Tổng quan bệnh Viêm hậu môn
Viêm hậu môn là tình trạng vùng hậu môn, trực tràng bị viêm nhiễm gây đau và tạo cảm giác mót dù không có nhu cầu đi tiêu
Các biểu hiện bệnh có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và nhẹ hoặc diễn tiến cấp tính hay mãn tính
Viêm hậu môn có thể gặp ở mọi lứa tuổi kể cả viêm hậu môn ở trẻ em
Nguyên nhân bệnh Viêm hậu môn
Nguyên nhân gây viêm hậu môn đến từ tất cả các tác nhân gây thay đổi hệ tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa hay các bệnh lý đường tiêu hóa hay nhiễm các tác nhân như: nấm, ký sinh trùng, lao,…
Ngoài ra, một số nguyên nhân tiềm ẩn cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm hậu môn:
Viêm đường ruột dẫn tới 30% trường hợp viêm trực tràng
Nhiễm trùng qua đường tình dục đặc biệt là người quan hệ qua đường hậu môn, nhiễm trùng Salmonella, Shigella và Campylobacter cũng có thể gây viêm trực tràng
Xạ trị trực tràng hoặc vùng tuyến tiền liệt cũng có thể gây viêm niêm mạc trực tràng
Kháng sinh điều trị nhiễm trùng có thể giết chết cả vị khuẩn có lợi trong ruột, tạo điều kiện cho các khuẩn hại như Clostridium difficile phát triển gây viêm loét hậu môn
Viêm trực tràng do can thiệp phẫu thuật làm chệch hướng trực tràng cũng chính là hướng di chuyển của phân
Dùng thực phẩm protein gây viêm
Viêm do sự tích lũy bạch cầu ái toan trong niêm mạc trực tràng (chỉ ảnh hưởng đến trẻ dưới 2 tuổi)
Triệu chứng bệnh Viêm hậu môn
Viêm hậu môn thường có các biểu hiện sau:
Cảm giác mót thường xuyên hoặc liên tục dù không có nhu cầu đi tiêu
Trực tràng có biểu hiện đau, chảy máu hoặc có chất nhầy
Đau ở vùng trái của bụng kèm cảm giác đầy ở trực tràng
Tiêu chảy
Cảm giác đau khi đi vệ sinh
Viêm ngứa hậu môn cũng là một biểu hiện của bệnh
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm hậu môn
Đối tượng có quan hệ tình dục không an toàn: có nhiều bạn tình, quan hệ không sử dụng bao cao su, quan hệ bằng đường hậu môn và quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng có thể tăng nguy cơ viêm hậu môn
Người bị viêm đường ruột (viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn)
Người có thời gian xạ trị ung thư gần trực tràng, buồng trứng hoặc tuyến tiền liệt
Người có thói quen sinh hoạt không tốt: vệ sinh thân thể kém, nín đi cầu, ít uống nước, không ăn rau và trái cây, lười vận động, tính chất công việc ngồi lâu một chỗ
Sử dụng kháng sinh bừa bãi, không theo đơn
Đối tượng sử dụng thực phẩm protein gây viêm: trẻ uống sữa bò hoặc có nguồn gốc từ đậu nành, các bà mẹ ăn chế phẩm từ sữa
Phòng ngừa bệnh Viêm hậu môn
Hạn chế hoặc bỏ trà và cà phê vì đây chính là yếu tố thuận lợi gây táo bón kinh niên. Xây dựng chế độ ăn uống hàng ngày nhiều rau xanh và chất xơ, các loại thức uống trái cây xay tươi
Tích cực vận động thân thể bằng cách tập thể dục thường xuyên hoặc tham gia các môn thể thao (bóng bàn, bóng đá, cầu lông, chạy bộ, bơi lội)
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau không kê đơn (acetaminophen, aspirin, ibuprofen)
Tránh quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ qua đường hậu môn
Điều trị triệt để các bệnh lý viêm nhiễm và bệnh lý nội khoa toàn thân
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm hậu môn
Viêm hậu môn có thể biểu hiện ở nhiều bệnh lý nên có những chẩn đoán riêng biệt khác nhau
Viêm hậu môn do nứt hậu môn
Nguyên nhân do sang chấn tại chỗ gây căng giãn quá mức ống hậu môn (táo bón, phân khô cứng) tạo nên vết rách niêm mạc hậu môn
Trên lâm sàng chẩn đoán dựa vào vết nứt hậu môn: vết nứt cấp tính thường nông và mau lành nếu điều trị đúng, vết nứt mạn tính (kéo dài hơn 1 tháng) có thể gây viêm loét hậu môn sâu đến tận cơ thắt hậu môn
Bệnh nhân thường có biểu hiện đau nhiều mỗi khi đi cầu, đau kiểu thắt nhói kéo dài nhiều giờ kèm theo chảy ít máu tươi
Viêm ống hậu môn
Bệnh khởi phát với đau rát vùng hậu môn hoặc cạnh hậu môn, diễn tiến đau tăng kèm sưng nề nóng quanh hậu môn hoặc ống hậu môn
Triệu chứng toàn thân có thể có sốt, mệt mỏi
Vùng hậu môn nề nhẹ, đỏ đau, có thể có tổn thương rách phần niêm mạc ống hậu môn
Viêm tấy tầng sinh môn
Biểu hiện toàn thân: nhiễm trùng nặng, bệnh nhân ăn uống kém, mạch nhanh, tổng trạng gầy
Vùng tầng sinh môn phù nề, đỏ đau và có thể lan lên bẹn hoặc vùng mông, có thể hoại tử mô hay viêm mủ mô mềm vùng này
Áp-xe cạnh hậu môn
Là tình trạng có ổ mủ nhiễm trùng nằm cạnh hậu môn, trực tràng do các tuyến hậu môn nhỏ tiết nhầy bị tắc nghẽn nhiễm trùng bộc phát tạo thành ổ mủ
Bệnh nhân sốt và cảm giác mệt mỏi toàn thân
Triệu chứng thường gặp là đau dai dẳng quanh vùng hậu môn, đau cả lúc không đi cầu, đau lan ra xa, tăng khi ho. Bệnh nhân không dám đi nhanh, ngồi mạnh hay ngồi trên yên xe vì đau
Rò hậu môn
Là tình trạng các ống sưng lên xung quanh hậu môn, lỗ rò có thể bên trong hoặc bên ngoài hậu môn, phần lớn là do áp-xe quanh hậu môn phát triển lên
Triệu chứng toàn thân thường là biểu hiện viêm nhiễm cấp tính, bệnh nhân sốt cao, lạnh run
Triệu chứng điển hình là ở lỗ rò có mủ hoặc mủ lẫn máu, ở thời kỳ viêm nhiễm cấp tính mủ nhiều, có mùi hôi. Thời kỳ mạn tính mủ ít và loãng
Cảm giác sưng nề, thấy cứng ở đường viền hậu môn, khi đường rò không thông khối sẽ sưng to ra
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm hậu môn
Điều trị viêm hậu môn có nhiều phương pháp, phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và giai đoạn bệnh
Điều trị viêm hậu môn do nhiễm trùng
Sử dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus nếu nguyên nhân do nhiễm virus như virus herpes qua đường tình dục, sử dụng thuốc kháng virus như acyclovir (Sitavig®, Zovirax®)
Điều trị viêm do xạ trị
Những trường hợp viêm nhẹ do bức xạ có thể không cần điều trị
Trường hợp viêm gây đau dữ dội và chảy máu cần phải can thiệp
Dùng thuốc giúp kiểm soát tình trạng viêm và giảm chảy máu
Làm mềm và giãn nở phân giúp tống các chướng ngại vật trong ruột ra ngoài
Tiêu diệt các mô bị hư hỏng bằng đốt điện hoặc các biện pháp điều trị khác
Viêm hậu môn do bệnh viêm ruột
Chủ yếu sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm trực tràng hoặc phẫu thuật nếu thuốc không làm giảm các triệu chứng của bệnh, phẫu thuật nhằm loại bỏ phần hư hỏng của đường tiêu hóa