1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Putin cảnh báo Armenia: Rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn là tự sát

An Bình

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cứng rắn cảnh báo chính quyền Armenia rằng bất kỳ một động thái nào nhằm rút khỏi lệnh ngừng bắn với Azerbaijan do Moscow làm trung gian sẽ đồng nghĩa với tự sát.

Ông Putin cảnh báo Armenia: Rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn là tự sát - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Guardian)

Nhà lãnh đạo Nga đã lên tiếng về thỏa thuận ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia do Nga làm trung gian tại Nagorno-Karabakh, trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối thỏa thuận này và kêu gọi Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức đang lên cao tại thủ đô Yerevan của Armenia.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia về thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh, ông Putin đã được hỏi về việc một chính phủ mới lên nắm quyền có thể từ bỏ thỏa thuận. “Đó sẽ là một sai lầm lớn”, ông Putin cảnh báo.

“Một đất nước đang chiến tranh hoặc có nguy cơ nối lại các hoạt động thù địch, như đã xảy ra trong suốt 8 năm qua, không thể hành động như vậy nhằm chia rẽ xã hội từ bên trong. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được, phản tác dụng và cực kỳ nguy hiểm”, ông Putin nói.

Thỏa thuận đình chiến hoàn toàn, được ký kết hôm 10/11, được xem là một thắng lợi cho Azerbaijan sau cuộc chiến đẫm máu kéo dài 6 tuần khi nước này được nhượng bộ về lãnh thổ. Trong khi đó, thỏa thuận bị ví như "hành động đầu hàng" của Armenia và đã gây ra làn sóng biểu tình phản đối chính phủ của Thủ tướng Pashinyan.

Tổng thống Armenia đã yêu cầu tổ chức bầu cử sớm và sa thải ngoại trưởng trong tuần này liên quan tới thỏa thuận gây tranh cãi. Các cơ quan an ninh Armenia hồi tuần trước cũng cho biết họ đã phá một âm mưu ám sát nhằm vào Thủ tướng Pashinyan liên quan tới một chính trị gia đối lập và một cựu chiến binh.

Ông Putin cảnh báo Armenia: Rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn là tự sát - 2

Bản đồ phân chia khu vực Nagorno-Karabakh theo thỏa thuận do Nga làm trung gian (Đồ họa: Guardian)

Thủ tướng Pashinyan cho biết ông không có ý định từ chức, nhưng đã đưa ra một lộ trình chính phủ nhằm vượt qua khủng hoảng để “đảm bảo sự ổn định dân chủ của Armenia”. Kế hoạch gồm 15 điểm có việc trợ giúp những người bị thương trong cuộc chiến, hỗ trợ đưa người tị nạn Armenia trở lại Nagorno-Karabakh và kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Tất cả những bước đi này nhằm xoa dịu những người chỉ trích cho rằng chính phủ không hành động đủ mạnh để bảo vệ khu vực và người dân khỏi Azerbaijan.

Ông Pashinyan cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó có Nga, Pháp và Mỹ về số phận cuối cùng của Nagorno-Karabakh, mà người Armenia gọi là Artsakh. Lệnh ngừng bắn không đề cập tới những gì sẽ xảy ra với Stepanakert, thành phố lớn nhất của khu vực, và các lãnh thổ khác tại Nagorno-Karabakh sau khi quá trình triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga kết thúc sau 5 năm.

Ông Putin có mối quan hệ không thân thiết với Thủ tướng Pashinyan, người lên nắm quyền vào năm 2018 giữa làn sóng biểu tình phi bạo lực tại Armenia. Nhưng nhà lãnh đạo Nga đã giảm nhẹ các khác biệt khi ông cố gắng duy trì một thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan, các tham vọng ngày càng gia tăng trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ và sự tham gia lịch sử của Pháp và Mỹ. Nga cũng “nắn gân” các bên khác khi điều gần 2.000 lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực trong cuộc triển khai quân đáng chú ý nhất tại khu vực Nam Caucasus trong 1 thập niên qua.

Thỏa thuận ngừng bắn đã giải phóng các lãnh thổ mà Armenia từng giành được sau cuộc xung đột đẫm máu vào đầu những năm 1990. Hàng chục nghìn người gốc Armenia đã chạy khỏi Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận khi họ chuẩn bị chuyển giao quyền kiểm soát lãnh thổ cho phía Azerbaijan. Nhiều gia đình đã chất đồ đạc lên xe và một số người thậm chí đã tự tay đốt nhà trước khi rời đi.

Người dân tự tay đốt nhà trước khi Azerbaijan tiếp quản khu vực tranh chấp
Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh