1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ hành trình trốn chạy "như phim" của cựu Tổng thống Afghanistan

Minh Phương

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời đất nước ngay trước khi Taliban kiểm soát Kabul hôm 15/8. Họ bị quản thúc tại Uzbekistan trước khi lên một máy bay tới UAE.

Hé lộ hành trình trốn chạy như phim của cựu Tổng thống Afghanistan - 1

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Ảnh: Reuters).

Bị quản thúc ở Uzbekistan

Nhật báo địa phương Hasht e Subh cuối tuần qua dẫn các nguồn tin thân cận đã hé lộ chi tiết hành trình cuộc trốn chạy khỏi đất nước của cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Nguồn tin cho biết, không lâu trước khi Taliban chiếm thủ đô Kabul mà không phải giao tranh hôm 15/8, ông Ghani cùng với các trợ lý và vệ sĩ của mình đã lên các trực thăng vốn dành cho các quan chức chính phủ trong trường hợp khẩn cấp. Theo nguồn tin, đây là 4 trực thăng phục vụ mục đích an ninh đặc biệt, luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào, bất kể là từ sân bay Kabul hay dinh tổng thống Afghanistan.

Các trực thăng chở gia đình ông Ghani và đoàn tùy tùng quyết định hạ cánh xuống sân bay Termez ở Uzbekistan gần biên giới Afghanistan bất chấp việc họ chưa liên lạc để được phía Uzbekistan cho phép.

"Phi công lái trực thăng của ông Ashraf Ghani đã không liên lạc với giới chức Uzbekistan, song vẫn thông báo cho các trực thăng còn lại rằng cho dù điều gì xảy ra thì họ cũng sẽ hạ cánh ở sân bay Termez bởi vì các trực thăng sắp hết nhiên liệu", nguồn tin thân cận nói.

Với quyết định này, 4 trực thăng lần lượt hạ cánh xuống một góc sân bay Termez. Theo nguồn tin, tổng cộng 54 người, trong đó có 22 phi công, sĩ quan kỹ thuật Không quân Afghanistan, 22 vệ sĩ và các quan chức chính phủ nước này đã hạ cánh xuống sân bay Termez. Không ai trong số họ có hộ chiếu.

Nguồn tin cho biết thêm, sau khi ông Ghani và đoàn tháp tùng hạ cánh xuống sân bay, họ đã bị bao vây bởi 200-300 sĩ quan biên phòng, binh sĩ của Uzbekistan - những người có trang bị súng và sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào. Họ bị giam giữ suốt 31 giờ, trong thời gian đó, binh sĩ Uzbekistan giám sát nhất cử, nhất động của ông Ghani.

"Đó là 31 giờ chờ đợi dài và đau đớn nhất đời tôi. Chúng tôi không có gì để ăn hay uống. Không có nhà vệ sinh. Hơn 200 binh sĩ Uzbekistan quản thúc chúng tôi với những khẩu súng trường sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào", một người trong cuộc cho biết.

Bí mật đến UAE

Cựu Tổng thống Afghanistan lần đầu tái xuất, tuyên bố tìm đường về nước

Đến ngày 16/8, tình hình diễn biến khả quan hơn. Một chiếc máy bay nhỏ màu trắng không có bất cứ ký hiệu nào đáp xuống sân bay Termez. Ông Ghani và phu nhân cùng cựu chính văn phòng tổng thống Afghanistan là những người đầu tiên lên chiếc máy bay 60 ghế ngồi đó. Đoàn tùy tùng cũng lần lượt lên máy bay với bụng trống rỗng và cũng không biết họ sắp đến đâu. Trên máy bay, sau hơn một ngày, họ mới được ăn uống một chút.

Nhật báo Hasht e Subh dẫn thông tin trên trang web Flight Radar cho biết, máy bay mang số hiệu chuyến bay FJK-1255 cất cánh từ sân bay Termez đến thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hôm đó là một máy bay của hãng hàng không Kazakhstan FlyJet.

Sau khi máy bay hạ cánh xuống Abu Dhabi, một số người đàn ông Ả rập tiến về phía đoàn của ông Ghani và đưa một số quan chức Afghanistan đi. Trái với ở Uzbekistan, ở đây, đoàn của ông Ghani được tiếp đón bằng những cử chỉ tôn trọng, được đưa đón bằng xe sang.

Người trong cuộc cho biết, kể từ khi ông Ghani rời sân bay, ông không nhìn thấy ông ấy hay các quan chức khác trong đoàn.

"Đến hôm 17/8, một số quan chức UAE gặp gỡ và hỏi chúng tôi dự định sẽ đi đâu. Họ nói rằng chúng tôi không thể ở lại UAE", người trong cuộc trên cho biết. Cuối cùng, một phần trong phái đoàn gồm các phi công, kỹ sư không quân Afghanistan không có giấy tờ tùy thân nào khác ngoài thẻ chứng nhận quân đội đã bị đưa đến một trại tị nạn dành cho công dân Afghanistan được Mỹ lập ra ở Abu Dhabi.

Đến ngày 18/8, Bộ Ngoại giao UAE ra thông cáo xác nhận, ông Ghani và gia đình đã được phép nhập cảnh vào UAE vì "lý do nhân đạo". Tuy nhiên, thông cáo không nêu chi tiết về điều kiện xin tị nạn của gia đình ông Ghani cũng như nơi ở chính xác của ông.