1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine lên tiếng sau nghi vấn tài liệu mật của Mỹ - NATO bị rò rỉ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ukraine lên tiếng về thông tin của truyền thông Mỹ rằng, một tài liệu mật liên quan đến sự chuẩn bị của Kiev cho kế hoạch phản công bị rò rỉ trên mạng xã hội.

Ukraine lên tiếng sau nghi vấn tài liệu mật của Mỹ - NATO bị rò rỉ - 1

Một binh sĩ Ukraine ở Donbass (Ảnh: AFP).

New York Times đưa tin, một tài liệu được cho là mô tả kế hoạch của Mỹ và NATO cho Ukraine được cho đã bị rò rỉ trên mạng xã hội. Tài liệu xuất hiện từ 5 tuần trước, dường như cung cấp một cái nhìn tổng quan về thời gian, quan điểm của Mỹ và Ukraine kể từ ngày 1/3 và về những gì quân đội Ukraine có thể cần cho một chiến dịch phản công.

Ông Mykhailo Podolyak, một quan chức của văn phòng tổng thống Ukraine, ngày 7/4 nghi ngờ thông tin trong cái gọi là bản kế hoạch rò rỉ "giống chiến dịch tung thông tin sai lệch của Nga nhằm gieo rắc nghi ngờ về kế hoạch phản công của Ukraine".

Theo ông Podolyak, dữ liệu mà New York Times đăng tải chứa "một lượng lớn thông tin hư cấu". Ông nhận định rằng Nga đang cố gắng giành lại thế chủ động trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Đây chỉ là những động thái của tình báo Nga. Không có gì hơn thế", ông cho hay.

"Nga đang tìm mọi cách để giành lại thế chủ động. Cố gắng tác động đến các kịch bản cho các kế hoạch phản công của Ukraine. Đưa ra những nghi ngờ, thỏa hiệp, các ý tưởng, và cuối cùng là cảnh báo (chúng tôi) rằng họ đã có những thông tin", ông nghi ngờ.

Nga chưa bình luận về cáo buộc của quan chức Ukraine.

Trong khi đó, New York Times nói rằng, Mỹ dường như đang điều tra lý do vì sao tài liệu nêu chi tiết về kế hoạch cho quân đội Ukraine bị rò rỉ trên mạng xã hội.

Tài liệu không nêu kế hoạch tác chiến cụ thể như Ukraine sẽ phản công khi nào và ở đâu. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định tác chiến Nga, hay với các tướng lĩnh chiến trường và chuyên gia phân tích tình báo, tài liệu này nếu đúng sự thật thì được cho là khá hữu ích.

Ví dụ, một tài liệu dường như nêu chi tiết tỷ lệ Ukraine sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Washington viện trợ. Từ trước đến nay, Lầu Năm Góc không công khai số lượng đạn HIMARS mà Ukraine sử dụng.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine