Ukraine sản xuất hàng loạt vũ khí có thể thay đổi cục diện chiến sự
(Dân trí) - Ukraine thông báo sẽ bắt đầu sản xuất đội quân robot trên mặt đất có thể thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, bao gồm tấn công tự sát.
Ukraine bắt đầu sản xuất hàng loạt các loại robot chiến trường có khả năng hoạt động như vũ khí tấn công tự sát, tháp pháo điều khiển từ xa, thiết bị rà phá bom mìn cũng như phương tiện sơ tán binh sĩ trên tiền tuyến. Kiev tự tin rằng loại vũ khí này có thể tác động tới diễn biến của cuộc chiến.
Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng phụ trách Đổi mới và Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, thông báo trên Telegram: "Việc sản xuất hàng loạt nền tảng robot trên mặt đất bắt đầu ở Ukraine. Brave1 đã thử nghiệm hơn 50 hệ thống tại bãi tập. Tất cả các chức năng đã được xem xét".
Brave1 là một nhóm các đơn vị phát triển công nghệ quân sự, do các cơ quan chính phủ Ukraine thành lập.
Theo ông Fedorov, các phiên bản robot thử nghiệm đã thể hiện khả năng tác chiến trên bãi thử và sẽ có mặt trên chiến trường trong vài tháng nữa với hàng trăm hệ thống khác nhau xuất trận.
Ông Fedorov tin chắc rằng các hệ thống robot trên mặt đất "sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi tiếp theo trong cuộc chiến với Nga".
Ông nói: "Đây là chiến thuật tác chiến bất đối xứng trước ưu thế về số lượng vũ khí của đối phương". Theo ông, Brave1 đã tạo ra hơn 140 robot và 96 trong số đó đã trải qua quá trình thử nghiệm, cũng như 14 loại đã được hệ thống hóa theo tiêu chuẩn của NATO.
Năm ngoái, ông Fedorov đã công bố dự án Đội quân tác chiến điện tử (EW) và Đội quân robot chiến đấu trong hội nghị Forbes Tech 2023 ở Lviv, miền tây Ukraine.
Theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.
Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.
Ông Fedorov trước đó đã đồng ý rằng thiết bị không người lái tấn công hoàn toàn tự động là "bước tiếp theo hợp lý và không thể tránh khỏi" trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết Ukraine đã và đang thực hiện "rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng này".
Trong khi đó, hồi đầu năm nay, Nga thông báo đã chế tạo và triển khai robot tên là "Turtle" để vận chuyển đạn dược cho quân đội trong khu vực chiến đấu. Đây được xem là robot đầu tiên trên thế giới thực hiện nhiệm vụ này.
Nga trước đây đã đưa vào sử dụng một robot chiến đấu có tên 'Marker', có thể tự động nhận dạng và tấn công các mục tiêu được chỉ định trước.
Sam Bennett, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ giải thích rằng máy bay không người lái và pháo binh đang gây ra nguy hiểm cho các hoạt động hậu cần, tiếp tế và sơ tán trên tiền tuyến ở Ukraine.
Đây là lý do vì sao các robot được dự đoán sẽ xuất hiện nhiều hơn trên tiền tuyến để thực hiện các nhiệm vụ có rủi ro cao tới tính mạng của binh sĩ.