DMagazine

Vì sao Thụy Điển - Phần Lan gấp rút "lên dây cót" gia nhập NATO?

(Dân trí) - Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia có truyền thống trung lập, đã công khai bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO, bất chấp cảnh báo của Nga về việc liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu mở rộng lãnh thổ.

VÌ SAO THỤY ĐIỂN - PHẦN LAN GẤP RÚT "LÊN DÂY CÓT" GIA NHẬP NATO?

Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia từ lâu có truyền thống trung lập, giờ đây công khai bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO, bất chấp cảnh báo của Nga về việc liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tìm cách mở rộng lãnh thổ.

Vì sao Thụy Điển - Phần Lan gấp rút lên dây cót gia nhập NATO? - 1

Ngoại trưởng Phần Lan, Ngoại trưởng Thụy Điển và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại một sự kiện ngày 24/1 (Ảnh: AFP).

Xung đột quân sự đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine không chỉ là câu chuyện riêng của hai thực thể chính trị vốn từng là hai quốc gia thành viên lớn mạnh nhất của Liên bang Xô Viết, mà có hệ quả lớn hơn nhiều. Cuộc chiến đã thật sự thay đổi cấu trúc an ninh khu vực châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, khi cuộc xung đột này kích hoạt một loạt phản ứng an ninh của các quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt, địa chính trị khu vực sắp tới sẽ nhiều thay đổi, có thể góp phần dẫn đến những kịch bản đáng lo ngại hơn trong thời gian sắp tới.

Các quốc gia vốn có lịch sử lâu dài về sự không liên kết và trung lập về an ninh và quốc phòng như Phần Lan và Thụy Điển hiện nay đã bày tỏ công khai muốn gia nhập khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm 30 quốc gia thành viên. Điều này sẽ tạo ra những căng thẳng và điểm nóng mới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng đối với việc mở rộng về phía Đông của khối NATO, sát biên giới với Nga.

Liệu đây có phải là một khuynh hướng vội vã khi trong nhiều thập niên qua Phần Lan và Thụy Điển đã chọn không liên kết quân sự và không liên kết với NATO? Niềm tin trước đây của chính phủ các nước này là hòa bình được duy trì tốt nhất bằng cách không công khai chọn bên. Tuy nhiên, kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, dư luận hai quốc gia đã thay đổi đáng kể, khiến mong muốn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo có khuynh hướng xem việc trở thành một phần của khối liên minh quân sự sẽ giúp đảm bảo an ninh.

Trong cuộc họp báo chung cùng người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson tại thủ đô Stockholm, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết "mọi thứ đã thay đổi" vào ngày 24/2 khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phần Lan phải "chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga", và việc chuẩn bị cho bất kỳ hành động khả dĩ nào đó từ Nga là trở thành thành viên chính thức của NATO, mặc dù Phần Lan và Thụy Điển không phải không có mối quan hệ gần gũi với khối này. Hiện nay cả hai quốc gia đều là "Đối tác Cơ hội Nâng cao" của NATO. Vai trò đối tác có nghĩa là hai quốc gia có sự hợp tác chặt chẽ với NATO cũng như thường xuyên tập trận và trao đổi thông tin tình báo với các thành viên NATO.

Thủ tướng Phần Lan cho rằng "sự khác biệt giữa trở thành đối tác và thành viên là rất rõ ràng" và "không có cách nào khác để có được sự đảm bảo an ninh hơn là dưới sự ngăn chặn của NATO và sự phòng thủ chung như được đảm bảo bởi điều 5 của liên minh". Điều 5 hiến chương NATO tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào một thành viên NATO được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Andersson cho biết "không có ích lợi gì" khi trì hoãn phân tích về việc Thụy Điển có phù hợp để xin gia nhập NATO hay không. "Có một thời điểm trước và sau ngày 24/2", bà Andersson nói, đề cập đến ngày Nga tiến hành đưa quân vào Ukraine. "Đây là thời điểm rất quan trọng trong lịch sử".

PHẢN ỨNG CỦA NGA

Vì sao Thụy Điển - Phần Lan gấp rút lên dây cót gia nhập NATO? - 2

Lực lượng Nga tại Đông Ukraine (Ảnh: Getty).

Tất nhiên, Nga không chịu ngồi yên khi bất kỳ việc kết nạp thêm thành viên mới vào NATO ở khu vực địa lý gần với Nga sẽ được coi là một hành động đe dọa trực tiếp an ninh của mình. Moscow đã nhiều lần cảnh báo cả hai nước ở khu vực bán đảo Scandinavia không tham gia NATO và coi bất kỳ động thái nào như vậy là hành động khiêu khích. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình. Ông Peskov không nói rõ biện pháp của Nga là gì, nhưng nhiều người đồn đoán về việc Nga sẽ tăng cường tích trữ vũ khí hạt nhân ở biển Baltic, sát với Phần Lan và Thụy Điển.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong tuyên bố gần đây của ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, thì Nga sẽ phải tăng cường các lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở khu vực biển Baltic - nơi Nga có vùng đất Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva. Ông Medvedev, người giữ chức Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, cảnh báo không thể có một khu vực Baltic mà "không có hạt nhân".

PHẢN ỨNG CỦA NATO

Vì sao Thụy Điển - Phần Lan gấp rút lên dây cót gia nhập NATO? - 3

Các binh sĩ NATO tập trận (Ảnh: AFP).

Phần Lan và Thụy Điển có thể tạo ra lịch sử khi từ bỏ vai trò trung lập bằng cách thay đổi khái niệm làm thế nào để gìn giữ hòa bình cho quốc gia. Họ có thể khiến các quốc gia trung lập khác phải suy nghĩ lại. Thế giới không còn như cũ sau ngày 24/2.   

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng các đơn đăng ký của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được hoan nghênh, cũng như sự ủng hộ từ các thành viên chủ chốt của NATO như Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Tuy nhiên, mọi đơn xin gia nhập thành viên đều phải được chấp nhận đồng thuận bởi tất cả 30 quốc gia NATO hiện này. Quá trình này được coi có thể mất từ 4 tháng đến một năm. Khi đó cuộc xung đột Nga - Ukraine nhiều khả năng chưa chấm dứt hoàn toàn.

Dù cho Phần Lan và Thụy Điển quyết định có nộp đơn vào các tuần tới hay không, thì hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 6 tới diễn ra tại Madrid sẽ được coi là mốc quan trọng định hình cho cấu trúc an ninh cũng như bối cảnh sức mạnh mới của châu Âu, khi NATO sẽ đưa ra chiến lược an ninh mới định hướng cho họ trong thập niên mới.

Do hiện là Đối tác Cơ hội Nâng cao của NATO, Phần Lan và Thụy Điển đã có mức độ tương tác quân sự đáng kể và đủ sâu với các quốc gia NATO. Các binh sĩ Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia vào chiến dịch quân sự do NATO dẫn đầu ở Afghanistan. Ngoài ra, cả hai quốc gia đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ về trang thiết bị và huấn luyện kể từ năm 2015. Do đó, vấn đề hiện nay không phải là về vấn đề kỹ thuật, mà chính là liệu việc Phần Lan và Thụy Điển có vượt qua các di sản lịch sử cũng như các cảnh báo từ Nga để gia nhập NATO hay không. 

DƯ LUẬN TẠI PHẦN LAN - THỤY ĐIỂN 

Diễn biến chính trị ở Phần Lan và Thụy Điển cho thấy việc gia nhập NATO không chỉ được sự ủng hộ từ các chính trị gia mà từ đa số dư luận. Cách đây 5 năm, trong một cuộc thăm dò năm 2017 chỉ có 21% dân Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO, nhưng một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 cho thấy có tới 62% công dân Phần Lan hiện ủng hộ việc tham gia liên minh và chỉ có 16% phản đối động thái này. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy quan điểm gần như giống hệt nhau giữa các nghị sĩ Phần Lan. Các đảng lớn, vốn có truyền thống phản đối việc gia nhập NATO như đảng Trung tâm và đảng Dân chủ Xã hội, đang xem lại lập trường của họ.

Một cuộc thăm dò ở Thụy Điển sau cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy khoảng 59% dân số ủng hộ gia nhập NATO. Các đảng đối lập trung hữu có truyền thống ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, và đảng Dân chủ Xã hội, theo đường lối trung tả, đang cầm quyền trong một chính phủ thiểu số độc đảng, hiện đang xem xét lại quan điểm trước đây từng phản đối gia nhập NATO của họ.

Vì sao Thụy Điển - Phần Lan gấp rút lên dây cót gia nhập NATO? - 4

Bản đồ khu vực Phần Lan - Thụy Điển (Ảnh: FT).

Điều này cho thấy khuynh hướng ngày càng đồng nhất quan điểm trong các đảng chính trị khác nhau về tương lai gia nhập NATO. Bất chấp tình trạng chính trị trong nước ủng hộ khác nhau, nhưng cả Thụy Điển và Phần Lan đều khẳng định họ muốn nộp đơn cùng nhau. Đây được coi là một cách khôn ngoan cho cả hai quốc gia trong việc tránh một cuộc trừng phạt nếu có từ Nga, vì chi phí cho Nga lúc đó sẽ cao hơn nếu leo thang căng thẳng. Nếu các quốc gia nộp đơn gia nhập riêng rẽ thì sẽ dễ bị tổn thương trước những nỗ lực của Nga nhằm gây sức ép buộc họ từ bỏ ý định như Ukraine đang trải qua.  

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển và Phần Lan được coi là các quốc gia trung lập vì những lý do khác nhau. Sau hơn một thế kỷ bị Nga của các Sa Hoàng cai trị, Phần Lan tuyên bố độc lập vào năm 1917 nhưng sau đó Phần Lan lại trải qua một quá khứ đầy xung đột với Liên Xô trong Thế chiến II cho đến khi hòa bình được lập lại vào năm 1948 khi hai nước ký kết Hiệp định Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ. Kể từ đó, Phần Lan tuyên bố trung lập như một phần của chính sách đối ngoại thực dụng với một quốc gia láng giềng to lớn hơn để tránh phiền phức không đáng có. Trong khi đó, Thụy Điển đã cố gắng tránh khỏi các cuộc chiến tranh trong 200 năm qua và duy trì vai trò trung lập.

Có lẽ Phần Lan và Thụy Điển đang cảm thấy rõ một thực tế của chủ nghĩa sức mạnh trong quan hệ quốc tế. Nước yếu, nếu đứng một mình, phải chịu nhiều hạn chế trong chính sách đối ngoại cũng như sự o ép từ các quốc gia mạnh hơn. Sự giúp đỡ hạn chế của NATO đối với Ukraine, một quốc gia không phải thành viên của khối, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine nhằm tránh cuộc chiến lan rộng ra toàn châu Âu khi các quốc gia phương Tây không muốn đối đầu trực tiếp với Nga đã cho thấy tầm quan trọng của tư duy phòng thủ tập thể. Phần Lan - quốc gia có hơn 1.300 km đường biên giới với Nga trong khi dân số khoảng 5,5 triệu người vào năm 2021 - hiện có nhiều động lực hơn cho việc gia nhập NATO. Trong khi đó, Thụy Điển - quốc gia nằm sát đường biên giới phía Tây của Phần Lan - có vẻ thận trọng hơn khi lo ngại về tương lai của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine