“Chị Nhu” Thanh Tú tiết lộ bất ngờ xoay quanh bộ phim “Sao Tháng Tám”

(Dân trí) - “Một lần, tôi có chia sẻ về cô bé đóng con mình trong “Sao Tháng Tám” và muốn gặp lại. Có nhiều cuộc gọi đến và nhận là cô bé đó. Đến khi tôi hỏi: “Cháu tên là gì?” thì không phải. Sau này, tôi cũng gặp lại Hà, cô bé giống hệt ngày nhỏ...”, NSƯT Thanh Tú chia sẻ.

“Sao Tháng Tám” được coi là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, giúp khán giả hiểu sâu sắc nhất về nạn đói năm 1945, về cuộc sống lầm than của dân ta và khắc họa cuộc kháng chiến lừng lẫy trong lịch sử. NSƯT Thanh Tú, nữ diễn viên thủ vai nữ cán bộ cách mạng tên Nhu đã có những chia sẻ thú vị với phóng viên Dân trí xoay quanh quá trình thực hiện bộ phim lịch sử ấy...

Bộ phim “Sao Tháng Tám” đoạt Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977 được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại.
Bộ phim “Sao Tháng Tám” đoạt Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977 được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại.

NSƯT Thanh Tú (trái) trong một cảnh phim.
NSƯT Thanh Tú (trái) trong một cảnh phim.

Bà từng chia sẻ thời điểm mình tham gia bộ phim “Sao Tháng Tám” có rất nhiều kỷ niệm, nhất là với đạo diễn Trần Đắc. Trong khi bao người giới thiệu, tự ứng cử vào vai chị Nhu trong phim “Sao Tháng Tám” nhưng ông nhất quyết chỉ chọn Thanh Tú?

Đạo diễn Trần Đắc là người rất lạ. Tôi thân với anh ấy lắm. Nếu anh không có “vấn đề riêng” thì chắc chắn người ta nghi tôi là... người yêu anh Đắc.

Cái duyên đến từ lần tôi đến thử vai chị Dậu trong bộ phim, dựa trên cuốn tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Khi đó, ông Phạm Văn Khoa không chọn tôi cho phim “Chị Dậu” nhưng ông Trần Đắc... chọn luôn tôi vào vai chị Nhu trong phim “Sao Tháng Tám”.

Bộ phim “Sao Tháng Tám” là bộ phim dài 2 tập lần đầu tiên lên màn ảnh rộng, là bộ phim tái hiện lại Cách mạng tháng Tám. Nhân vật tôi đóng là một nữ cán bộ cách mạng hóa thân nhiều người: lúc là nông dân, lúc là công nhân, lúc là tiểu thư, lúc là phụ nữ tư sản, lúc là nhà sư... Để vào vai diễn hóa thân nhiều số phận như thế không phải là đơn giản.

Khi đó người của Hãng phim cũng gợi ý một số diễn viên khác vì đây là phim của hãng và cũng cho rằng ngoại hình hiện đại “ăn chơi” của tôi không phù hợp với vai diễn, nhưng anh Trần Đắc khăng khăng chỉ chọn tôi.

Phim “Chị Dậu” của Phạm Văn Khoa phải thử... mấy chục cô, phim “Đến hẹn lại lên”, đạo diễn Trần Vũ cũng thử bao nhiêu người. Nhưng riêng Trần Đắc thì nhất quyết không thử vì đã chọn Thanh Tú cho vai chị Nhu.

Có bao giờ bà hỏi đạo diễn Trần Đắc vì sao “nhắm trúng” Thanh Tú mà không phải một số nữ diễn viên tiếng tăm khác?

Tôi không hỏi, vì ông Trần Đắc nói: “Tôi thấy được rồi, cô Tú làm được rồi”. Đạo diễn Trần Đắc đơn giản lắm! Thế thôi!

Trong khi nhiều người phản đối Thanh Tú vào vai nữ cán bộ cách mạng vì ngoại hình hiện đại, ăn chơi thì đạo diễn Trần Đắc kiên quyết nhắm chị vào vai này.
Trong khi nhiều người phản đối Thanh Tú vào vai nữ cán bộ cách mạng vì ngoại hình hiện đại, ăn chơi thì đạo diễn Trần Đắc kiên quyết nhắm chị vào vai này.

Khi đạo diễn Trần Đắc chọn bà, không ít người vẫn muốn có sự lựa chọn khác, vậy sau khi bộ phim ra mắt, phản ứng của mọi người về vai diễn do bà thủ vai như thế nào?

“Sao Tháng Tám” đoạt Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977 được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại.

Năm ấy, tôi được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam 1977 còn anh Huy Công đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Bộ phim cũng có mặt tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva lần thứ 10, tôi được Ban phụ nữ Xô Viết tặng Bằng khen ghi nhận sự yêu thích, cảm phục vai diễn.

Thời gian tham gia bộ phim, tôi cũng chỉ mới vào nghề chứ chưa gạo cội như bây giờ. Nhưng tôi cứ chân thật mà vào vai thôi, chứ không có kỹ thuật gì nhiều.

Thời điểm đóng vai chị Nhu, Thanh Tú ngoài đời có vẻ đẹp của một thiếu nữ Hà Thành, bà cũng từng ghi dấu ấn với những vai tiểu thư khuê các, vậy để hóa thân thành công một nữ cán bộ cách mạng, một nữ nông dân, công nhân... bà đã cố gắng như thế nào?

Tôi cứ đặt mình vào từng hoàn cảnh thôi. Nếu mình là nhà sư thì mình đi đứng thế nào, nói năng, hành động thế nào. Nếu là một người nông dân thì như thế nào. Khi là công nhân của nhà máy điện thì như thế nào...

Chia sẻ thế, nhưng tôi đã có lúc ngồi bệt xuống khóc vì có cảnh quay mãi mà đôi tay vẫn cứng đờ, vẫn rất “thành thị”. Sau này, rút kinh nghiệm, tôi đã về tận vùng nông thôn, học việc nông như một cô gái nhà quê thật sự...

Con người thật và con người nghệ thuật của mình khác nhau nhiều lắm. Tôi cho rằng, khi diễn cứ chân thành, đừng có nghĩ phải thế này thế khác. Học trò của tôi từng than vãn, cô ơi vai này khó quá, vai kia khó quá, con không biết diễn thế nào. Tôi bảo là: “Con đừng nghĩ đến diễn, không nghĩ đến diễn thì con diễn được. Thế thôi.”

Khi đóng vai chị Nhu, con trai Thanh Tú đã được 7 tuổi.
Khi đóng vai chị Nhu, con trai Thanh Tú đã được 7 tuổi.

Nghe nói, cũng thời điểm nhận vai chị Nhu tên tuổi Thanh Tú nổi như cồn, cát- sê “ngất ngưởng”?

Thời điểm đóng phim “Sao tháng Tám”, tôi được xem là “ngôi sao” của sân khấu. Ngày tôi đi đóng phim, tối về đi diễn, tôi làm việc không ngừng nghỉ. Nhiều lúc về đến nhà mới chợt nhớ ra là ngày hôm đó mình chỉ... uống nước trừ bữa.

Bố mẹ tôi thương con gái nên thường tạo áp lực để tôi bớt việc nhưng sự bướng bỉnh và say nghề khiến tôi vẫn làm việc quên thời gian. Kết thúc những cảnh quay cuối cùng trong “Sao tháng Tám”, tôi đã phải đi cấp cứu vì kiệt sức.

Nói về cát- sê thì ngày ấy thu nhập của tôi lên đến hơn 100 nghìn đã được gọi là hơn người rồi.

Với nhan sắc mặn mà thời trẻ, bà từng khiến bao người đàn ông si mê, theo đuổi. Có câu chuyện được mọi người kể lại rằng thời gian tham gia bộ phim “Sao Tháng Tám”, bà cũng khiến trái tim “người đàn ông đi lấy xỉ than”... loạn nhịp?

(Cười) Có một kỷ niệm như thế này. Lúc quay ở Nhà máy điện Yên Phụ, giờ nghỉ trưa, chúng tôi đi ăn ở chợ Châu Long bên cạnh. Tôi tình cờ gặp một anh đi lấy xỉ than. Anh hỏi tôi làm gì, tôi bảo đi.. nhặt than.

Anh chẳng nghi ngờ vì lúc đó tôi mặc nguyên trang phục công nhân của chị Thu: đi đôi guốc mộc, quần vải đen, áo cánh. Anh cười, nhìn tôi nói: “ Em mà ăn trắng mặc trơn, son phấn vào sẽ ăn đứt các diễn viên điện ảnh”.

Anh bảo về ở với anh cho đỡ phải đi nhặt than và rủ tôi đi chơi suốt cả buổi trưa. Hôm sau có cảnh quay, tôi thấy anh vẫn đợi ở chỗ hôm trước. Tôi có nói với chị Đức Hoàn: “Người này, theo em suốt buổi trưa hôm qua...”

Có lẽ khi xem phim, anh ấy mới biết tôi là diễn viên. Thời điểm đó tôi đã có gia đình, có con trai 7 tuổi.

NSƯT Thanh Tú ở tuổi ngoài 70 vẫn vui vẻ, đóng nhiều bộ phim với vai diễn đa dạng. (Ảnh: Nguyễn Hằng)
NSƯT Thanh Tú ở tuổi ngoài 70 vẫn vui vẻ, đóng nhiều bộ phim với vai diễn đa dạng. (Ảnh: Nguyễn Hằng)

Bà cũng từng chia sẻ, đã gặp lại bé Hà, cô bé đóng con mình trong bộ phim “Sao Tháng Tám”, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn không?

Tôi đã gặp lại, nhưng lại mất liên lạc rồi.

Khi đóng phim, có cảnh quay chị Nhu sinh con tại bệnh viện. Có mấy đứa bé được nhờ đóng con tôi. Vì cứ chưa quay xong, các mẹ lại đến... đòi con về. Trong đó có con bé mắt tròn xoe, dễ thương lắm. Tôi thấy trên trán có chữ Hà.

Một lần xuất hiện trên truyền hình, tôi có chia sẻ về cô bé đóng con mình và muốn gặp lại. Sau đó, có nhiều cuộc gọi đến tôi nhận là cô bé đó. Đứa nào cũng nhận là con bé con trong phim. Đến khi tôi hỏi: “Cháu tên là gì?” thì không phải. Sau này, có cô gọi đến xưng tên là Hà. Chúng tôi có gặp nhau. Cô gái giống hệt ngày bé.

Khi gặp nhau thì Hà đang làm ở một công ty ô tô, cũng chuẩn bị cưới chồng. Sau này, chúng tôi cũng mất liên lạc.

Ngoài cô bé tên Hà, cho đến giờ bà còn giữ liên lạc với dàn diễn viên phim “Sao Tháng Tám”?

Có chị Hảo là người hóa trang cho tôi, vợ ông Nguyễn Văn Thương. Ngày đó chị được giải thưởng về hóa trang. Chị hóa trang giỏi lắm. Giờ chị nhiều tuổi, cũng yếu rồi.

Rồi anh Hùng quay phim, mỗi lần từ Sài Gòn ra thì hai anh em vẫn gặp nhau. Rồi Dũng Nhi...

Ông Trần Đắc thì mất rồi. Chị Đức Hoàn cũng mất rồi...

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Hằng