Tên lửa "sát thủ điểm huyệt" của Nga đã bị Ukraine khắc chế?
(Dân trí) - Ukraine được cho đã đánh chặn thành công tên lửa tàng hình Iskander của Nga trong cuộc tập kích gần nhất, vũ khí tấn công chính xác rất khó bị bắn hạ.

Tên lửa Iskander (Ảnh: Eurasian Times).
Vào đêm ngày 16/2, lực lượng Nga đã thực hiện các cuộc tấn công phối hợp vào cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Ukraine, nhắm vào các trung tâm hậu cần, cầu chiến lược, cơ sở năng lượng và sân bay.
Một trong những mục tiêu chính là cầu hỗn hợp Zatoka, một tuyến đường quan trọng kết nối Odessa với khu vực Budjak, đóng vai trò chiến lược trong việc vận chuyển vũ khí từ phương Tây vào Ukraine qua Romania.
Nga đã sử dụng hai tên lửa Iskander-M để tấn công cây cầu. Quả đầu tiên đã đánh trúng các cấu trúc hỗ trợ của phần đường, gây hư hại về kết cấu. Theo kênh Telegram thân Nga Iznanka, đánh giá ban đầu cho thấy khung cầu đã bị suy yếu.
Đáng chú ý, lực lượng Ukraine được cho đã vô hiệu hóa quả tên lửa Iskander-M thứ 2 bằng tác chiến điện tử, khiến nó phát nổ trên Biển Đen gần cây cầu.
Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với giao thông trên cầu Zatoka đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy vũ khí và đạn dược của NATO đến lực lượng Ukraine ở khu vực phía nam, đặc biệt là xung quanh Odessa.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đã chứng tỏ là một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong cuộc chiến tại Ukraine. Đường bay gần như đạn đạo của nó khiến radar khó phát hiện sớm, trong khi tốc độ cao ở giai đoạn cuối làm giảm đáng kể khả năng đánh chặn.
Ngoài ra, việc tên lửa có khả năng cơ động né tránh trong giai đoạn cuối khiến nó càng khó bị bắn hạ. Iskander-M được mệnh danh là "sát thủ điểm huyệt" vì khả năng tấn công chính xác rất cao, gây thiệt hại lớn và khó bị ngăn cản.
Vào tháng 3/2023, phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ignat thừa nhận rằng hệ thống phòng không Ukraine không thể đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo của Nga như Iskander-M, S-300 và Smerch. Các quan chức Ukraine kể từ đó đã nhiều lần nhấn mạnh sự khó khăn trong việc đánh chặn Iskander-M.
Đến tháng 8/2024, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi, báo cáo rằng tỷ lệ đánh chặn đối với tên lửa đạn đạo, bao gồm Iskander-M, Tochka-U và KN-23, chỉ đạt khoảng 4,5%.
Điểm yếu tiềm tàng của Iskander-M
Đặc tính bay của Iskander-M khiến nó rất khó bị đánh chặn bằng hệ thống phòng không. Tuy nhiên, nó có thể có một điểm yếu trước các biện pháp tác chiến điện tử là hệ thống dẫn đường radar ở giai đoạn cuối.
Tên lửa sử dụng kết hợp giữa dẫn đường quán tính và hệ thống định vị vệ tinh (SATNAV) như GLONASS để bay đến khu vực mục tiêu. Nếu các tín hiệu vệ tinh này bị gây nhiễu, khả năng xác định vị trí chính xác của tên lửa có thể bị ảnh hưởng, làm giảm độ chính xác của cuộc tấn công.
Ở giai đoạn cuối, Iskander-M chuyển sang một phương pháp dẫn đường chính xác hơn, dùng hình ảnh radar hoặc quang học, sử dụng để đối chiếu với hình ảnh mục tiêu đã được nạp trước khi bắn đi hoặc dẫn đường theo tín hiệu tần số vô tuyến thụ động (RF).
Nếu hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối bị vô hiệu hóa bằng tác chiến điện tử, tên lửa sẽ quay lại sử dụng dẫn đường quán tính và bằng vệ tinh để đánh trúng tọa độ cuối cùng được ghi nhận. Tuy nhiên, vì tín hiệu vệ tinh thường bị gây nhiễu trong khu vực mục tiêu, việc vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối có thể làm giảm đáng kể độ chính xác của cuộc tấn công.
Vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, các cảm biến quang học trở nên kém hiệu quả, buộc Nga phải sử dụng cảm biến radar. Điều này khiến Iskander-M dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp gây nhiễu RF, đặc biệt là khi kết hợp với gây nhiễu tín hiệu vệ tinh.
Theo giới quan sát, Ukraine có thể sử dụng kết hợp gây nhiễu chủ động (phát tín hiệu để làm nhiễu cảm biến RF) và các biện pháp thụ động như triển khai mồi nhử hoặc tạo mục tiêu giả để đánh lạc hướng tên lửa.
Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phương Tây trong lĩnh vực tác chiến điện tử, tiếp cận một số thiết bị và cảm biến tiên tiến nhất.
Gần đây, công ty quốc phòng Pháp Thales và Ukroboronprom đã thành lập một liên doanh tại Ukraine để phát triển các công nghệ phòng không, radar, hệ thống chiến tranh điện tử, liên lạc chiến thuật và hệ thống quang điện tử.
Mặc dù Ukraine thỉnh thoảng có thể đánh chặn thành công tên lửa Iskander-M bằng tác chiến điện tử, hiệu quả tổng thể vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thành công thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kỹ thuật gây nhiễu, điều kiện tầm nhìn, quỹ đạo bay của tên lửa và mức độ sẵn sàng của hệ thống phòng thủ Ukraine vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công.
Vì vậy, tuy Ukraine đã đánh chặn được một số tên lửa Iskander-M, nhưng tỷ lệ đánh chặn tổng thể vẫn tương đối thấp và đây sẽ vẫn là một trong những vũ khí uy lực hàng đầu của Nga trong thời gian tới.
Mặt khác, tác chiến điện tử luôn được cải tiến liên tục và với sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine có thể sẽ thúc đẩy giải mã đường bay của Iskander để ngăn chặn tên lửa nguy hiểm này.