Quốc gia NATO cảnh báo chặn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập liên minh quân sự
(Dân trí) - Croatia ra điều kiện cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và cảnh báo sẽ chặn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO nếu điều đó không được thực hiện.
Ngày 26/4, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic nhận định rằng, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể sẽ trở thành động thái khiêu khích Nga.
Ông Milanovic tuyên bố rằng Croatia sẽ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của 2 nước trên cho tới khi Mỹ và EU gây áp lực với nước láng giềng Bosnia-Herzegovina trong việc đảm bảo quyền bầu cử của nhóm dân số gốc Croatia.
"Chừng nào vấn đề luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina được giải quyết, chừng nào người Mỹ, người Anh, người Đức buộc Sarajevo cập nhật luật bầu cử trong 6 tháng tới và cấp cho người gốc Croatia các quyền cơ bản của họ, quốc hội Croatia không nên phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất cứ nước nào", ông Milanovic .
NATO không thể kết nạp thành viên mới vào liên minh mà không nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên hiện tại.
"Hãy để tổng thống và ngoại trưởng Mỹ lắng nghe điều này. Hãy xem họ có thể làm gì cho Croatia. Tôi cảm thấy đã quá đủ khi họ phớt lờ Croatia trong thời gian qua", ông Milanovic cho biết, nhấn mạnh rằng nếu các đồng minh Tây Âu và Mỹ muốn kết nạp 2 nước Bắc Âu, họ sẽ phải lắng nghe Croatia.
Ngoài vấn đề luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina, ông Milanovic liệt kê ra một số vấn đề khác mà Croatia không hài lòng, ví dụ như việc EU từ chối đưa Bulgaria và Romania vào Hiệp ước Schengen về tự do đi lại do, hay vấn đề liên quan tới Kosovo - vùng tự trị của Serbia…
Hai quốc gia theo đuổi chính sách trung lập trong hàng chục năm qua là Thụy Điển và Phần Lan đã có các động thái để có thể gia nhập NATO trong những tuần gần đây, viện dẫn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Động thái này nếu thành hiện thực có thể tiếp tục khiến căng thẳng an ninh ở châu Âu thêm leo thang khi Nga cảnh báo rằng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực, bao gồm triển khai vũ khí hạt nhân.
Croatia trở thành thành viên NATO năm 2009 và gia nhập EU vào năm 2013, thời điểm ông Milanovic giữ chức thủ tướng.