NATO rục rịch "đốt nóng" Bắc Cực sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine
(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, căng thẳng giữa Nga và NATO ở khu vực Bắc Cực sẽ có thể leo thang sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Tiếng súng vang vọng xung quanh khu vực vịnh hẹp Na Uy khi một nhóm binh sĩ Thụy Điển và Phần Lan nấp sau những đụn tuyết, huấn luyện với súng trường và bệ phóng tên lửa trên những ngọn đồi gần đó trong kịch bản chống lại cuộc tấn công của đối thủ.
Cuộc tập trận diễn ra vào tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên lực lượng 2 quốc gia Phần Lan và Thụy Điển lập ra một lữ đoàn để tham gia vào đợt diễn tập của NATO ở Bắc Cực mang tên. "Cold Response". Cả 2 quốc gia Bắc Cực này đều không phải thành viên NATO. Cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2 đã tăng thêm cường độ các bài tập.
"Tình hình an ninh trên toàn bộ châu Âu đã thay đổi và chúng tôi phải chấp nhận điều đó, chúng tôi phải thích nghi", Thiếu tá Thụy Điển Stefan Nordstrom nói với Reuters.
Phần Lan có đường biên giới 1.300 km với Nga. Trong một cuộc điện đàm ngày 28/3, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã hỏi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để biết chi tiết về các nguyên tắc và các bước để khối liên minh nhận thành viên mới. Các nhà lãnh đạo Phần Lan đã thảo luận về khả năng trở thành thành viên với "gần như tất cả" 30 nước NATO và sẽ đệ trình quốc hội xem xét phương án này vào giữa tháng 4, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói với Reuters.
Thụy Điển - quốc gia chưa từng trải qua cuộc chiến tranh nào từ năm 1814 - tỏ ra e dè hơn với việc gia nhập NATO. Tuy nhiên, một khảo sát do một đài truyền hình lớn của nước này thực hiện cho thấy 59% người được hỏi ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO nếu Phần Lan làm như vậy.
Hồi tháng 3, ông Stoltenberg tuyên bố NATO giờ đây sẽ chia sẻ mọi thông tin của khối liên minh về tình hình Ukraine cho cả Thụy Điển và Phần Lan. Cả 2 nước này thường tham gia các cuộc họp của NATO. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho biết điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 nước trên và các nước NATO chính là, điều khoản phòng thủ chung của khối chỉ được áp dụng các quốc gia thành viên NATO.
Ông Stoltenberg gần đây cũng nói rằng, nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin tham gia NATO, ông hy vọng khối này sẽ tìm cách đẩy nhanh tốc độ kết nạp.
Nga chưa bình luận về những thông tin nói trên, nhưng họ đã nhiều lần cảnh báo về việc này. Ngày 12/3, Nga nói rằng "sẽ có hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Stoltenberg từng tuyên bố rằng, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn NATO "xuất hiện ít hơn ở gần biên giới Nga" nhưng "NATO sẽ xuất hiện thêm" - diễn biến có thể khiến cho quan hệ NATO - Nga tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
Tính toán của Phần Lan và Thụy Điển
Với Phần Lan, trong hàng chục năm qua họ đã duy trì chính sách: Xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh mẽ và quan hệ thân thiết với Nga. Tuy nhiên, sau chiến dịch quân sự của Nga, số lượng người Phần Lan ủng hộ nước này gia nhập NATO đã ghi nhận mức gia tăng đáng kể.
Thụy Điển, quốc gia lâu năm đi theo đường lối trung lập, cũng ghi nhận thái độ cảnh giác cao hơn trước các động thái diễn ra ở châu Âu những năm qua. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Thụy Điển đã tăng tốc tái vũ trang và tăng cường sức mạnh quân sự trên đảo Gotland, gần trụ sở của Hạm đội Baltic của Nga.
Hồi đầu tháng, Thụy Điển tuyên bố sẽ tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP và đang tân trang lại mạng lưới các boongke khẩn cấp để trú ẩn trong kịch bản chiến sự có thể nổ ra.
Khác với Phần Lan - quốc gia đang cân nhắc việc gia nhập NATO, Thụy Điển vẫn đang xem xét lại chính sách an ninh. Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền không ủng hộ việc gia nhập NATO, nhưng 4 đảng đối lập có quan điểm ngược lại.
Từ ngày 24/2, Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vì Kiev muốn gia nhập NATO và Moscow cho rằng điều này ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của họ.
Nga cho rằng, NATO đã phớt lờ những quan ngại an ninh của Moscow hàng chục năm qua. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng tuyên bố: "Hàng chục năm qua, chúng tôi nói với liên minh quân sự của phương Tây rằng chúng tôi quan ngại việc NATO mở rộng về phía Đông. Chúng tôi cũng quan ngại việc NATO đưa các hạ tầng quân sự ngày càng gần các biên giới của chúng tôi. Hãy lưu tâm đến những điều này. Đừng dồn chúng tôi vào chân tường".
"Sau đó, chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi không hài lòng với kịch bản Ukraine gia nhập NATO, bởi vì điều đó sẽ làm tăng mối đe dọa an ninh với chúng tôi, sẽ phá vỡ cân bằng răn đe ở châu Âu. Họ tiếp tục không phản ứng. Khi chúng tôi muốn có một mối quan hệ bình đẳng, muốn tính đến mối lo ngại của nhau. Vẫn hoàn toàn không có phản ứng nào", ông Peskov cho biết.
Với việc NATO dường như đang "bật đèn xanh" cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, liên minh này dường như lại tiếp tục "đốt nóng" cuộc cạnh tranh với Nga ở khu vực Bắc Cực và có thể khiến cho an ninh châu Âu trở nên phức tạp hơn.