UAV Ukraine phá hủy robot quân sự của Nga ở "chảo lửa" Avdiivka
(Dân trí) - Ukraine tuyên bố UAV của nước này đã phá hủy một robot quân sự của Nga trên tiền tuyến, cho thấy trong tương lai, vũ khí không người lái sẽ ngày càng quan trọng.
Người điều khiển máy bay không người lái tự sát góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã phá hủy một robot quân sự Nga trong khu công nghiệp Avdiivka, điểm nóng chiến sự vùng Donbass.
Theo chuyên trang quân sự Militarnyi, Lữ đoàn cơ giới 110 của Ukraine đã công bố đoạn video ghi lại khoảnh khắc robot quân sự Nga nổ tung trên tiền tuyến sau khi chiếc UAV FPV lao vào.
Nga sử dụng robot trên để vận tải đạn dược cho binh sĩ trên tiền tuyến. Ukraine dường như đã sử dụng đạn PG-7 để phá hủy robot Nga. Đây vốn là đạn được sử dụng trên súng phóng lựu chống tăng RPG-7 nhưng Nga đã cải tiến để sử dụng trên các UAV.
Robot Nga bị nổ dường như là do hỏa lực của Ukraine và vụ nổ thứ cấp do số đạn mà nó mang theo.
Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, máy bay không người lái FPV được sử dụng làm máy bay cảm tử với nhiều đầu đạn khác nhau, cũng như thả đạn vào mục tiêu đối phương.
Vụ tấn công cũng cho thấy vũ khí không người lái có thể được xem là tương lai của tác chiến hiện đại, khi các bên sẽ không cần quân nhân để có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp, mà thông qua máy móc. Ví dụ, cuộc xung đột đã chứng kiến vai trò ngày càng quan trọng của máy bay, xuồng không người lái và giờ đây là robot trên mặt đất.
Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện, dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.
Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không.