Tổng quan bệnh Lỵ amip cấp
Bệnh lỵ amip cấp là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa do amip lỵ (Entamoeba histolytica) gây ra. Đây là một bệnh lý nhiễm ký sinh trùng trong đường ruột gây ra bởi các sinh vật đơn bào như Entamoeba histolytica (E.histolytica). Bệnh thường có tiến triển kéo dài và dễ trở thành mãn tính nếu không được điều trị đúng.
Amip lỵ thường gây tổn thương ở đại tràng. Mặc dù, hầu hết những người bị mắc bệnh lỵ do amip sẽ không có triệu chứng nghiêm trọng nhưng một số người lại có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng gọi là Hội chứng lỵ gồm 3 triệu chứng chủ yếu là: đau quặn bụng (đau bụng quặn từng cơn, thường là ở vùng hố chậu phải), mót rặn và đi ngoài “giả” (thường xuyên cảm giác mót rặn sau mỗi cơn đau quặn, đi ngoài phải rặn nhiều và nếu kéo dài có thể dẫn tới biến chứng trĩ hoặc sa niêm mạc trực tràng) và đi ngoài nhiều lần, phân nhầy máu....
Ruột già là nơi cư trú ưa thích của các ký sinh trùng. Do vậy, phân người bệnh là nguồn lây nhiễm quan trọng nhất. Đặc biệt là trong điều kiện vệ sinh kém, chúng có thể làm ô nhiễm nguồn nước. Trái cây và rau quả có thể bị nhiễm nếu được trồng ở những nơi phân người được sử dụng làm phân bón. Ký sinh trùng có thể được truyền từ bàn tay bẩn của những người bị nhiễm sang những người khác. Ruồi nhặng cũng là 1 tác nhân truyền bệnh nguy hiểm thông qua việc làm nhiễm bẩn thức ăn.
Khoảng 10% dân số thế giới bị nhiễm amip, đặc biệt là những người sống ở Mexico, Ấn Độ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và các khu vực nhiệt đới của châu Á. Ở các nước công nghiệp phát triển, bệnh lỵ do amip phổ biến ở trong những người nhập cư và du khách đến thăm các quốc gia mà có lưu hành dịch bệnh lỵ do amip.
Nguyên nhân bệnh Lỵ amip cấp
Là một dạng sinh vật đơn bào có tên khoa học là Entamoeba histolytica (E.histolytica), vòng đời của lỵ amip được chia làm 2 thời kỳ: thời kỳ hoạt động (còn gọi là chu kỳ tự dưỡng) và thời kỳ nghỉ (kén). Trong quá trình tồn tại, tùy theo điều kiện sống, amip lỵ có thể chuyển từ trạng thái hoạt động sang thể kén và ngược lại.
Con người là vật chủ duy nhất của amip lỵ. Do vậy nguồn gây lây bệnh chủ yếu là người bệnh; người mắc bệnh mạn tính; người mang mầm bệnh không triệu chứng. Đây là nguồn bệnh nguy hiểm. Người mắc bệnh cấp tính ít có khả năng lây nhiễm do amip thể hoạt động dễ chết khi ra khỏi ký chủ.
Triệu chứng bệnh Lỵ amip cấp
Có 3 thể lâm sàng của bệnh lỵ amip: người mang mầm bệnh không triệu chứng, bệnh lỵ amip cấp tính và bệnh lỵ amip mạn tính.
Ở thể lỵ amip cấp tính, bệnh có các biểu hiện lâm sàng như sau:
Thời kỳ ủ bệnh: kéo dài 1-2 tuần, có khi vài tháng.
Khởi phát: thường từ từ, đôi khi cấp tính. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, thường không có sốt hoặc nếu có cũng chỉ sốt nhẹ, người bệnh cảm thấy sức khỏe bình thường.
Giai đoạn toàn phát: hội chứng lỵ là tổn thương đặc trưng với các biểu hiện:
Đau quặn bụng: bệnh nhân đau âm ỉ dọc khung đại tràng, thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau quặn, thường ở hố chậu phải (vùng hồi manh tràng – đoạn cuối ruột non), kèm theo đó là cảm giác buồn đi ngoài, đi ngoài xong có giảm đau nhưng nhanh chóng xuất hiện đau lại.
Mót rặn: đi ngoài ngày từ vài lần đến chục lần. Khi đi ngoài, bệnh nhân không có cảm giác hết phân. Do vậy, bệnh nhân luôn có cảm giác buồn đi ngoài khiến bệnh nhân phải liên tục rặn (mót rặn). Hầu hết mỗi lần rặn , bệnh nhân đi ngoài ra phân có nhầy, máu. Tuy nhiên có những lần rặn, bệnh nhân không đi ngoài ra phân (đi ngoài giả). Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh.
Thay đổi tính chất phân: Vài ngày đầu phân thường lỏng, sệt, có ít nhầy và ít máu. Về sau, phân chủ yếu là nhầy, máu. Nhầy của phân lỵ amip trong như nhựa chuối, đứng riêng rẽ, không lẫn máu, dính bô.
Bệnh dễ tiến triển thành mãn tính nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng. Nhưng nếu được điều trị đúng hướng thì bệnh khỏi sau 7-10 ngày.
Biến chứng của bệnh lỵ amip cấp:
Viêm phúc mạc do thủng ruột: là biến chứng nguy hiểm do khó chẩn đoán bởi diễn biến của bệnh thường xảy ra từ từ và không điển hình. Viêm phúc mạc do lỵ amip thường do thủng đoạn hồi manh tràng (là đoạn cuối của ruột non) nên dễ nhầm lẫn với thủng ruột thừa. Viêm phúc mạc do thủng ruột ở bệnh nhân lỵ amip thường gây ra viêm phúc mạc khu trú, hay có diễn biến mãn tính và dày dính quanh manh tràng mạn tính.
Chảy máu ruột: thường gặp, nhưng thường ở mức độ nhẹ.
Áp-xe gan: do amip di chuyển đến gan và gây nên, các biểu hiện có thể bao gồm sốt, buồn nôn, nôn mửa và đau ở bên phải phần bụng trên, sụt cân nhanh và gan to.
Các biến chứng khác (hiếm gặp hơn):
u amip (amoeboma) đại tràng: thường ở manh tràng hoặc đại tràng lên, mất đi khi điều trị đặc hiệu diệt amip lỵ.
Polyp đại tràng: là nguyên nhân hay kích thích gây ung thư hóa nên cần phát hiện sớm và phẫu thuật sớm.
Sa niêm mạc trực tràng: thường sảy ra ở bệnh nhân lỵ amip mạn tái diễn nhiều lần.
Viêm ruột thừa do amip: thường nặng do chỉ nghĩ đến viêm ruột thừa đơn thuần nên không có chỉ định điều trị đặc hiệu diệt amip sau phẫu thuật.
Đường lây truyền bệnh Lỵ amip cấp
Bệnh lây qua đường ăn uống, người mắc bệnh do nhiễm phải nguồn thực phẩm hoặc thông qua tay nhiễm kén amip. Ruồi và nhặng là hai trung gian truyền bệnh quan trọng. Frye và Meleney (1936) cho thấy ¾ số lượng ruồi trong nhà người bệnh lỵ amip có mang bào nang.
E.histolytica thường đi vào cơ thể người khi họ ăn thức ăn hoặc uống nước có chứa nang của nó. Một cách khác để xâm nhập vào cơ thể là thông qua tiếp xúc trực tiếp với phân. Các u nang là một hình thức hoạt động của các ký sinh trùng có thể sống vài tháng trong đất hoặc môi trường nơi chúng được lắng đọng trong phân. Nang có thể được xuất hiện trong đất, phân bón hoặc nước bị ô nhiễm bởi phân.
Trong quá trình quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc thụt rửa đại tràng, bạn cũng có thể bị lây truyền bệnh.
Khi nang xâm nhập vào cơ thể, chúng sống trong đường tiêu hóa. Sau đó, các ký sinh trùng sinh sản trong đường tiêu hóa và di chuyển đến ruột già. Ở đó, chúng có thể chui sâu vào thành ruột hoặc ruột kết, gây ra tiêu chảy ra máu, viêm đại tràng và phá hủy các biểu mô. Còn nếu chúng xâm nhập một cơ quan nội tạng, chúng có khả năng gây ra:
Áp xe;
Nhiễm trùng;
Tình trạng bệnh nặng hơn;
Tử vong.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lỵ amip cấp tính, ví dụ như:
Các nước ở vùng nhiệt đới có điều kiện vệ sinh kém;
Những người đã đi du lịch đến các địa điểm ở vùng nhiệt đới có điều kiện vệ sinh kém;
Những người nhập cư từ các nước ở vùng nhiệt đới có điều kiện vệ sinh kém;
Những người sống trong các cơ sở có điều kiện vệ sinh kém, chẳng hạn như nhà tù;
Quan hệ đồng tính nam;
Những người bị suy giảm miễn dịch.
Phòng ngừa bệnh Lỵ amip cấp
Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng sau:
- Lâm sàng: bệnh nhân thường không sốt, có hội chứng lỵ (như mô tả ở trên);
- Nội soi đại tràng: niêm mạc ít xung huyết, lòng đại tràng có nhầy trong, có các ổ loét dạng cúc áo , rải rác trên bề mặt niêm mạc;
- Soi tươi phân thấy amip lỵ các thể tồn tại của amip lỵ;
- Các xét nghiệm huyết thanh (như ELISA) là không cần thiết;
- PCR có giá trị tương đương soi tươi.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lỵ amip cấp
Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường là chìa khóa để phòng tránh bệnh lỵ do amip. Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn vệ sinh ăn uống: bằng cách:
- Ăn chín, uống nước chín;
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn;
- Rửa trái cây và rau quả một cách cẩn thận trước khi ăn; tránh ăn các loại trái cây hoặc rau quả tươi sống, trừ khi đã được rửa sạch và gọt vỏ;
- Tránh sử dụng sữa, phô mai hoặc các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng khác;
- Tránh ăn các loại thực phẩm không vệ sinh ở đường phố;
Đặc biệt phải xử lý tốt nguồn nước uống và nguồn nước thải.:
Sử dụng nước đóng chai, nước giải khát không chứa cồn. Do nước uống khử bằng clore ở nồng độ uống được thì không đủ diệt amip. Vì vậy, tránh dùng đá cục ở các cơ sở chế biến đá hoặc uống nước ở đài phun nước. nên sử dụng nước lọc đã được nấu chín.
Quản lý người bệnh, nguồn phân : Bệnh nhân mắc bệnh lỵ amip phải được điều trị bằng thuốc điều trị đặc hiệu (tốt nhất điều trị nội trú tại bệnh viện), chỉ cho bệnh nhân ra viện khi soi phân 2 lần không phát hiện kén amip lỵ. Quần áo dính phân phải được giặt và khử trùng. Mọi người dân tuyệt đối không được đại tiện ra ngoài môi trường. Không được sử dụng phân tươi cho chăn nuôi và trong nông nghiệp.
Điều trị người mang kén amip lỵ : ở các nơi có bếp ăn tập thể như trường học, nhà trẻ, đơn vị bộ đội …, hoặc các nhà hàng ăn uống các nhân viên nhà chế biến và phục vụ ăn, uống phải được xét nghiệm phân định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện kén amip lỵ. Điều trị diệt kén và tạm thuyên chuyển vị trí công tác trong thời gian điều trị cho cá nhân mang kén.
Các biện pháp điều trị bệnh Lỵ amip cấp
Nguyên tắc trong việc điều trị lỵ amip cấp gồm có: điều diệt amip, điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng nếu có.
E.histolytica có thể dễ dàng bị tiêu diệt bằng các thuốc sẵn có trên thị trường như: kháng sinh nhóm nitroimidazoles; Emetin; …
Điều trị giảm đau và nhiễm khuẩn phối hợp;
Can thiệp phẫu thuật để giải quyết các biến chứng như: viêm ruột thừa, khâu lỗ thủng đại tràng, áp xe gan…