PhotoStory

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang

Thực hiện: Huỳnh Hải

(Dân trí) - Tối 27/11, tại Quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 thu hút hàng ngàn người dân đến theo dõi.

Nghệ sĩ thể hiện bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 1

Tối 27/11, tại Quảng trường Hùng Vương, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Ngày hội diễn ra từ 23-29/11 với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, như: Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer; liên hoan Đờn ca tài tử; khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh Bạc Liêu; không gian hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền; ngày hội tôm và muối Bạc Liêu; hội thảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer... (Ảnh: VĐ).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo nhiều Ban, ngành Trung ương và các địa phương như Hà Nội, TPHCM, An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Hậu Giang... với sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngày hội cũng chính là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2022 (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 3

Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, quê hương bản Dạ cổ hoài lang bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương. Đặc biệt, với sức sống của mình, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của hôm qua, hôm nay và cả ngày mai (Ảnh: CĐ).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 4

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là tạo động lực cho phát triển bền vững, cũng là thể hiện chữ hiếu của chúng ta đối với tổ tiên và thể hiện trách nhiệm của chúng ta với thế hệ mai sau và với cả nền văn minh thế giới (Ảnh: VĐ).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 5

"Con người là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho phát triển. Chúng ta cần phải hành động cụ thể để khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước; cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và y tế, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội; bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống an toàn, tràn ngập yêu thương và luôn vang tiếng đàn, tiếng hát vọng cổ, đờn ca tài tử thấm đẫm nghĩa tình người phương Nam", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 6
Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 7

Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2022 Lý Kim Thảo về dự ngày hội Văn hóa - Du lịch trong sự chào đón thân thiện, chân tình của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Tại lễ khai mạc, Hoa hậu quê Bạc Liêu cũng đã có màn trình diễn thời trang ấn tượng cùng với nhiều người mẫu khác trong ca khúc Đất trời Bạc Liêu do ca sĩ Quốc Đại thể hiện (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 8

Ca cảnh hành trình quay về cội nguồn di sản trăm năm Dạ cổ hoài lang. Trải qua bao thăng trầm, theo dòng phát triển văn hóa, bản Dạ cổ hoài lang luôn làm thổn thức người nghe bởi giá trị nghệ thuật và nội dung hàm chứa trong một tác phẩm độc đáo. Khúc nhạc lòng Dạ cổ hoài lang ra đời, được nuôi dưỡng từ con người và vùng đất Bạc Liêu, cùng sự nâng đỡ chắp cánh của người mộ điệu trên mọi miền đất nước. Bởi sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ, sự "tung hứng nhịp phách" đã giúp cho Dạ cổ hoài lang từ 20 câu nhịp đôi, trở thành vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và vọng cổ đã trở thành bài ca "vua" trên sân khấu cải lương (Ảnh: CĐ).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 9

Múa hạt muối nghĩa tình. Năm 2020, tỉnh Bạc Liêu đón nhận bằng chứng nhận "Nghề làm muối ở Bạc Liêu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa này, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

"Muối Ba Thắt vang danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh/Muối Bạc Liêu nặng nghĩa tình bởi gắn bó keo sơn/Trăm năm hạt muối Bạc Liêu/Long Điền sóng vỗ sớm chiều nhớ thương" (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 10

Các chàng trai, cô gái thể hiện di sản dân ca quan họ. Dân ca quan họ là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm; được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù. Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 11

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng. Ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 12

Nghệ thuật Bài Chòi ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy. Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Ngày 7/12/2017, nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 13

Đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang tỉnh Bạc Liêu khép lại với ca cảnh: Dạ cổ, Trăm năm gấm hoa, Thương lắm Bạc Liêu. "Bạc Liêu đất mặn tình người/Quê hương công tử em mời ghé thăm/Đền thờ Bác năm mươi năm/Di tích lịch sử tháng năm đượm tình/Đưa anh tiếp cuộc hành trình/Quán Âm Nam Hải kính tin nguyện cầu/Linh thiêng Bồ tát nhiệm mầu/Cứu người thoát khỏi lao đao đời thường/Thăm bác Sáu Lầu vấn vương/Dạ lang hoài cổ đêm trường xôn xao" (Ảnh: CR).

Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 14
Ấn tượng đêm khai mạc ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang - 15

Hàng ngàn người từ trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đã đổ về trung tâm TP Bạc Liêu để xem chương trình khai mạc và bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang. Nhiều người dân cho biết rất ấn tượng với đêm khai mạc nhiều sắc màu, góp phần làm cho ngày hội thêm không khí vui tươi, phấn khởi (Ảnh: Huỳnh Hải).