Ukraine tiết lộ robot chiến đấu "thần chết chiến trường"
(Dân trí) - Kiev tiết lộ về robot chiến đấu mới được mệnh danh là "thần chết", dấu hiệu cho thấy công nghệ không người lái đang ngày càng phổ biến trong chiến sự Ukraine - Nga.
Theo Defense Express, Tiểu đoàn cơ giới độc lập số 1 Ukraine được trang bị các tháp pháo không người lái "Shablja". Tổ hợp này gồm súng máy 7,62mm gắn trên nền tảng không người lái có bánh xe.
Các robot chiến đấu này có thể tấn công bộ binh, xe bọc thép và các máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Theo kênh Hromadske, các robot chiến đấu này khi hiệp đồng tác chiến với UAV sẽ giúp tấn công đối phương hiệu quả và bảo vệ mạng sống của bộ binh Ukraine.
Đại diện của Tiểu đoàn cơ giới độc lập số 1 cho biết, robot này được mệnh danh là "thần chết chiến trường", và nó có thể gây ra hiệu ứng tâm lý cho Nga. Việc sử dụng robot chiến đấu cũng giúp Ukraine giảm bớt rủi ro thiệt hại về người.
Ngoài ra, những robot này có giá thành không đắt nếu so với những vũ khí hiện đại khác. Một robot như vậy trị giá 22.000 USD.
Ngoài có công dụng gắn tháp pháo lên trên, nền tảng không người lái cũng được thiết kế để giúp quân nhân vận chuyển vũ khí, trang thiết bị tới các điểm nóng.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov đã công bố dự án Đội quân tác chiến điện tử (EW) và Đội quân robot chiến đấu trong hội nghị Forbes Tech 2023 ở Lviv, miền tây Ukraine.
Theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.
Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.
Ông Fedorov trước đó đã đồng ý rằng thiết bị không người lái tấn công hoàn toàn tự động là "bước tiếp theo hợp lý và không thể tránh khỏi" trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết Ukraine đã và đang thực hiện "rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng này".
Về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không.