1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Taliban sẽ làm gì với kho vũ khí tinh vi, đắt đỏ tịch thu của Mỹ?

Thanh Thành

(Dân trí) - Taliban đang khoe kho vũ khí trị hiện đại giá hàng tỷ USD thu được của Mỹ, nhưng vấn đề đặt ra là họ có thể sử dụng các vũ khí hiện đại, đắt đỏ này hay không.

Taliban sẽ làm gì với kho vũ khí tinh vi, đắt đỏ tịch thu của Mỹ? - 1

Một trực thăng Black Hawk của Mỹ hiện do Taliban quản lý (Ảnh: Twitter).

Khi Taliban nắm quyền kiểm soát trên khắp Afghanistan, nhóm này đã chiếm kho vũ khí thiết bị quân sự khổng lồ của Mỹ từng thuộc về các lực lượng Afghanistan.

Nhiều đoạn video quay tại các khu vực bị nhóm chiến binh chiếm được cho thấy, các chiến binh diễu hành khoe việc điều khiển súng do Mỹ sản xuất, xe bọc thép và thậm chí cả trực thăng và máy bay không người lái và trực thăng Black Hawk.

Ngoài những thiết bị hiện đại này, các chuyên gia còn lo ngại rằng Taliban giờ đây còn nắm luôn mảng công nghệ phức tạp, bao gồm các thiết bị sinh trắc học được quân đội Mỹ sử dụng để xác định những người Afghanistan hỗ trợ Mỹ và đồng minh.

Robert Crews, một chuyên gia về Afghanistan tại Đại học Stanford, cho biết Taliban đã sử dụng các thiết bị quân sự tinh vi mà họ tịch thu từ lực lượng an ninh Afghanistan trong những năm gần đây. "Họ đã sử dụng mọi thứ, từ kính nhìn ban đêm và ống ngắm cho đến súng bắn tỉa, xe bọc thép và pháo binh".

Ít nhất, việc tịch thu được công nghệ của Mỹ là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Taliban, lực lượng đã chiến đấu trong nhiều thập niên bằng vũ khí đơn giản và sống trong sự nỗi sợ hãi trước sức mạnh không quân và công nghệ của Mỹ.

Ibraheem Bahiss, chuyên gia tư vấn của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế và chuyên nghiên cứu về Taliban, cho rằng Taliban biết giá trị của vũ khí rất tinh vi này, nhấn mạnh là nhóm đã vận hành một lực lượng không quân hạn chế trong thời gian nắm quyền đầu tiên vào những năm 1990.

Đó là lý do mà theo ông, Mohammad Yaqoob, người đứng đầu lực lượng quân sự và là con trai của người sáng lập Taliban Mohammad Omar, đã công khai kêu gọi các chỉ huy của nhóm bảo vệ các sân bay. "Họ biết rằng các sân bay là một tài sản quân sự quan trọng mà họ cần phải bảo vệ".

"Tôi nghĩ nhiều khả năng Taliban sẽ giữ những vũ khí này để mở rộng năng lực quân sự, chống lại bất kỳ sự kháng cự tiềm tàng nào", ông Bahiss cho biết thêm.

18 tỷ USD để mua vũ khí

Theo văn phòng của Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), thiết bị vũ khí quân sự của Mỹ mà Taliban tịch thu được là một phần của dự án lớn nhằm tăng cường lực lượng an ninh Afghanistan trị giá 83 tỷ USD.

Từ năm 2005 đến nay, Mỹ giải ngân ít nhất 18 tỷ USD cho quân đội Afghanistan để mua "thiết bị quân sự và vận tải" cũng như nhiều tỷ USD khác để đào tạo và bảo dưỡng, theo một báo cáo của SIGAR gửi Quốc hội được công bố vào tháng trước.

Báo cáo cho biết, trước khi bị Taliban đánh chiếm, không quân Afghanistan có hơn 40 trực thăng MD-530 và hơn 30 trực thăng UH-60 Black Hawk do Mỹ sản xuất. Ngoài ra còn có hơn 23 máy bay huấn luyện kiêm tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano.

Chỉ trong quý gần đây nhất, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan hơn 212 triệu USD "các hạng mục thiết bị chính", bao gồm 174 chiếc M1151 HMMWV, hay còn được gọi là Humvees, với tổng chi phí riêng hạng mục này là 41 triệu USD.

Lực lượng Afghanistan cũng được các quốc gia khác cung cấp các thiết bị quân sự, bao gồm một số lượng lớn máy bay cũ của Nga.

Tại một cuộc họp báo hôm 17/8, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Mỹ không "có một bức tranh toàn cảnh" về số lượng vũ khí đã bị mất nhưng "chắc chắn một lượng lớn trong số đó đã rơi vào tay của Taliban".

Taliban có thể sử dụng chúng?

Trong thời kỳ bắt đầu nắm quyền của Taliban vào những năm 1990, giới lãnh đạo Taliban tỏ ra không mấy quan tâm đến các đặc quyền của cuộc sống hiện đại. Nhóm này cấm máy quay phim, băng cát sét và máy ảnh, và ít nhất ban đầu, họ đã cố gắng điều hành chính phủ bằng máy bộ đàm và giấy ghi chú.

Nhưng nhóm đã sử dụng thiết bị quân sự khi có thể. Trong những năm 1990, Taliban vận hành một lực lượng không quân nhỏ chủ yếu gồm các máy bay do Nga sản xuất, gồm khoảng 20 chiến đấu cơ MiG-21.

"Lực lượng không quân Taliban" này là tàn tích của một hạm đội hùng mạnh lần đầu tiên được thành lập vào năm 1919 bởi Vua Amanullah và phần lớn dựa vào chuyên môn của các phi công và kỹ thuật viên dưới sự kiểm soát của Taliban.

Ông Bahiss cho rằng, Taliban ngày nay có thể xây dựng lại không quân dựa trên kinh nghiệm đó và nói rằng, họ sẽ không bán số máy bay này để lấy tiền mặt mà giữ lại để mở rộng năng lực quân sự, chống lại bất kỳ sự kháng cự nào.

Taliban đã cho thấy mình sẵn sàng và sẵn sàng sử dụng vũ khí nhỏ và công nghệ khác do Mỹ sản xuất. Công nghệ phi vũ khí như Thiết bị phát hiện nhận dạng liên hợp cầm tay (HIIDE), các thiết bị có chứa dữ liệu sinh trắc học. Đã có những lo ngại Taliban có thể sử dụng những thiết bị này để tìm và trả thù những người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ và đồng minh.

Nhưng vấn đề là liệu Taliban có thể vận hành các thiết bị quân sự công nghệ cao của Mỹ hay không vẫn còn cần xem xét trong thời gian dài. Ví dụ, các máy bay Mỹ thường yêu cầu bảo trì phức tạp, mà ngay cả các quốc gia lớn khác cũng phải vật lộn với nó.

Nhà phân tích Joseph Dempse tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London (Anh), cho rằng Taliban sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì và vận hành những máy bay của Mỹ do sự phức tạp về công nghệ.

Taliban có thể sẽ gặp những vấn đề tương tự như các lực lượng vũ trang Afghanistan: nếu không có linh kiện để thay thế trong quá trình bảo trì (thường được các nhà thầu nước ngoài cung cấp), hầu hết công nghệ hiện đại của Mỹ sẽ nhanh chóng trở thành đống sắt vụn.

Theo ông Bahiss, vì vậy Taliban sẽ không có vội vàng đi theo chiến lược phụ thuộc vào công nghệ của các lực lượng vũ trang Afghanistan.