1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung đột Azerbaijan-Armenia đe dọa hành lang năng lượng của chính Thổ Nhĩ Kỳ

Nguy cơ hàng lang năng lượng ở vùng Kavkaz và châu Âu có thể bị đe dọa nghiêm trọng là điều hiện hữu nếu xung đột giữa Azerbaijan và Armenia mở rộng.

Trong đợt bùng phát xung đột ở Nagorno-Karabakh vừa qua (bắt đầu từ ngày 27/9), phía Azerbaijan đã đưa các cáo buộc rằng các lực lượng Armenia đã cố tình tấn công các đường ống dẫn dầu khí xuất khẩu của Azerbaijan. Điều này đã làm dấy lên mối sợ hãi về tác động tiêu cực lên thị trường năng lượng và châu Âu khi cuộc chiến đã có từ hàng thập kỷ trước ở khu vực này bị châm ngòi trở lại.

Armenia đã phủ nhận các cáo buộc. Dù vậy các cáo buộc đó vẫn làm nổi bật lên các mối nguy cơ xuất từ cuộc xung đột xung quanh vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Xung đột Azerbaijan-Armenia đe dọa hành lang năng lượng của chính Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Bản đồ hệ thống đường ống dầu khí từ Azerbaijan sang Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: Thomas Blomberg/Eurasianet.

Khả năng tổn thương do chiến sự

Nguy cơ đó vượt ra ngoài cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Azerbaijan – nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí, sang các nước láng giềng sát sườn là Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Azerbaijan để đảm bảo cả việc sưởi ấm ở đô thị và phát điện. Hai nước Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ còn đứng trước nguy cơ bị mất đi nguồn phí trung chuyển đối với dầu khí đi qua đây để tới các thị trường khác.

Ngoài ra châu Âu cũng sẽ ngấm đòn này sẽ ra xung đột lớn gây gián đoạn đường dầu khí. Dầu thô của Azerbaijan còn được vận chuyển tới các thị trường toàn cầu, nên giá dầu trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Xung đột hiện nay về danh nghĩa là giữa Armenia và Azerbaijan, phía sau còn có các nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ (nước cung cấp vũ khí và bị cáo buộc cho lính đánh thuê Syria quá cảnh sang Azerbaijan), và Nga (cường quốc khu vực truyền thống và đồng minh quân sự của Armenia). Iran tiếp giáp biên giới với cả Armenia và Azerbaijan nhưng đang nỗ lực giữ trung lập.

Nhìn nhanh vào bản đồ mạng lưới đường ống dẫn dầu của khu vực này sẽ thấy được vấn đề.

Hai tuyến ống xuất khẩu chính của Azerbaijan - tuyến Baku-Tbilisi-Ceyhan và tuyến Nam Kavkaz (cả hai cùng được xây dựng vào đầu thập niên 2000 cùng với tuyến dầu Baku-Supsa), tất cả đều đi qua Gruzia thông qua một tuyến hành lang hẹp.

Khu vực hành lang nói trên nằm sát chiến sự Nagorno-Karabakh. Lực lượng Armenia được cho là đã phóng rocket vài lần vào thành phố Ganja của Azerbaijan trong tuần qua, còn phía Azerbaijan được cho là đã pháo kính vào thành phố Stepanakert – thủ phủ của “Cộng hòa Artsakh” tự xưng (còn gọi là “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”). Người ta lo ngại hàng trăm dân thường thuộc hai bên đã thiệt mạng.

Tác động lên Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Gruzia

Trong phương diện kinh tế, nếu nhìn rộng ra thì có khả năng phía Azerbaijan sẽ bị thiệt nhiều hơn trong xung đột lần này. Dầu khí chiếm tới 80% tổng số hàng xuất khẩu của quốc gia Nam Kavkaz này và chiếm tới 37% tổng GDP của nước này.

Đường ống bị hỏng do các vụ nổ có thể sửa nhanh chóng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các đường ống dầu khí từng bị phiến quân phá hỏng hàng chục lần, nhưng mỗi lần ngưng trệ cung dầu khí do sự phá hoại đó chỉ kéo dài không quá một tuần. Nhưng với Azerbaijan trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh thì việc thiếu hụt nguồn thu dù chỉ chút xíu cũng có thể gây áp lực lên sự ổn định chính trị tại đây.

Tác động từ việc cắt giảm xuất khẩu khí đốt từ Azerbaijan có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là vào cao điểm mùa đông. Nếu mùa đông sắp tới mà đặc biệt lạnh giá thì tình hình còn tệ hại nữa.

Nhà phân tích năng lượng khu vực John Roberts của “Hội đồng Đại Tây Dương” nói với tờ Eurasianet rằng “Gruzia phụ thuộc nặng nề vào khí gas Azerbaijan để phục vụ cả việc sưởi ấm và phát điện”. Gruzia có cơ sở hạ tầng để nhập khí đốt từ Nga nhưng quan hệ giữa Tbilisi và Moscow khá nhạy cảm, Moscow đã từng đe dọa cắt khí đốt khi quan hệ giữa đôi bên căng thẳng.

Tác động lên Thổ Nhĩ Kỳ còn nghiêm trọng hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ có 2 hợp đồng nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan lên tới 12,6 tỷ mét khối một năm, tương đương với khoảng 30% nhu cầu của nước này.

Ankara đã thành công trong việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt trong các năm gần đầy và hiện nay có tới 5 cảng riêng rẽ để nhập khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) bằng đường hàng hải. Họ đang phát triển cảng thứ 6 như vậy, giúp họ tận dụng mức giá LNG toàn cầu rẻ lịch sử.

Nhờ mức giá rẻ của LNG, Ankara có thể cắt giảm nhập khẩu khí của Nga, trong khi duy trì nhập khẩu khí của Azerbaijan và Iran.

Roberts giải thích rằng “Ankara không hề úp mở về việc họ giảm nhập khẩu khí đốt của Nga để gây sức ép lên Nga về việc cải thiện điều khoản hợp đồng mua khí đốt”.

Cả Nga và Azerbaijan đều đang cạnh tranh để chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu ngoài Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 1/2020, hãng Gazprom của Nga đưa vào hoạt động một đường ống xuất khẩu với công suất 15,75 triệu mét khối/năm, chạy từ Biển Đen qua Thổ Nhĩ Kỳ sang Bulgaria, từ đây Nga có kế hoạch đưa khí đốt vào Đông Nam châu Âu.

Trong khi đó Azerbaijan vào cuối năm sẽ đưa vào hoạt động đường ống xuyên Adriatic (TAP) 10 tỷ mét khối/năm đi qua Hy Lạp và Albania, vượt biển Adriatic sang Italy trước khi cung cấp khí cho mạng lưới đường ống của châu Âu.

TAP là đoạn cuối của “Hành lang Khí đốt phương Nam” mà EU lên kế hoạch xây dựng trong 2 thập kỷ để nhập nhập khí từ các kho dự trữ khí khổng lồ của Biển Caspi và cung cấp một sự thay thế cho khí đốt Nga.

Baku vẫn lạc quan về TAP có thể đi vào hoạt động như kế hoạch.

Ibrahim Ahmadov, phát ngôn viên của công ty dầu nhà nước SOCAR của Azerbaijan cho hay: “Cho tới nay, cả số lượng xuất khẩu lẫn lịch trình đưa TAP vào hoạt động vẫn chưa thay đổi. Chúng tôi đã mô hình hóa các kịch bản có thể xảy ra và áp dụng các biện pháp đề phòng cần thiết nhằm ngăn ngừa hoặc giảm các thiệt hại trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công nữa”./.

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh