1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bài toán khó" của Nga khi soái hạm Moskva chìm xuống Biển Đen

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi tàu Moskva - soái hạm của Hạm đội Biển Đen - bị chìm, Nga đang đối mặt với thách thức là khó bổ sung chiến hạm tới khu vực này để thực hiện kế hoạch trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bài toán khó của Nga khi soái hạm Moskva chìm xuống Biển Đen - 1

Soái hạm Moskva chụp năm 2013 (Ảnh: Reuters).

Nikkei dẫn lời một quan chức Mỹ đưa tin, sau khi tàu tuần dương Moskva bị chìm hôm 14/4, Nga dường như đã ngay lập tức di chuyển 4-5 tàu còn lại trong Hạm đội Biển Đen xuống phía nam, giữ khoảng cách xa hơn với Ukraine trong nỗ lực bảo toàn lực lượng.

Ukraine tuyên bố đã bắn tên lửa vào Moskva khiến chiến hạm này bị chìm. Trong khi đó, Nga nói rằng hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu dẫn tới nổ kho đạn và con tàu đã chìm sau khi trúng bão khi được lai dắt về cảng. Nga cũng đang điều tra vụ việc và chưa lên tiếng về tuyên bố của Ukraine.

Nikkei cho rằng, việc Nga quyết định di chuyển các chiến hạm ra xa Ukraine hơn dường như cho thấy Moscow muốn tránh những rủi ro có thể xảy tới với những tàu chiến khác, trong bối cảnh họ đang đối mặt với thế khó ở Biển Đen.

Lý do của thế khó này chính là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO đang nắm tuyến đường độc đạo từ Địa Trung Hải vào Biển Đen thông qua 2 eo biển Bosporus và Dardanelles.

Bài toán khó của Nga khi soái hạm Moskva chìm xuống Biển Đen - 2

Hai eo biển Bosphorus và Dardanelles được xem là cửa ngõ để tàu Nga di chuyển từ Địa Trung Hải vào Biển Đen (Đồ họa: Al Jazeera).

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/2 đã tuyên bố ban hành lệnh cấm tàu chiến đi qua 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles. Cụ thể, Ankara đã kích hoạt Công ước Montreux, văn bản ký năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm các tàu chiến sử dụng 2 eo biển trên trong thời chiến, hoặc khi Ankara bị đe dọa.

Theo lý thuyết, nếu Nga muốn đưa thêm tàu chiến tới thay thế Moskva ở Biển Đen, hoặc rút 4-5 tàu từ Hạm đội Biển Đen ra Địa Trung Hải để đảm bảo an toàn, họ phải thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mở 2 eo biển.

Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), cho rằng vụ chìm tàu Moskva có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch quân sự của Nga.

"Nếu Nga vẫn muốn thực hiện cuộc đổ bộ vào Odessa hoặc duy trì hiện diện hải quân áp đảo để gây áp lực cho Ukraine, họ có thể sẽ cần phải đưa thêm chiến hạm tới Biển Đen, nhưng điều này sẽ không thể xảy ra vì điều đó đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vi phạm Công ước Montreux", ông Cagaptay nhận định.

Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói với Nikkei rằng, Ankara sẽ không bao giờ cho phép tàu chiến Nga đi vào Biển Đen khi chiến sự vẫn đang diễn ra.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hồi giữa tuần tuyên bố, nước này vẫn đang thực thi đầy đủ Công ước Montreux.

Chuyên gia Can Kasapoglu tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định việc Moskva bị chìm sẽ ảnh hưởng tới tính toán của Nga nếu họ muốn đổ bộ vào Odessa - thành phố chiến lược mà họ cần nắm giữ nếu muốn kiểm soát khu vực Biển Đen của Ukraine.

Odessa là thành phố lớn thứ 3 của Ukraine. Đây là thành phố chiến lược quan trọng giáp Biển Đen với cảng lớn nhất của Ukraine nằm ở đây. Trước đó, Nga đã giành được quyền kiểm soát thành phố cảng Kherson. Từ đây, Nga có thể tiến vào Odessa theo cả hướng trên bộ và cả hướng từ trên biển. Nếu thành công kiểm soát được Odessa, Nga có thể "cô lập" Ukraine khỏi vùng biển, trong bối cảnh, họ hiện đã chặn được Ukraine tiếp cận với Biển Azov. 

Theo Nikkei
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm