Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Dân ca quan họ, ca trù, nghệ thuật bài chòi... đã hội tụ cùng với đờn ca tài tử của Nam bộ trong ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 tại tỉnh Bạc Liêu.

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 1

Chiều 27/11, trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 tại tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này tổ chức không gian hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng miền trong cả nước. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh, công nhận thể hiện nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam (Ảnh: CR).

Nghe các vùng miền thể hiện di sản văn hóa ở Bạc Liêu (Video: Huỳnh Hải).

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 2

Nghệ thuật ca trù trong không gian văn hóa của Hà Nội. Ca trù có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Loại hình nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước. Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 3

Hát Bài Chòi trong không gian văn hóa của tỉnh Quảng Nam. Nghệ thuật Bài Chòi ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy. Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Ngày 7/12/2017, nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 4

Hát Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa tỉnh Bạc Liêu. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng và sự biến hóa theo cảm xúc của người thực hành trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bản nhạc cổ. Ngày 5/12/2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 5

Một du khách thưởng thức đàn T'rưng trong không gian văn hóa Tây Nguyên của tỉnh Gia Lai. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng. Ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 6

Các cô gái thể hiện dân ca quan họ trong không gian văn hóa của tỉnh Ninh Bình. Dân ca quan họ là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm; được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù. Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Di sản văn hóa phi vật thể hội tụ trong ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu - 7

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: "Có thể nói, di sản văn hóa là những báu vật của quốc gia và chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn. Đặc biệt, những di sản văn hóa được UNESCO công nhận phải được tôn tạo, giữ gìn và phát huy. Để từ đó, các di sản kết nối con người từ trong quá khứ, đến hiện tại và hướng tới tương lai, góp phần giúp chúng ta hun đúc cốt cách, hồn cốt dân tộc" (Ảnh: Huỳnh Hải).