1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức mạnh tên lửa Ukraine tuyên bố dùng để bắn trúng soái hạm Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tên lửa mà Ukraine tuyên bố sử dụng để "đánh chìm soái hạm Nga Moskva" là một phần của hệ thống phòng thủ bờ biển được thiết kế để né tránh radar của đối phương.

Sức mạnh tên lửa Ukraine tuyên bố dùng để bắn trúng soái hạm Nga - 1

Tên lửa Neptune phóng thử năm 2019 (Ảnh: Business Insider).

Bộ Quốc phòng Nga cho đến nay vẫn khẳng định, vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra vào tuần trước trên tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, đã dẫn đến các vụ nổ kho đạn trên tàu và cuối cùng khiến con tàu bị chìm.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ đồng tình với tuyên bố của quân đội Ukraine rằng, tàu Moskva đã bị bắn hạ bởi hai tên lửa Neptune của Ukraine.

Theo các tài liệu do Luch, một đơn vị phát triển vũ khí thuộc sở hữu của nhà nước Ukraine công bố, Neptune là tên lửa phòng thủ bờ biển được thiết kế để tấn công tàu chiến của đối phương với tầm bắn lên tới 306 km.

Tên lửa Neptune được phóng từ các ống gắn sau xe tải cỡ lớn, có thể được bắn ở vị trí cách bờ biển khoảng 25 km, từ đó cho phép phương tiện này ẩn náu tốt hơn trước tàu và máy bay trinh sát của đối phương.

Mỗi xe tải có thể mang 4 tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune và có thể phóng trong vòng 15 phút kể từ khi xe vào vị trí. Sau đó, các xe tải, có khả năng di chuyển với vận tốc 64 km/h trên đường bằng, có thể nhanh chóng di chuyển đến vị trí khai hỏa mới.

Mỗi tên lửa Neptune mang đầu đạn nặng khoảng 150 kg và có tổng khối lượng khoảng 860 kg, khiến vũ khí này lớn hơn một chút so với tên lửa chống hạm Harpoon mà Hải quân Mỹ sử dụng. Neptune có khả năng tiêu diệt các mục tiêu có trọng tải lên tới 5.000 tấn.

Neptune có thể được triển khai trên tàu, trên bộ và bằng các bệ phóng trên không. Tên lửa này được lực lượng vũ trang Ukraine chính thức tiếp nhận vào tháng 8/2020 và đưa vào biên chế hồi tháng 3 năm ngoái, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Dự án phát triển tên lửa Neptune được khởi động từ năm 2014 sau khi Ukraine mất gần 80% số tàu hải quân trong sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Nó được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tên lửa hành trình do Nga chế tạo có tên là Kh-35.

Để né tránh các loại vũ khí được thiết kế nhằm phát hiện và bắn hạ tên lửa chống hạm, tên lửa Neptune bay ở tầm thấp - cách mặt biển chỉ khoảng 3-9m - khiến tên lửa này khó có thể bị phát hiện trên radar khi bay đến gần. Tầm bay thấp cũng rút ngắn thời gian mà tàu chiến đối phương kịp ứng phó với tên lửa đang bay tới.

Sức mạnh tên lửa Ukraine tuyên bố dùng để bắn trúng soái hạm Nga - 2

Tàu tuần dương Moskva (Ảnh: RT).

Các tàu tuần dương như Moskva có nhiệm vụ chính là phòng không, nghĩa là chuyên nhắm mục tiêu tới các máy bay chiến đấu của đối phương - những khí tài có khả năng đe dọa các tàu chiến uy lực như tàu sân bay.

Trong hải quân hiện đại, cả tàu tuần dương và tàu khu trục nói chung đều có thể tự vệ trước tên lửa hành trình chống hạm như Neptune. Các tàu này có thể triển khai tên lửa phòng thủ và súng tự động để bắn hạ Neptune, ngoài ra còn có các biện pháp gây nhiễu khiến tên lửa bắn trượt mục tiêu.

Hiện chưa rõ liệu tàu Moskva của Nga có phát hiện tên lửa đang bay tới, hay cố gắng tự vệ hay không.

Moskva là tàu chiến lớp Slava thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen và là một trong những tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga. Con tàu được hạ thủy năm 1979, được trang bị ít nhất 16 tên lửa đối hạm và nhiều tên lửa phòng không, ngư lôi, hệ thống pháo hạm tiên tiến. Thông thường, thủy thủ đoàn của Moskva gồm khoảng 500 người.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine