Su-25 nghi của Azerbaijan bị bắn rơi ở Nagorno-Karabakh
(Dân trí) - Armenia tuyên bố tiêm kích Su-25 của Azerbaijan bị bắn rơi ở “điểm nóng” Nagorno-Karabakh. Azerbaijan đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Ngày 14/10, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo trên Twitter rằng hệ thống phòng không của lực lượng ở Nagorno-Karabakh đã bắn rơi tiêm kích Su-25 của Azerbaijan.
Vào cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, nhấn mạnh nước này không dùng máy bay quân sự trong giao tranh lần này.
Đây không phải là lần đầu tiên Armenia phát đi tuyên bố về việc Su-25 của Azerbaijan bị bắn hạ. Hôm 12/10, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cũng đưa ra tuyên bố tương tự và Azerbaijan vào cùng ngày cũng đã bác bỏ tin trên.
Azerbaijan hôm 14/10 cáo buộc lực lượng vũ trang Armenia đã tấn công vào các vị trí của Azerbaijan và buộc phía Baku phải đáp trả Yerevan để đẩy lùi cuộc tấn công. Azerbaijan tuyên bố phá hủy năm xe tăng T-72, ba hệ thống tên lửa BM-21 Grad YARS, một tổ hợp phòng không Osa-AKM, một súng phòng không KS-19, hai pháo D-30 và một số phương tiện của Armenia.
Vào cùng ngày, Armenia cáo buộc quân đội Azerbaijan tấn công khí tài quân sự trên lãnh thổ Armenia. Yerevan cảnh báo quân đội nước này có quyền tấn công đáp trả hệ thống vũ khí trên lãnh thổ Azerbaijan.
Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan kéo dài hàng chục năm qua liên quan tới khu vực Nagorno-Karabakh. Giao tranh bùng phát trở lại từ ngày 27/9 và hai bên đã thống nhất thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo vào ngày 10/10 với Nga là trung gian. Tuy nhiên, cả hai nước đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận từ đó tới nay và giao tranh đã diễn ra quyết liệt trở lại.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm nay cảnh báo nếu Armenia định tấn công vào đường ống dẫn dầu của Azerbaijan, Yerevan “sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14/10 đã kêu gọi đối thoại quân sự khẩn cấp giữa Armenia và Azerbaijan. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã điện đàm với người đồng cấp Armenia và Azerbaijan, theo Sputnik.