1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Azerbaijan kêu gọi đầu tư tái thiết Nagorno-Karabakh hậu giao tranh ác liệt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vài tháng sau khi giành lại được quyền kiểm soát một phần Nagorno-Karabakh và các lãnh thổ lân cận, Azerbaijan đang có kế hoạch nhằm tái thiết khu vực, khắc phục hậu quả chiến tranh và thu hút đầu tư.

Azerbaijan kêu gọi đầu tư tái thiết Nagorno-Karabakh hậu giao tranh ác liệt - 1

Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov (Ảnh: Đức Hoàng)

Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 24/2 ở Hà Nội, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov đã cập nhật thông tin về tình hình của khu vực Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận sau khi Baku giành lại được quyền kiểm soát từ Armenia. 

Tháng 11/2020, với trung gian là Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh, lãnh thổ được cộng đồng quốc tế công nhận là của Azerbaijan, nhưng có phần lớn cư dân là người gốc Amernia.

Sau 6 tuần giao tranh, nhờ giành được lợi thế trên chiến trường, Azerbaijan đã đàm phán giành lại được quyền kiểm soát một phần vùng Nagorno-Karabakh và 7 khu vực lân cận mà Baku cáo buộc lực lượng quân đội Armenia đã hiện diện trái phép trong hàng chục năm.

Đại sứ Imanov cho biết hiện tại lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga là bên đang kiểm soát tình hình ở một nửa vùng Nagorno-Karabakh và Azerbaijan kiểm soát phần còn lại và các vùng lãnh thổ xung quanh.

Nhà ngoại giao khẳng định nếu Azerbaijan muốn toàn bộ người gốc Amernia rời khỏi khu vực này thì họ đã thực thi điều đó, nhưng mục tiêu của Baku là vẫn muốn người gốc Amernia sinh sống tại đây vì họ coi những người này là cư dân của Azerbaijan.

Ông Imanov khẳng định mục tiêu của Azerbaijan là hợp tác với các đối tác, trong đó có Amernia, để đảm bảo tuyến thông tin liên lạc và giao thông được mở, duy trì ổn định, để người dân sống trong hòa bình cũng như có thể giao lưu cùng nhau. Sau đó, Azerbaijan sẽ mở cơ quan nhà nước tại khu vực, và cung cấp hỗ trợ tài chính để tái thiết khu vực. Baku cam kết những người gốc Armenia sống tại khu vực sẽ được hưởng quyền lợi, tự do như tất cả các dân tộc khác đang sống ở Azerbaijan.

Hợp tác quốc tế nhằm tái thiết khu vực

Sau những tháng ngày giao tranh khốc liệt, khu vực Nagorno-Karabakh cũng như 7 vùng lãnh thổ xung quanh đã bị tàn phá nặng nề. Thách thức lớn nhất mà khu vực này đang gặp phải để có thể tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng là vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Dù cuộc chiến đã khép lại 100 ngày, nhưng Azerbaijan vẫn ghi nhận các trường hợp thương vong, chủ yếu là dân thường, do bom mìn.

Phía Azerbaijan mong muốn phía Amernia sẽ cung cấp bản đồ bom mìn đặt tại khu vực để việc tìm kiếm, rà phá được trở nên nhanh hơn. Ông Imanov cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ bạn bè quốc tế trong nỗ lực rà phá bom mìn.

Sau khi nỗ lực trên hoàn thành, Azerbaijan mong muốn các đối tác nước ngoài sẽ tới đầu tư, xây dựng và kiến thiết lại vùng đất hậu chiến tranh. Azerbaijan cam kết sẽ đưa ra những chính sách khuyến khích, ưu tiên và hỗ trợ đặc biệt cho các nhà đầu tư tới từ các quốc gia có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Baku.

Ông Imanov cho biết, hiện tại các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, Italia đã xuất hiện ở khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp từ các quốc gia khác như Anh cũng bày tỏ quan tâm đầu tư vào nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Nagorno-Karabakh và các khu lân cận.

Đại sứ Imanov cho hay, nước này lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh ở Nagorno-Karabakh và đây là những cơ hội đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Azerbaijan cũng đề xuất mô hình hợp tác đa phương 3+3 ở khu vực Kavkaz. Nhóm 3 nước đầu tiên là Azerbaijan, Armenia và Nga, nhóm 3 nước thứ 2 là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia. Azerbaijan kỳ vọng mô hình này sẽ trở thành hiện thực vì Baku hi vọng nó sẽ mang lại mối liên kết chặt chẽ, để các nước trong khu vực cùng phát triển thịnh vượng và sống trong hòa bình.

Cũng trong buổi họp báo, Đại sứ Imanov cũng đề cập tới vụ thảm sát Khojaly diễn ra vào ngày 25-26/2/1992, nhân kỷ niệm 29 năm sự kiện này diễn ra. Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia đã mở cuộc tấn công vào thị trấn Khojaly, thuộc khu vực Nagorno-Karabakh, sau đó giết hại hơn 600 dân thường.

Ông Imanov cho biết dù Azerbaijan nay đã giành lại quyền kiểm soát Khojaly, nhưng Baku muốn nhắc lại vụ thảm sát vì tin rằng những người gây ra vụ việc cần phải chịu trách nhiệm để công lý được thực thi cho các nạn nhân. 

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh