Tiêu hóa
Nguyên nhân và cách điều trị bệnh trĩ sau sinh
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Việt Thắng - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Phụ nữ rất dễ bị mắc bệnh trĩ sau sinh do nhiều nguyên do. Đây là bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như tâm lý người mẹ. Lúc này, điều trị nội khoa bảo tồn là phương pháp được ưu tiên do phù hợp và an toàn hơn với phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, nếu mức độ bệnh trĩ sau sinh quá nặng thì cần can thiệp phẫu thuật.
1. Nguyên nhân mắc phải bệnh trĩ sau sinh
Lý do mà phụ nữ rất dễ bị bệnh trĩ sau sinh là từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Đã bị trĩ trước hoặc trong lúc mang thai, sau khi sinh con đã không chú ý giữ gìn sức khỏe của bản thân, điều này đã khiến cho bệnh trĩ có xu hướng diễn biến nặng hơn và gây những biến chứng như chảy máu, thuyên tắc búi trĩ.
- Trong quá trình thai sản và chuyển dạ, việc rặn đẻ không thực hiện đúng cách, điều đó đã làm tăng thêm áp lực lên ổ bụng đặc biệt là vùng tiểu khung (phần dưới của khung chậu), khiến cho búi trĩ dễ bị sa ra ngoài.
- Sau khi phụ nữ sinh con, phụ nữ bắt đầu áp dụng chế độ kiêng ăn khác nhau, một số chế độ ăn kiêng không phù hợp, ví dụ như ăn ít rau xanh hơn, hay ít uống nước đi... sẽ làm cho bệnh trĩ nặng lên.
- Những tháng cuối thai kỳ, thai nhi nhiều tháng cũng có khả năng gây chèn ép và sẽ cản trở đường về của các tĩnh mạch làm cho các đám rối trĩ bị căng phồng lên, điều đó là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ sau sinh.
- Bị mắc chứng táo bón sau khi sinh với tần suất thường xuyên có nguy cơ bị trĩ. Khi các búi trĩ lớn lên nhiều sẽ bị sa ra ngoài hậu môn, thường gọi là trĩ nội sa.
- Ngồi hoặc đứng quá nhiều hay ít di chuyển và vận động cũng là nguyên nhân gây trĩ.
- Phụ nữ bị viêm phế quản mãn tính hay bị dãn phế quản hoặc lao động nặng nhọc... sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng điều này làm cho nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn.
Chế độ ăn không phù hợp sau sinh dễ đến bệnh trĩ.
- Ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh có cơ địa tình trạng tăng đông máu. Do đó ở phụ nữ mang thai và sau sinh hay xảy ra biến chứng thuyên tắc búi trĩ.
2. Các dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh trĩ sau sinh
Các dấu hiệu của bệnh trĩ bao gồm:
- Đi đại tiện thấy máu
Khi bắt đầu, máu thường xuất hiện với số lượng tương đối ít và tần suất ra máu thưa thớt. Chúng ta chỉ có thể phát hiện ra hậu môn bị chảy máu khi chúng ta nhìn vào giấy vệ sinh đã sử dụng hoặc là nhìn thấy sự xuất hiện của tia máu có trong phân.
Giai đoạn sau, tình trạng bị chảy máu ở hậu môn diễn ra theo chiều hướng xấu đi. Máu chảy ra bắt đầu có xu hướng càng ngày càng gia tăng và với số lượng máu mỗi ngày một nhiều lên. Hơn thế nữa, khi mỗi lần phải đi đại tiện, bệnh nhân mắc bệnh trĩ có thể cảm thấy máu chảy theo tia một cách rất rõ ràng.
Đôi khi, máu từ búi trĩ sẽ bị chảy ra và có thể dẫn tới bị đông lại trong lòng của trực tràng, biểu hiện là đại tiện sẽ ra máu cục.
- Sa búi trĩ
Tùy theo các mức độ trĩ mà bệnh nhân cũng sẽ có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Khi bệnh trĩ ở với mức độ nhẹ (khoảng độ 1 hay độ 2) sẽ không gây nhiều khó khăn hay cản trở trong sinh hoạt thường ngày. Nhưng đối với búi trĩ khi đã bắt đầu sa độ 3 trở lên, thì bệnh nhân sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và bứt rứt khi đi đại tiện hoặc khi cần phải di chuyển nhiều, làm những việc công nặng.
- Ngứa hậu môn
Khi có dấu hiệu xuất hiện bệnh trĩ thì hậu môn sẽ trở nên vô cùng ngứa ngáy và khó chịu. Làm chúng ta thiếu tự tin khi ra ngoài giao tiếp.
- Khối sưng đau hậu môn
Đây là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân bị trĩ sau sinh. Triệu chứng này xuất hiện khi có hiện tượng thuyên tắc các búi trĩ ngoại hoặc khối trĩ nội sa bị nghẹt gây tắc mạch. Biểu hiện là một hoặc nhiều khối sưng quanh hậu môn giống như bông hoa, rất đau làm cho bệnh nhân không thể ngồi, đi lại hoặc sinh hoạt. Bệnh nhân mô tả mức độ đau của trĩ tắc mạch hoặc trĩ nội sa nghẹt hơn cả đau do chuyển dạ. Tình trạng này làm cho bệnh nhân rất khó chịu. Hiện tượng thuyên tắc búi trĩ hay gặp ở phụ nữ mang thai và sau sinh vì những yếu tố thuận lợi cho trĩ nặng lên và tình trạng tăng đông.
- Các triệu chứng của bệnh trĩ hoặc bệnh lý khác kèm theo
Đau hậu môn kèm táo bón và đi ngoài có máu dính phân hoặc dính vào giấy lau găp trong trường hợp bệnh nhân có kèm nứt kẻ hậu môn.Thêm vào đó, người bệnh trĩ sẽ có thêm nhiều biểu hiện nhỏ như bị chảy dịch nhày ở cửa hậu môn và các triệu chứng bệnh lý khác đi kèm theo như là bị viêm trực tràng hoặc có thể viêm da quanh hậu môn ...
3. Xử lý bệnh và cách chăm sóc bệnh trĩ sau sinh
Ngay khi nhận chị em nhận thấy có máu xuất hiện các triệu chứng kể trên thì chị em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Khi về nhà, để việc trị liệu được hiệu quả hơn, chị em nên thường xuyên ngâm hậu môn với nước muối ấm khoảng 15 phút mỗi ngày, rửa lại bằng nước sạch sau mỗi lần đi tiêu, chị em nên ăn nhiều rau xanh, quả tươi và chú ý uống đủ lượng nước mỗi ngày ít nhất là 1,5 lít nước; hạn chế tối đa việc ăn đồ ăn cay nóng hoặc chất kích thích; nên xoa bụng mỗi khi đi cầu; luyện tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày. Đồng thời, chị em tránh làm việc nặng hay đứng hoặc ngồi quá lâu ...
Bệnh trĩ sau sinh không khó để phát hiện, bởi dấu hiệu của nó rất dễ dàng nhận biết. Khi phát hiện ra bệnh trĩ sau sinh chị em hãy đến cơ sở y tế đảm bảo nhất để khám, giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả một cách tốt nhất.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.