Tổng quan bệnh Loét hành tá tràng
Loét dạ dày là vết loét phát triển ở lớp lót bên trong dạ dày và phần trên của ruột non với triệu chứng phổ biến nhất là đau dạ dày. Loét dạ dày bao gồm:
Loét dạ dày xảy ra ở bên trong dạ dày
Loét tá tràng xảy ra ở phần trên của ruột non được gọi là loét hành tá tràng
Nguyên nhân phổ biến nhất của loét hành tá tràng là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), sử dụng lâu dài thuốc aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Căng thẳng và thức ăn cay không gây loét dạ dày nhưng chúng có thể làm cho các triệu chứng của người bệnh nặng hơn.
Vậy nguyên nhân loét hành tá tràng là gì và loét hành tá tràng có nguy hiểm không?
Nguyên nhân bệnh Loét hành tá tràng
Dạ dày tạo ra một loại axit mạnh giết chết vi trùng và giúp tiêu hóa thức ăn. Để bảo vệ bản thân trước axit này, các tế bào của dạ dày và tá tràng tạo ra lớp bảo vệ chất nhầy. Nếu lớp bảo vệ này bị hư hại, vết loét có thể hình thành. Nguyên nhân chính gây ra do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hay H. pylori. Vi khuẩn có thể làm cho niêm mạc tá tràng của người bệnh bị viêm và loét có thể hình thành.
Một số loại thuốc cũng có thể gây loét tá tràng, đặc biệt là các thuốc chống viêm như ibuprofen và aspirin. Hiếm khi, các loại thuốc hoặc bệnh khác có thể gây loét.
Có thể người bệnh dễ bị loét tá tràng nếu bạn hút thuốc, uống nhiều rượu hoặc bị căng thẳng, nhưng những điều này ít quan trọng hơn so với nhiễm H. pylori.
Triệu chứng bệnh Loét hành tá tràng
Nếu bị loét hành tá tràng, người bệnh có thể có các triệu chứng như sau:
Đau dạ dày hoặc bụng
Khó tiêu
Cảm thấy no và đầy hơi sau khi ăn
Cảm thấy mệt mỏi
Sút cân
Rất hiếm khi, loét có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nếu bị đau nhói ở bụng mà không hết hoặc chất nôn hoặc phân có máu hoặc màu đen, người bệnh hãy đến thẳng khoa cấp cứu gần nhất.
Biến chứng loét hành tá tràng
Nếu loét hành tá tràng không được điều trị có thể dẫn đến:
Chảy máu trong. Chảy máu có thể xảy ra do mất máu tiến triển từ từ dẫn đến thiếu máu hoặc mất máu nghiêm trọng dẫn tới phải nhập viện hoặc truyền máu. Mất máu nghiêm trọng có thể do nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen hoặc có máu.
Nhiễm trùng. Loét hành tá tràng có thể tạo lỗ xuyên qua thủng ruột non khiến người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng khoang bụng dẫn tới viêm phúc mạc.
Cản trở. Loét hành tá tràng có thể chặn đường đi qua thức ăn qua đường tiêu hóa, khiến người bệnh dễ bị đầy hơi, nôn mửa và giảm cân do sưng hoặc viêm do sẹo.
Đường lây truyền bệnh Loét hành tá tràng
Lây qua đường Miệng – Miệng: Vi khuẩn Helicobacter pylori được tìm thấy trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh, do đó chúng có thể lây từ người này qua người khác khi dùng chung đồ vệ sinh cá nhân, răng miệng, dùng chung bát đũa, muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con. Trẻ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có thể lây cho nhau.
Lây qua đường Phân – Miệng: vi khuẩn Helicobacter pylori có trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi vệ sinh tay không sạch sẽ khi đi tiêu và trước khi ăn, hoặc có thể nhiễm qua trung gian, côn trùng như ruồi, gián, chuột.. nếu không đậy kỹ thức ăn.
Dạ dày – Miệng : Nếu người có vi khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày thì khi bị trào ngược hoặc ợ chua có thể đẩy vi khuẩn lên trên miệng cùng với dịch dạ dày.
Dạ dày – Dạ dày : Đây là đường lây nhiễm này rất quan trọng bởi nó lây nhiễm trong quá trình người bệnh làm nội soi tại các cơ sở y tế. Khi nội soi dạ dày các bệnh nhân có vi khuẩn Helicobacter pylori , nếu vệ sinh đầu dò không đủ sạch, vi khuẩn Helicobacter pylori có thể nhiễm sang người không mang Helicobacter pylori.
Đối tượng nguy cơ bệnh Loét hành tá tràng
Trong khi các bác sĩ thường kê đơn thuốc chống viêm không steroid cho các tình trạng như viêm khớp, tuy nhiên thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ phát triển loét hành tá tràng. Ngoài ra còn có một số nhóm thuốc khác cũng làm tăng nguy cơ loét dạ dày, tá tràng và chảy máu bao gồm:
Thuốc điều trị loãng xương như alendronate (Fosamax) và risedronate (Actonel)
Thuốc chống đông máu, như warfarin (Coumadin) hoặc clopidogrel (Plavix)
Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
Một số loại thuốc hóa trị
Các yếu tố nguy cơ khác được biết là làm tăng nguy cơ phát triển loét hành tá tràng bao gồm:
Từ 70 tuổi trở lên
Uống rượu bia
Có tiền sử loét dạ dày
Hút thuốc
Chấn thương nặng về thể chất
Phòng ngừa bệnh Loét hành tá tràng
Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ phát triển loét hành tá tràng, nhưng có những điều sau có thể làm để giảm nguy cơ và ngăn ngừa bệnh:
Giảm liều lượng thuốc chống viêm không steroid hoặc chuyển sang một loại thuốc khác nếu dùng thuốc chống viêm không steroid thường xuyên. Khi dùng thuốc chống viêm không steroid, hãy dùng trong bữa ăn hoặc uống cùng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Tránh hút thuốc lá, vì hút thuốc lá có thể làm chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
Nếu được chẩn đoán có nhiễm vi khuẩn H. pylori, hãy uống tất cả các loại thuốc kháng sinh đã được kê đơn.
Tăng hoạt động thể chất. Tập thể dục thường xuyên có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch và làm giúp giảm tình trạng viêm ở hành tá tràng.
Rửa tay sau khi sử dụng phòng tắm và trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn.
Tránh thức ăn hoặc nước không sạch.
Không ăn bất cứ thứ gì khi chưa được nấu chín kỹ.
Tránh thức ăn được phục vụ bởi những người đầu bếp chưa rửa tay.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Loét hành tá tràng
Để chẩn đoán loét hành tá tràng, bác sĩ sẽ khám và khai thác tiền sử bệnh tật, triệu chứng hiện tại. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như sau:
Nội soi dạ dày hành tá tràng bằng cách sử dụng một ống mỏng có gắn camera ở phía đầu để nhìn trực tiếp vào bên trong dạ dày và tá tràng của người bệnh.
Xét nghiệm máu, mẫu phân hoặc xét nghiệm hơi thở để tìm hiểu xem người bệnh có nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không.
Nếu được chỉ định nội soi dạ dày hành tá tràng, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô đưa đi sinh thiết để kiểm tra xem người bệnh có nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không.
Các biện pháp điều trị bệnh Loét hành tá tràng
Nếu vết loét hành tá tràng là do vi khuẩn H pylori gây ra, phương pháp điều trị thông thường là 'triple therapy' nghĩa là người bệnh sẽ cần dùng 2 loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và một loại thuốc làm giảm lượng axit do dạ dày tạo ra.
Nếu không bị nhiễm H. pylori và người bệnh đang sử dụng thuốc chống viêm thì người bệnh sẽ cần phải ngừng sử dụng chúng (nếu có thể) và bắt đầu dùng thuốc để giảm sản xuất axit ở dạ dày.
Uống thuốc kháng axit, uống ít rượu và bỏ hút thuốc nếu bạn hút thuốc cũng có thể giúp ích.