1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cho nổ căn cứ của CIA ở Afghanistan, tự phá hủy nhiều vũ khí

Minh Phương

(Dân trí) - Trước khi hoàn tất chiến dịch di tản khỏi Afghanistan, quân đội Mỹ đã tiến hành các vụ nổ có kiểm soát để phá hủy một căn cứ của CIA ở Kabul, phá hủy nhiều trang thiết bị, vũ khí.

Mỹ cho nổ căn cứ của CIA ở Afghanistan, tự phá hủy nhiều vũ khí - 1

Xe quân sự Mỹ tại sân bay ở Kabul, Afghanistan (Ảnh: Reuters).

New York Times ngày 27/8 dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, quân đội nước này đã tiến hành một vụ nổ có kiểm soát để phá hủy căn cứ Eagle, cơ sở cuối cùng của CIA gần sân bay Kabul, Afghanistan. Mục đích của việc này là đảm bảo không thiết bị hay tài liệu nào còn lại ở căn cứ này rơi vào tay Taliban.

Căn cứ Eagle ban đầu chỉ là một tiền đồn nhỏ, sau đó được phát triển thành một trung tâm rộng lớn dùng để đào tạo lực lượng chống khủng bố cho các cơ quan tình báo của Afghanistan. Đây cũng là một trong những lực lượng hiếm hoi còn lại tiếp tục chiến đấu chống lại Taliban khi chính phủ Afghanistan sụp đổ.

"Họ là một đơn vị đặc biệt, là một trong những lực lượng mà chính phủ Afghanistan dùng để chống lại Taliban suốt 20 năm qua. Họ là một trong những lực lượng cuối cùng còn chiến đấu và chịu nhiều tổn thất", Mick Mulroy, một cựu nhân viên CIA từng hoạt động ở Afghanistan, cho biết.

Người dân địa phương ở Afghanistan không biết nhiều về căn cứ này, một phần là bởi nó được bảo vệ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt và được thiết kế trở thành một căn cứ "bất khả xâm phạm". Căn cứ được bao bọc bởi các bức tường cao hơn 3 m, luôn trong tình trạng kín cổng, cao tường, cổng sắt chỉ mở ra và đóng lại rất nhanh khi xe ra vào. Các ô tô khi vào bên trong phải đi qua 3 chốt có máy quét an ninh.

Một cựu nhà thầu của CIA cho biết, việc san phẳng căn cứ này không hề dễ dàng. Ngoài ra, lực lượng của Mỹ cũng phải tiêu hủy các tài liệu, nghiền nát các ổ cứng và trang thiết bị nhạy cảm để chúng không rơi vào tay Taliban. Những nhiệm vụ này không đơn giản như việc một đại sứ quán đốt tài liệu nhạy cảm khi rời đi.
Trong một diễn biến liên quan khác, New York Times cho hay, các binh sĩ Mỹ đã phá hủy các hệ thống phòng không C-RAM và nhiều xe thiết giáp trước khi rút khỏi đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul.

"Dường như đám cháy đằng kia là radar của hệ thống phòng không C-RAM, họ đã đốt cháy nó. Họ đang tiêu hủy các ổ cứng máy tính", một nhà thầu chính phủ Mỹ nói trong video được quay từ khuôn viên đại sứ quán Mỹ ở Kabul công bố trong tuần này. Đoạn video dường như được ghi lại hôm 15/8, thời điểm Taliban bao vây và tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul.

Một nhà thầu dân sự khác cho biết, hệ thống C-RAM vốn được Mỹ triển khai để bảo vệ đại sứ quán, nhưng nay họ buộc phải phá hủy nó để tránh rơi vào tay Taliban. "Rất tiếc là phải phá hủy hệ thống này thay vì mang đi vì nó phải vận hành cho đến phút cuối cùng", nhà thầu trên cho hay. Ngoài ra, nhiều xe thiết giáp Oshkosh L-ATV và Lenco BearCat cũng bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa, sau đó bị bỏ lại khuôn viên của đại sứ quán Mỹ.

Mỗi hệ thống phòng không C-RAM có giá khoảng 10-15 triệu USD, chưa bao gồm chi phí trang bị pháo và chi phí vận hành. Trong khi đó, mỗi chiếc L-ATV có giá khoảng 250.000 USD với khung cơ bản, chi phí có thể lên 500.000 USD nếu tính cả hệ thống liên lạc, chống đạn và vũ khí đi kèm.

Ngoài số vũ khí trên, quân đội Mỹ cũng phá hủy một lượng lớn vũ khí ở sân bay Kabul. Tướng William Taylor, một thành viên Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết các chỉ huy quân sự tại sân bay có quyền quyết định phá hủy thiết bị nào. Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) hồi đầu tuần công bố hình ảnh lính Mỹ đang vô hiệu hóa hàng loạt vũ khí tại sân bay Kabul, trong đó có súng AK, M4, súng máy DShK, súng chống tăng RPG-7. Bất chấp những nỗ lực này, một lượng lớn vũ khí mà Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan đã rơi vào tay Taliban.

Taliban chiếm hàng loạt vũ khí do Mỹ sản xuất