Tranh cãi tính chính xác của đoạn video "soái hạm Nga bốc cháy"
(Dân trí) - Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội được mô tả là ghi lại khoảnh khắc soái hạm Moskva bốc cháy trên Biển Đen dường như là sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa.
Theo Newsweek, mạng xã hội trong thời gian qua xuất hiện một số đoạn video và hình ảnh được người đăng tải mô tả là ghi lại cảnh tàu tuần dương Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bốc cháy trước khi chìm xuống Biển Đen.
Trong số đó, có một đoạn video được chú thích là do phía Ukraine "quay từ xa bằng camera hồng ngoại" được đăng tải vào ngày 14/4, ngày mà Nga xác nhận Moskva bị chìm.
Liên quan tới đoạn video đăng hôm 14/4, báo The Quint (Ấn Độ) đã chỉ ra những điểm mà họ cho rằng đây là video không chính xác. Báo này đã tìm ra một đoạn video từ năm 2019 cho thấy 2 con tàu mang cờ Tanzania bốc cháy ở Biển Đen. Vụ việc xảy ra ở eo biển Kerch 3 năm trước đã khiến ít nhất 14 thủy thủ thiệt mạng và sự việc đã được nhiều báo đưa tin vào thời điểm đó.
Sau khi so sánh đoạn video năm 2019 và đoạn video hôm 14/4, The Quint phát hiện ra, đoạn video mới nhất đã bị thêm nền xanh và lật ngược so với đoạn video 3 năm trước.
Ukraine tuyên bố họ đã phá hủy tàu chiến Nga bằng 2 tên lửa, trong khi Nga nói rằng con tàu bị phá hủy do một vụ hỏa hoạn khiến kho đạn bị nổ. Sau đó, nó bị chìm khi đang được lai dắt về cảng. Moscow đang điều tra sự việc và chưa cung cấp thêm thông tin mới về con tàu.
Soái hạm Moskva được trang bị nhiều tên lửa chống hạm và đất đối không. Nó được thiết kế từ những năm cuối 1970 vào thời Liên Xô nhằm đối phó với các tàu sân bay của Mỹ. Moskva cũng được triển khai để thực hiện chức năng phòng không cho các tàu Liên Xô hoạt động ở các đại dương xa xôi. Vào thời điểm đó, nó được đặt biệt danh là "sát thủ tàu sân bay".