bà không giấu được chính mình: 

"Thu chưa qua, sao đã lạnh về

Mình bỗng nhớ, phải rồi đông đến

Nhớ mẹ, lưng tròn nóng hổi khẽ tiếng rên… 

Nhớ đêm chăn lạnh đợi anh về 

Nỗi nhớ có bao giờ như thế…!"

Và: 

"Gió heo may se lạnh

Trăng buồn... thu luồn vào khe cửa

Vắt lên cành hoa sữa

Ngước mắt nhìn trăng một nửa

Mịt mùng xa khuất

Còn vương mãi hương đời bất tận

Sao quặn lòng chẳng giận nỗi đau

Có lẽ nào mình đã quên nhau".

Chị Nhu Thanh Tú bất ngờ trở lại: Vẫn yêu và khát khao được yêu - 18

Thanh Tú, tên thật là Vũ Thanh Tú (SN 13/ 8/1944) trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Bà là con thứ hai trong một gia đình có 8 anh chị em, bố bà nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Từ năm 1960 đến 1964, bà theo học và tốt nghiệp tại tốt nghiệp tại Trường Sân khấu Hà Nội (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Bà trở thành một diễn viên kịch, từng thành công với những vai diễn như: Hương Giang trong vở "Tiền tuyến gọi" do đạo diễn Trần Hoạt dàn dựng, 'Tania" trong vở kịch cùng tên, đạt kỉ lục với hơn 1200 suất diễn; quận chúa Minfo trong "Âm mưu và tình yêu", đây cũng là vở diễn thành công nhất của bà.

Năm 1966, Thanh Tú đóng bộ phim đầu tiên với vai Thảo trong "Biển lửa" của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Bà kết hôn với đạo diễn Phạm Kỳ Nam trong năm đó.

Năm 1969, bà tiếp tục thể hiện vai cô diễn viên Hương Giang trong bộ phim chuyển thể từ vở kịch cùng tên "Tiền tuyến gọi", do Phạm Kỳ Nam đạo diễn. Sau "Tiền tuyến gọi", bà tiếp tục vào vai mẹ bé Hà trong phim "Em bé Hà Nội" (1974), vai chị Hảo trong "Vùng trời" (1975).

Năm 1976, bà đạt được thành công lớn với vai Nhu trong bộ phim "Sao Tháng Tám" của đạo diễn Trần Đắc. Với vai diễn này, bà đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, được Ủy ban phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva. Sau thành công quá lớn của vai Nhu, bà từ chối tham gia các dự án điện ảnh khác cho đến năm 1984.

Từ năm 1979 đến 1983, bà theo học khóa đạo diễn sân khấu ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bà là đạo diễn của nhà hát kịch, từng đạo diễn các vở như "Đỉnh cao và vực thẳm" (1989), "Cơ đấm" (1991), "Thị trường trái tim" (1993), "Thoát vòng tục lụy" (1994).

Bà trở lại điện ảnh từ năm 1984 với những bộ phim "Tình yêu và khoảng cách", "Truyện cổ tích cho tuổi 17", "Thời hiện tại", "Gánh hàng hoa", "Mối tình sau song sắt". Tuy nhiên những vai diễn này không vượt qua được đỉnh cao là Nhu trong "Sao Tháng Tám". 

Ngoài công việc diễn xuất, bà còn là một giảng viên tham gia đào tạo các diễn viên truyền hình, phát thanh viên và MC.

Cùng với các nghệ sĩ, đạo diễn Ngọc Quỳnh, Ngô Mạnh Lân, Phương Thanh, Hải Ninh, Trà Giang, Nguyễn Hồng Sến, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Bạch Diệp, Lâm Tới, bà có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. 

Nội dung: Hương Hồ

Ảnh: Toàn Vũ